Khiêu vũ với rắn

GD&TĐ - Suốt hàng ngàn năm, thổ dân Hopi sống ở phía Bắc Arizona (Mỹ) thực hiện nghi thức nhảy múa cùng với rắn trong Lễ Rắn – Linh dương.

Thổ dân Hopi xem rắn như bạn khiêu vũ. Ảnh: Ancient-origins.net
Thổ dân Hopi xem rắn như bạn khiêu vũ. Ảnh: Ancient-origins.net

Xà vũ của họ bao gồm cả rắn không độc lẫn có độc, trong đó có loài kịch độc là rắn đuôi chuông và xà điệu không thể thiếu là ngậm rắn vào miệng đi vòng tròn.

Lễ Rắn – Linh dương

Hopi là thổ dân bản địa châu Mỹ, sử dụng tiếng Uto-Aztecan và nổi tiếng là dân tộc hòa bình. Phương châm sống của họ là văn minh, lịch sự, hòa hảo và tế nhị.

Lối sống của người Hopi là tự cung tự cấp và họ vô cùng tôn kính đất đai. Vì khu vực sinh cư của họ là hoang mạc khô cằn nên từ hàng nghìn năm trước, họ đã tiến hành nghi lễ cầu độ ẩm và đất đai phì nhiêu, Lễ Rắn – Linh dương dài 16 ngày.

Gọi là Lễ Rắn – Linh dương vì người Hopi là tập hợp của 2 xã hội, Tsutsu’t (Rắn) và Tsöötsöpt (Linh dương). Cứ 2 năm một lần, vào tháng Tám, họ lại tập trung ở các làng Oraibi, Hotevilla, Shongopovi, Shipaulovi (nếu là năm chẵn) hoặc làng Mishongnovi, Walpi (nếu là năm lẻ) và mang theo nhiều loại rắn như rắn sọc, rắn hổ mang, rắn sừng, rắn đuôi chuông…

Nếu rắn đại diện cho phụ nữ, sự uyển chuyển, tinh tế thì linh dương đại diện cho đàn ông, chiến binh, nam tính. Thời điểm trước nửa đêm ngày thứ 11 của nghi lễ, đám cưới thiếu nữ Rắn và thiếu nam Linh dương được tổ chức. Tiếp theo là nghi thức tụng ca với các bài hát thiêng.

Tất cả các ca khúc đều bằng ngôn ngữ không xác định và chúng được hát lên cho rắn chứ không phải người. Người ta hát liên tục cho đến khi chòm sao Orion (Thợ săn) xuất hiện trên đường chân trời phía Đông.

Ngày thứ 15, trước khi sao Orion và Mặt trời mọc, 2 vũ công Rắn sẽ đi vòng quanh vũ công Linh dương, mỗi người cầm một khung gỗ tượng trưng cho sấm sét, nhảy múa cầu bão gió mùa mang mưa về.

Ngậm rắn nhảy múa

khieu-vu-voi-ran-2.jpg
Vũ công Rắn ngậm rắn trong miệng. Ảnh: Ancient-origins.net

Tín ngưỡng thổ dân Hopi tin rằng rắn là loài động vật gọi mưa nên múa với rắn là vũ điệu quan trọng nhất. Nghi thức này được thực hiện vào ngày cuối cùng của Lễ Rắn – Linh dương và bắt đầu bằng việc “thanh tẩy” cho rắn.

Các vũ công Rắn đứng ở 4 góc khớp với 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và lần lượt tiến vào vị trí trung tâm, nơi đặt sẵn chậu bọt rễ cây yuccan màu trắng như bóng xà phòng. Từng xà vũ được tắm sạch bằng bọt yuccan để có tấm thân thanh khiết, đủ điều kiện truyền tải lời cầu nguyện của người Hopi đến tổ tiên.

Nơi tiến hành nghi thức nhảy múa với rắn là quảng trường làng. Thổ dân Hopi bẻ cây bông cắm thành một lùm ở giữa sân, lấy da trâu hoặc vải bạt bao bọc lại cho giống túp lều nhỏ, gọi là kisi (bóng râm) rồi lùa cả trăm con rắn, trong đó có đến một nửa là rắn đuôi chuông vào.

