Hoàng Thảo (25 tuổi, Lạng Sơn) từng "méo mặt" vì trót hỏng điện thoại vào tháng 7 âm lịch năm ngoái. Mẹ cô không cho phép mua điện thoại mới vì kiêng kỵ, cho rằng sẽ mau hỏng hoặc dễ bị mất. "Mình giải thích là cần điện thoại gấp để liên lạc chuyện công việc nhưng mẹ mãi không nghe, mình cũng không muốn làm trái ý mẹ, đành đi mượn bạn dùng tạm, đến hết tháng 7 âm mới mua", Thảo kể với Zing. |
Không chỉ kiêng kỵ nhiều chuyện công việc, một số món ăn cũng được cho là không đem lại may mắn trong tháng này như cháo trắng, mực, trứng vịt lộn hay tôm... Tuy nhiên, đây đều là các quan niệm sai lầm, không có cơ sở. |
Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Phật giáo Việt Nam - quan niệm của người Việt là không có tháng cô hồn, mà chỉ có tháng xá tội vong nhân. Điều này cũng được nhắc đến trong sách 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam. Vì vậy, thay vì cúng bái, tôn thờ những điều mê tín, con người nên hướng tới những điều thiện, như xá tội vong nhân và báo hiếu với cha mẹ, ông bà. |
Theo sách Thiên nguyên ngũ ca của Đại Hồng (Trung Quốc), tháng 7 âm lịch không có ý nghĩa đen đủi mà còn là thời gian may mắn, bởi vương đế cổ đại khi qua đời thường lui lại đến tháng 7 mới cho an táng, vì đây được coi là tháng “thượng đắc thiên thời, hạ đắc địa lợi”. Rằm tháng 7 âm lịch cũng có 2 lễ lớn là lễ Vu Lan và xá tội vong nhân, đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn. |
Đối với những chuyện đại sự, mọi người vẫn có thể tổ chức vào ngày đẹp, phù hợp với mình thay vì "né" tất cả ngày trong tháng 7 âm lịch. |
Tháng 7 thường có thời tiết ẩm ướt do mưa nhiều, khiến tâm trạng con người dễ mệt mỏi, chán nản. Vì vậy, mỗi người có thể tự khích lệ tinh thần bằng các sở thích cá nhân hay món ăn ngon thay vì kiêng kỵ những điều vô lý. |
Đặc biệt, do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, điều mọi người nên "kiêng" là việc tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc gần, thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang để tránh virus lây lan. |