Sự việc xảy ra tại tiểu khu 329, lâm phận Trường Sơn, gần cầu Dìn Dìn trên nhánh tây đường Hồ Chí Minh do Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại quản lý.
Tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm huyện Quảng Ninh phát hiện có 45 cây gỗ có đường kính từ 0,4-1,2 m đã bị các đối tượng lâm tặc chặt hạ trái phép.
Theo thống kê có khoảng 26 cây gỗ lim, 17 cây gõ và 2 cây gỗ chua đã bị hạ. Hiện trường còn lại 45 súc gỗ có khối lượng hơn 16m3, riêng gỗ lim là 13,6m3 và nhiều bìa bắp, cành nhánh. Kiểm lâm cũng phát hiện thêm gần đó còn có 67 hộp gỗ lim và gõ với khối lượng gần 5m3 được cất giấu kỹ.
Ngay sau khi nhận thông tin, chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã đề nghị lập đoàn liên ngành kiểm tra, bảo vệ hiện trường khu vực rừng bị tàn phá để ngăn chặn lâm tặc vào rừng và tẩu tán gỗ khỏi hiện trường.
Qua tìm hiểu của PV, khu vực bị lâm tặc đốn hạ gỗ trái phép thuộc lâm phận quản lý của Lâm trường Trường Sơn. Hiện nay khu vực này đang khai thác cây keo nằm trên đất rừng trồng.
Trước đó, tại tiểu khu 649-650 thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nơi được cho là bảo vệ nghiêm ngặt nhất nhưng lâm tặc cũng đột nhập và khai thác rất nhiều gỗ quý như gỗ mun sọc, táu… với tổng khối lượng khoảng 100m3 gỗ.
Tuy nhiên điều dư luận tỉnh Quảng Bình thấy khó hiểu nhất ở hai sự viêc này đó là lâm tặc đã có một thời gian khá dài để thực hiên hành vi của mình như vậy nhưng phía lâm trường Trường Sơn; Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn không có một động thái nào để phát hiện và ngăn chặn (?).
Phải chăng các chủ rừng đang phớt lờ trách nhiệm được giao của mình để lâm tặc ngang nhiên hoành hành(?).
Trong những sự việc này, dư luận đã và đang chờ câu trả lời và những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất đối với những chủ rừng để lâm tặc vào tàn phá tài nguyên rừng nơi mình được giao trách nhiệm quản lý và bảo vệ.