Khó tuyển sinh, nhiều trường trung cấp nguy cơ xóa sổ

GD&TĐ - Khó tuyển sinh thời gian dài khiến nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tư thục tại TPHCM và khu vực lân cận đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Học viên theo học nghề Thẩm mỹ tại Trường Trung cấp quốc tế Khôi Việt.
Học viên theo học nghề Thẩm mỹ tại Trường Trung cấp quốc tế Khôi Việt.

Nguồn tuyển học sinh trung cấp nghề 2 năm trở lại đây gần như không còn, dù công tác hướng nghiệp, phân luồng được đánh giá là khả quan hơn trước. 

Dịch Covid-19 “bào mòn” sức chịu đựng của các trường

Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống các trường TCCN. Các trường không thể dạy trực tiếp, công tác tuyển sinh gần như “đứng hình”. Trường nào tuyển được thì đối mặt thực trạng bỏ học và không làm thủ tục nhập học do phải học online…

“Khó khăn của các trường có thể nói là chưa bao giờ như lúc này. Năm học trước chúng tôi tuyển được hơn 200 học sinh nhưng năm nay thì số lượng tuyển được rất ít. Cái khó của các trường TCCN hiện nay là chưa thể học trực tiếp, việc bắt đầu năm học mới dưới hình thức online như các trường ĐH là gần như không thể, vì đặc thù của giáo dục nghề nghiệp. Hiện tại trường vẫn “ngủ vùi” và chưa thể dự liệu được công tác tuyển sinh năm 2022 sẽ ra sao”, ThS Lê Hồng Việt - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Á nói.

TS Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Đại Việt TPHCM cho biết, dù rất tích cực truyền thông, quảng bá nhưng trường vẫn không có thí sinh nào đăng ký học. Thực tế này đưa trường rơi vào thế khó là không có nguồn thu để duy trì hoạt động.

Theo TS Lê Lâm, Trường Trung cấp Đại Việt TPHCM có một thời mỗi năm tuyển được từ 5.000 đến 7.000 học sinh. Song, thời hoàng kim đó đã xa khi kết quả tuyển sinh qua mỗi năm đều suy giảm, đến lúc không tuyển được học sinh nào. Trước đây, Trung cấp Y và Giáo dục mầm non là 2 ngành tuyển sinh rất tốt, nhưng từ khi có chính sách không tuyển lao động tốt nghiệp bậc trung cấp Y từ Bộ Y tế thì không ai học nữa.

Các trường TCCN tại Bình Dương cũng rơi vào cảnh tuyển sinh khó khăn. Đơn cử như Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật du lịch Bình Dương và Trung cấp Mỹ thuật cũng chỉ tuyển được hơn 100 chỉ tiêu. Khá hơn chút là Trường Trung cấp Nông Lâm tuyển được gần 3.000 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu các trường trên tuyển chỉ đạt khoảng 20 -  40% tổng chỉ tiêu của đơn vị.

TS Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, cho biết, số thí sinh đăng ký xét tuyển online năm 2021 đạt khoảng 60% so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, con số thực học sụt giảm nhiều vì ảnh hưởng giãn cách của dịch Covid-19, cũng như trường chưa thể cho học sinh học trực tiếp khiến nhiều em thay đổi chọn lựa theo hướng học tại địa phương.

“Không tổ chức dạy học trực tuyến được, mà việc học trực tiếp thì vẫn chưa thể diễn ra thật sự khiến các trường TCCN gặp muôn vàn khó khăn khi phải cân đối bài toán thu - chi. Học sinh không đi học thì làm sao thu học phí các em được. Trúng tuyển rồi mà vẫn phải ở nhà dài ngày chờ đợi đi học, thì việc các em thay đổi mục tiêu học tập là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại cần được UBND TP, Sở LĐ,TB&XH TPHCM tính toán để giảm gánh nặng và áp lực cho các trường”, TS Sáng chia sẻ.

