Gia tăng hạn mức vay, điều chỉnh mức vay theo vùng miền
Chính sách tín dụng cho HSSV vay vốn học tập (NHCSXH) suốt 10 năm qua là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, không chỉ tạo lập chỗ dựa, niềm tin cho những gia đình, HSSV nghèo, mà còn mang đến cho chính sách an sinh xã hội sự cân bằng cần thiết. Thống kê của NHCSXH cho thấy, trong 10 năm qua tổng doanh số tín dụng cho sinh viên vay học tập đã chạm ngưỡng gần 60.000 tỉ đồng với hơn 3,5 triệu HSSV được vay vốn cho chi phí học tập. Tổng dư nợ đến thời điểm này chỉ còn 16.429 tỉ đồng (năm 2011 dư nợ Quỹ tín dụng lên tới trên 33.000 tỉ đồng).
Con số trên không chỉ thể hiện rõ tính hiệu quả của một chủ trương lớn. Nó còn cho thấy chính sách công bằng xã hội mà Nhà nước chủ trương, cũng như sự bình đẳng về đào tạo với mọi đối tượng người học. Việc cho vay quan hộ gia đình của NHCSXH đã khắc phục được những bất cập trong khả năng thu hồi nợ, nợ xấu, nợ không thể đòi vẫn nhiều sau khi sinh viên ra trường vì thiếu tính kết nối giữa NH với địa phương và nhà trường khi thực hiện cho vay trực tiếp đối với HSSV do Ngân hàng thương mại – Ngân hàng Công thương và thời gian đầu khi NHCSXH thực hiện khi mới thành lập.
Tuy được đánh giá là một chính sách tốt, cần duy trì nhưng theo bà Hoàng Thị Chương - Phó ban Tín dụng NHCSXH - bên cạnh những mặt ưu việt, chính sách tín dụng cho HSSV cần thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về tín dụng HSSV thông qua nhà trường, tránh tình trạng nhà trường cấp giấy xác nhận nhiều nhưng số lượng HSSV vay vốn lại thấp hơn do không thuộc đối tượng vay theo Quy định của Chính phủ; cần xem xét mức cho vay tối đa lên 2-2.5 triệu đồng/1 hssv/1tháng khi mức học phí và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là tại các địa bàn ở các thành phố lớn; xem xét mở rộng đối tượng đối với hộ gia đình không thuộc đối tượng vay vốn theo quyết định 157/2007/QĐ-TTg nhưng có 2 con đi học, thu nhập thấp- kinh tế gặp nhiều khó khăn, sinh sống tại vùng khó khăn nhưng chưa được vay vốn chương trình.
PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhìn nhận: Thời gian đầu chính sách tín dụng cho SV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg là một chính sách được ủng hộ tốt, mang tính xã hội rất cao. Tuy nhiên, sau này do nhiều điều kiện khách quan đối tượng vay vốn học tập giảm. Ngoài ra sự chủ động của các trường ĐH-CĐ trong việc tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ cho sinh viên chứ không phải đến từ bất cập của chính sách. Chính vì thế, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt cho rằng Nhà nước cần làm thật tốt hơn nữa chính sách hỗ trợ SV. Quy trình thực hiện vốn vay cần được NHCSXH đơn giản và tối ưu nhiều hơn nữa. Đặc biệt, cần có sự phản hồi danh sách sinh viên nợ, nợ quá hạn không trả từ NHCSXH về cho các trường để các trường biết mà nhắc nhở SV, tạo nguồn vốn mới cho lứa sinh viên sau.
Cũng có cái nhìn tích cực về Quỹ tín dụng cho HSSV vay vốn học tập từ NHCSXH, ông Lê Minh Chiến - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt - cho rằng để quỹ tín dụng SV hiệu quả hơn, Nhà nước cần gia tăng định mức vay hàng tháng, đơn giản hóa các thủ tục vay, đồng thời nghiên cứu việc cho SV vay theo khu vực, biểu giá học phí từng trường chứ không nên quy định hạn mức cho vay đổ đồng như hiện nay.
sinh viên đang làm thủ tục vay tín dụng để đi học |
Cân nhắc việc đưa quỹ vay về cho các trường
Đây là điều mà gần như đại diện các cơ sở đào tạo đều băn khoăn, với lo ngại rằng không chỉ gây thêm khó khăn cho các trường, mà vô hình trung còn làm đổ vỡ mối quan hệ thầy - trò khi liên quan đến vấn đề tài chính.
