Cổ vật đến với anh như một cơ duyên
Căn nhà nhỏ lợp bằng tôn của anh Nguyễn Văn Hưng (46 tuổi, trú tại thôn 6, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) lọt thỏm giữa bạt ngàn rẫy cà phê xanh tốt. Gần 16 năm qua, nó được sử dụng làm “bảo tàng” chứa hiện vật quý giá mà anh sưu tầm được. Trong cái “bảo tàng” đó mặc dù nhỏ về không gian nhưng rất đồ sộ về cổ vật. Ngay cả chủ nhân của nó cũng không biết có bao nhiêu cổ vật, chỉ biết nó được xếp tầng tầng, lớp lớp, từ dưới nền cho đến tận mái nhà. Anh Hưng khẳng định: “Về hiện vật cổ của văn hóa Tây Nguyên tôi nhiều nhất, về đồ đá của người tiền sử tôi cũng nhiều nhất nước”.
Anh Hưng bước vào nghề sưu tầm đồ cổ từ năm 2001. Cơ duyên anh đến với nghề cũng từ những trăn trở trước nạn “chảy máu” cổ vật. Do sống gần người đồng bào dân tộc thiểu số, anh phát hiện ra họ có nhiều hiện vật văn hóa rất đặc trưng và đam mê với nó từ bao giờ không hay. Tuy nhiên, khi chết, rất nhiều đồ vật được chôn theo, gọi là tục chia của cho người chết của cư dân nơi đây. Anh thấy tiếc cho số hiện vật trên, nên muốn giữ lại cho con cháu sau này còn được khám phá.
Hiện vật đầu tiên tôi sở hữu là một cái ché. Những năm đó, có một già làng, ông dặn con cháu khi mất thì chôn bộ ché theo. Hay tin, tôi tức tốc đến nhà thuyết phục ông hãy giữ lại, còn không thì bán lại cho tôi. Nói mãi, ông cũng đồng ý để lại nhưng đòi phải đổi con bò to béo. Tôi dắt con bò của nhà đến để đổi, nhưng ông không đồng ý mà đòi đi chọn con khác. Tôi đưa ông ấy đi khắp làng, ông chọn con to khỏe lấy, tôi đành phải mượn tiền mua con đó cho ông, anh Hưng tâm sự.
Nhà lợp tôn nhưng vẫn bỏ tiền tỷ thỏa chí đam mê
Chỉ cần nghe phong thanh ở đâu có hiện vật độc, lạ bất kể giá cả anh Nguyễn Văn Hưng lặn lội tìm đến thỏa trí tò mò. Khi món đồ nào đã lọt vào tầm ngắm, dù không có tiền anh Hưng sẵn sàng đi vay lãi, thậm chí phải chờ đợi năm này qua năm khác để mua cho bằng được.
Tôi thì không có nhiều tiền, phần lớn là dành dụm từ làm cà phê, rồi vay mượn để sưu tập cho được các món đồ yêu thích. Tuy nhiên khi đã có cơ duyên, phần lớn nhờ may mắn mà tôi sở hữu được, đôi khi có nhiều tiền chưa chắc đã mua được. Như năm 2005, ở huyện Chư Sê, có một ông nông dân đào được con dao bằng đá ở thời kỳ đồ đá. Lúc đó, tôi đã tìm đến mua nhưng bị tay “săn đồ cổ” lắm tiền hớt tay trên. Sau đó 1 năm, tự nhiên tay “săn đồ cổ” lại tìm đến nhà tôi và bán lại với giá 6 triệu đồng, giá trị tương đương với 6 tạ cà phê nhân lúc bấy giờ. Tôi cũng chấp nhận nhưng phải đi bán cà phê cho thương lái, nhưng là bán lúc cà phê đang ở trên cây với giá rẻ để lấy tiền mua, anh Hưng chia sẻ.
Đến nay bộ sưu tập của anh Hưng rất đồ sộ với cồng, chiêng, ché, cung tên,.…Ngoài những cổ vật gắn với văn hoá, lịch sử của người bản địa, anh còn sở hữu hàng nghìn cổ vật đồ bằng đá như rìu, bàn mài, chày đá đến những viên đá của thời kỳ đồ đá. Rất nhiều người đến tham quan, muốn ngỏ ý mua lại một số hiện vật với giá rất cao, tuy nhiên anh đều từ chối. Đối với anh mục đích sưu tầm hiện vật không phải để bán mà lưu giữ cho đời sau.
Nói về những dự định sắp tới, khi số hiện vật của anh sở hữu đã quá tải so với sức chứa của nhà anh, anh Hưng tính đến công bố rộng rãi: “Tính về số tiền tôi bỏ ra để sưu tập các hiện vật thì nhiều tỷ đồng rồi. Và giờ, tôi đang xin UBND huyện muốn mở một bảo tàng về văn hóa Tây Nguyên. Tại đó, tôi sẽ trưng bày hàng chục nghìn hiện vật mà tôi có về mảnh đất Tây Nguyên này để cho người dân có nơi tham quan, tìm hiểu”.