Đứng trước nguy cơ phá sản

Thống kê của Sở LĐ,TB&XH TPHCM, TP hiện có 64 trường TCCN. Tính đến cuối tháng 11/2021, các trường này mới chỉ tuyển được khoảng 12.000 chỉ tiêu trong tổng số 36.000 chỉ tiêu được giao, đạt xấp xỉ 35%. Đáng chú ý có nhiều trường tuyển chỉ được vài học sinh.

Nguồn tuyển cạn và xu hướng “ĐH-CĐ hóa” đang khiến các trường TCCN tư thục hoạt động cầm cự là chủ yếu. TS Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Đại Việt TPHCM cho biết, vài năm trước, nguồn tuyển của các trường TCCN là số học sinh xác định học nghề ngay sau phân luồng, cộng thêm số lượng ít ỏi học sinh THPT không thể vào các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây khi các trường ĐH mở rộng nhiều phương thức xét tuyển, trường CĐ thì xét tuyển quanh năm đã khiến số lượng nguồn tuyển là học sinh THPT gần như không còn.

“Nguồn tuyển mà các trường TCCN mong đợi duy nhất đến từ số học sinh THCS rẽ hướng học nghề và không học lên THPT. Tuy vậy, số lượng nguồn tuyển ít ỏi trên cũng đã bị các trường CĐ độc chiếm bởi hình thức và mô hình tuyển sinh hệ 9+. Giữa trường TCCN với trường CĐ có học thêm vài môn văn hóa để nhận bằng CĐ, tất nhiên học sinh và phụ huynh sẽ chọn CĐ và thế là các trường TCCN gần như hết nguồn tuyển”, TS Lâm phân tích.

Nhìn nhận nguồn tuyển của các trường TCCN đang bị san sẻ và phân tán quá nhiều, ông Lê Thanh Tùng -  Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Bình Dương cho rằng, xu hướng học sinh vẫn có tâm lý vào học hệ TCCN ở trường ĐH, CĐ hơn là các trường TCCN. Cộng thêm các trường ĐH-CĐ mở rộng cửa bằng phương thức xét học bạ, hệ 9+… đã khiến nguồn tuyển của hệ TCCN ngày một ít đi. “Đây là điều mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại, tính toán lại để tránh sự lệch vai trong bài toán đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trong tương lai”, ông Tùng nói.

Đáng chú ý là trong Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ LĐ,TB&XH xây dựng cho thấy, trường trung cấp công lập cũng sẽ bị thu hẹp quy mô. Theo nội dung dự thảo đặt ra, đến năm 2030, giảm 20% số cơ sở giáo GDNN công lập so với năm 2020, giảm 100% số trường trung cấp so với năm 2020, phát triển cơ sở ngoài công lập lên 45%. Để thực hiện chỉ tiêu này, phải sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng hoặc giải thể nếu hoạt động không hiệu quả.

Đây rõ ràng là vấn đề lớn trong việc đảm bảo cân đối nguồn lực lao động cho thị trường khi quy hoạch và tầm nhìn tương lai sẽ giảm các trường trung cấp công lập, trong khi các trường trung cấp tư thục thì đang chật vật tuyển sinh và hoạt động kiểu cầm chừng.

“Kéo giảm và sáp nhập lại hệ thống trường công lập không hiệu quả, trong khi hệ thống trường tư thục đang đứng bên bờ vực của sự phá sản vì không có người học là điều mà những người làm chính sách trong đào tạo và cung ứng nhân lực cần phải tính toán và cân nhắc kỹ. Rõ ràng ai cũng có thể thấy nhân lực trình độ ĐH-CĐ của chúng ta đang quá dôi dư, trong khi nhân lực nghề, lao động chất lượng (có tay nghề) đang vô cùng thiếu hụt. Sẽ rất là tai hại cho nền kinh tế khi nguồn lực lao động có tay nghề ngày càng sụt giảm và khan hiếm”, một hiệu trưởng trường TCCN nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.