Đại diện Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng, nếu giao quỹ tín dụng về cho trường, bắt buộc trường phải là người thực hiện hết các thủ tục pháp lý về đề xuất vay, giải ngân của SV (xác định hộ nghèo hay không? Hộ khẩu có thật đang ở địa phương đó không?); đó là chưa kể khi hết hạn vay, trường phải đeo bám SV thu hồi nợ, điều đó vô tình tạo thêm áp lực rất lớn cho các trường. Trong khi các thủ tục, chính sách pháp lý này vốn là chuyện chuyên môn của ngân hàng.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng công tác HSSV Trường ĐH Luật TPHCM, với sự phối hợp còn chưa thật chặt chẽ hiện nay giữa nhà trường, NHCSXH, địa phương quản lý SV… Việc chuyển đổi hình thức triển khai quỹ tín dụng về cho các trường thực hiện là không khả thi. Bởi ngoài việc thiếu thông tin về khả năng vay và trả của sinh viên (NHCSXH không gửi danh sách phản hồi, đối sánh) nên các trường không thể biết SV nào trả hay chưa, thì văn bản pháp lý để các trường thực hiện đòi nợ là chưa có. Vì vậy, ông đề nghị trong giấy xác nhận vay vốn cần nghiên cứu, tính đến khả năng phấn đấu của người học bằng thông tin học lực, cộng thêm các thông tin phụ trợ về ngành học, lĩnh vực làm việc… để ngân hàng rà soát giải ngân, tránh rủi ro hoặc gây tranh cãi giữa các bên.
Thực tế, hiện có nhiều trường triển khai mô hình vốn vay học tập cho SV một cách khá linh hoạt bằng chính nguồn lực tài chính của trường mình . Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã ký kết với NHCSXH thỏa thuận hỗ trợ lãi vay vốn NHCSXH cho HSSV tựu trường từ năm học 2017. Toàn bộ lãi phát sinh của HSSV vay vốn NHCSXH trong thời gian học ở trường được nhà trường hỗ trợ thanh toán. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng có quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo, khó khăn từ nguồn lãi ngân hàng mỗi năm lên tới 25 tỉ. Bên cạnh đó trường còn có chương trình vay vốn ngắn hạn để đóng học phí dành cho sinh viên có khó khăn về tài chính.
“Chúng tôi xây dựng một chương trình tín dụng hẳn theo gói. Với SV thuộc diện chính sách, các em sẽ được hỗ trợ 100% học phí, miễn phí KTX, và hỗ trợ một khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày thông qua quỹ học bổng được trích lập từ nguồn lãi học phí hàng năm ngân hàng trả. Với SV cần vay vốn ngắn hạn (theo học kỳ) để đóng học phí trong thời gian HSSV đang học ở trường, chỉ cần soạn đơn theo mẫu của nhà trường, có xác nhận của phụ huynh, là chúng tôi cho ngân hàng giải ngân. Hình thức tín dụng này giúp trường dễ kiểm soát nguồn vay, thu hồi nợ cũng như tạo sự thuận lợi đối đa cho SV của mình.
Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Chính phủ cho HSSV vay vốn với thời hạn dài, sau khi HSSV ra trường có việc làm và hoàn trả nợ vay vẫn phải được duy trì và tiếp tục thực hiện thông qua NHCSXH” - PGS.TS Bích Nguyệt nói.
“Hiện có nhiều SV học tại các trường quốc tế, học tại các đô thị lớn, các trường có mức học phí cao hàng chục triệu đồng/năm. Mức vay hiện nay chưa thật thu hút khi khoản vay không đủ để SV đóng học phí. Vì vậy, việc tính toán gia tăng hạn mức vay 1,5 triệu đồng/SV/tháng như hiện nay cần được thực hiện sớm” - ông Lê Minh Chiến nói.