Khổ như đi... khám bệnh

GD&TĐ - Đau đớn bệnh tật, vật vã xếp hàng chờ đợi khám bệnh, thủ tục hành chính rườm rà, loằng ngoằng, thái độ y, bác sỹ thì hách dịch kèm với khuôn mặt lạnh tanh cùng những câu trả lời cộc lốc… đang là nỗi ám ảnh của nhiều người bệnh mỗi lần phải đi đến bệnh viện để khám bệnh.  

Khổ như đi... khám bệnh

Chờ cả giờ, khám vài phút

Hầu hết hiện nay các cơ sở y tế đã tổ chức hoạt động khám chữa bệnh từ 7 giờ sáng, song vẫn nhiều bệnh nhân phải thức đêm dậy sớm tới bệnh viện xếp hàng chờ khám từ 5 giờ sáng để mong được khám trước do quá đông bệnh nhân. Đây là thực tế tồn tại mà một số cơ sở y tế lớn trên địa bàn Hà Nội đang bất lực, chưa thể chấm dứt được tình trạng này.

Tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Da liễu T. Ư, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Việt Đức… tình trạng người bệnh vật vã xếp hàng chờ khám bệnh vẫn thường xuyên xảy ra. Bệnh viên K, ngày nào cũng vậy ngay từ sáng sớm tinh mơ đã rất đông bệnh nhân xếp hàng chờ khám bệnh.

Anh Nguyễn Văn Huy quê ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc cùng vợ đi từ lúc 3 giờ 30 sáng chỉ mong có thể khám đầu tiên. Anh Huy cho biết, anh đến đây từ lúc 5 giờ 30, lấy được số 5 nhưng mãi đến gần 9 giờ mới được bác sĩ gọi vào khám.

“Vừa vào, bác sĩ đã hỏi đau ở đâu, đau từ bao giờ, triệu chứng thế nào, cảm giác ra sao, bây giờ còn đau nữa không… Tất cả diễn ra trong chưa đầy 3 phút. Sau đó bác sĩ kê một loạt xét nghiệm, chụp chiếu, điện tim, siêu âm… Mà khổ nhất là khâu nào cũng chờ đợi rất lâu chứ không phải chỉ định xong là được làm ngay” – anh Huy phàn nàn.

Kể về nỗi cực nhọc mỗi lần lên Hà Nội khám bệnh, chị Nguyễn Ánh Hồng quê ở Nam Định đi khám tai mũi họng ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Khổ nhất là khâu nào cũng phải đợi. Tôi đến sớm và được khám đầu tiên, nhưng phải đợi đến hơn 9 giờ mới có kết quả siêu âm, sau đó quay ra phòng chụp phim đợi tiếp để đến lượt.

Nhưng đúng giờ bệnh viện nghỉ trưa, tôi lại phải đợi tiếp đến 13 giờ 30 mới được khám, rồi lại tiếp tục xếp hàng quay lại khám lần 2 để bác sĩ kết luận. 16 giờ 30 mới đến lượt, vào bác sĩ xem lại kết quả ở giấy siêu âm và phim, rồi nói là chỉ viêm tai bình thường, không có gì phải lo lắng sau đó kê đơn để tôi đi mua thuốc”.

Cùng cảnh ngộ như chị Hồng, chị Dương Thị Bích Liên quê ở Hà Tĩnh cũng đưa mẹ đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Mẹ tôi năm nay đã 76 tuổi, với việc vượt chặng đường gần 400km ra Hà Nội khám bệnh đã quá gian nan, nhưng cảnh dậy sớm, lặn lội ra bệnh viện mệt mỏi chờ khám còn khiến mẹ tôi mệt mỏi hơn nhiều lần”.

Theo chị Liên, trong một ngày, khi bác sỹ bắt đầu gọi bệnh nhân tới khám là 7 giờ đến hết ngày, nhưng mẹ chị mới chỉ làm được một số yêu cầu bác sỹ chỉ định như xét nghiệm máu, nước tiểu, số còn lại như chụp cộng hưởng từ phải kéo dài tới ngày hôm sau. Hai mẹ con chị lại cứ phải vật vã ở bệnh viện để chờ khám xong các loại mới có thể yên tâm mà lên đường về quê.

Nỗi khổ của người bệnh

Không chỉ phải chịu cực khổ xếp hàng để chờ khám bệnh, hiện tại các bệnh viện vẫn còn quá nhiều bất cập trong công tác khám bệnh khiến bệnh nhân không thể yên tâm. Đầu tiên phải kể đến quy trình khám bệnh mất vài tiếng đồng hồ để bệnh nhân nộp tiền và thẻ bảo hiểm y tế, chờ lấy số thứ tự khám, chờ gọi tên, chờ xét nghiệm, chờ lấy kết quả xét nghiệm, rồi quay lại để bác sĩ kết luận...

Tuy nhiên, đáp lại công sức đợi chờ, chầu chực ấy là cách khám siêu nhanh của một số bác sỹ, chẩn đoán bệnh và kê đơn. Có khi người bệnh còn chưa kịp khai báo rõ ràng về triệu chứng, trình bày thắc mắc thì đã bị mời ra ngoài để người tiếp theo vào.

Bên cạnh đó, hiện nay thủ tục khám chữa bệnh và nộp tiền tại một số cơ sở y tế còn quá rườm rà. Chẳng hạn như ở Bệnh viện K, bệnh nhân cứ đi đến đâu bác sỹ chỉ định chụp chiếu xét nghiệm, bệnh nhân lại phải chạy đi nộp tiền, nộp tiền xong mang phiếu thu lên mới được chụp chiếu. Đến chỗ khác bác sỹ lại chỉ định, bệnh nhân lại tất tưởi chạy đôn chạy đáo đi nộp tiền, cứ như vậy lặp đi lặp lại 4 - 5 lần khiến bệnh nhân vốn đã mang bệnh trong người cảm thấy càng mệt mỏi hơn rất nhiều.

Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho thấy hiện nay tình trạng các bệnh viện công đang quá tải ở mức trầm trọng. Công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức từ 100 - 150%, thậm chí cao điểm có bệnh viện lên tới 200%. Bởi vậy, tình trạng 2 người bệnh nằm chung một giường hay cảnh bệnh nhân nằm, ngồi la liệt ngoài hành lang, hoặc phải chầu chực xếp hàng khám chữa bệnh từ 4 - 5 giờ sáng còn rất phổ biến ở nhiều bệnh viện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.