Phía trước kisi, họ đào một hố nhỏ tượng trưng cho cổng vào thế giới bên kia và đặt tấm ván ngang qua. Các vũ công Rắn giẫm chân lên tấm ván này để tạo ra âm thanh giống như tiếng sấm.

Nếu trong các lễ hội mùa Xuân, mùa Hè, vũ công thổ dân Hopi đeo mặt nạ vẽ sặc sỡ thì ở Lễ Rắn – Linh dương, họ để mặt thật, xõa tóc tự nhiên và chỉ đội một chùm lông vũ màu đỏ trên đỉnh đầu. Mặt họ quẹt than đen; cằm, cổ bôi đất sét trắng còn ngực, cánh tay và cẳng chân sơn đất sét đỏ.

Trang phục của vũ công Rắn là khố màu nâu đỏ vẽ hình con rắn đen, viền trắng, treo móng linh dương, giày da nai có tua rua, vòng cổ vò sỏ, mặt dây chuyền bằng ngọc hoặc bạc. Ở thắt lưng, họ đeo dây màu đỏ và súng giả bằng vỏ sò. Ở khoeo chân phải, họ buộc lục lạc mai rùa.

khieu-vu-voi-ran-3.jpg
Vũ điệu rắn là hoạt động nghi lễ cuối cùng của Lễ Rắn – Linh dương. Ảnh: Ancient-origins.net

Một ngày trước ngày cuối cùng của Lễ Rắn – Linh dương, vũ công Rắn ngậm thân cây ngô, đậu, bí nhảy múa để cầu cây cối lớn nhanh, hoa trái sung túc. Vũ công Linh dương thì phụ họa bằng cách đeo băng đô làm từ lá cây bông và bê bát nước thiêng (nước lá thảo dược), vẩy vào người vũ công Rắn.

Vào ngày cuối cùng của Lễ Rắn – Linh dương, vũ công Rắn chia thành 3 nhóm: Người ngậm, người trông và người bắt. Người ngậm sẽ ngậm con rắn vào miệng nhảy múa còn người trông đứng phía sau người ngậm, dùng tay trái nắm chặt vai trái của người ngậm còn tay phải thì cầm chiếc lông đại bàng ve vẩy trước đầu con rắn, đánh lạc hướng nó khỏi người ngậm. Người bắt thì chờ người ngậm nhảy múa hết vòng và nhả con rắn ra, bắt nó lại.

Vòng khiêu vũ rộng 6,09m, bên trong kẻ 6 đường thẳng cùng trung điểm đại diện cho 4 hướng và điểm cao nhất (trời), điểm thấp nhất (đất). Kết thúc vũ điệu, các xà vũ được đặt xuống bạt và phụ nữ thổ dân Hopi tiến lên, đổ bột ngô vào chúng. Cuối cùng, họ thả chúng đi theo 4 phương, mong chúng mang mưa lại và giúp mùa màng bội thu.

Vào ngày xà vũ, các vũ công Linh dương không tham gia nhảy múa, chỉ đứng thành hàng quan sát và lắc lục lạc góp âm thanh. Họ sơn tay chân màu xám tro và vẽ đường trắng ngoằn ngoèo đại diện cho ánh chớp. Cằm họ cũng được sơn đen, từ khóe miệng đến mang tai vẽ đường sấm sét bằng đất sét trắng.

Kết thúc xà vũ, thổ dân Hopi uống chất gây nôn, nôn hết mọi thứ trong dạ dày ra rồi mới mở tiệc tưng bừng.

Theo ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn. Ảnh: INT.

Đội hình cầu thủ Gen Z tuổi Tỵ

GD&TĐ - Bên cạnh đội hình vô địch ASEAN Cup 2024, bóng đá Việt Nam còn có nhiều cầu thủ tài năng cầm tinh con rắn (sinh năm 2001), được kỳ vọng tỏa sáng trong năm Ất Tỵ 2025.

Chồng cũ Từ Hy Viên từ mặt mẹ ruột

Chồng cũ Từ Hy Viên từ mặt mẹ ruột

GD&TĐ - Nhiều người đã bày tỏ sự nghi hoặc về tuyên bố này của chồng cũ Từ Hy Viên, bởi đây không phải lần đầu tiên mẹ con họ xảy ra mâu thuẫn.