Khiếu nại hay kiện là quyền của người dân

Khiếu nại hay kiện là quyền của người dân

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Khiếu nại hay kiện là quyền của người dân ảnh 1
Thời gian qua do không có cơ quan theo dõi việc thi hành án hành chính và chế tài xử phạt mạnh nên nhiều vụ việc không được xử lý dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài (ảnh: gdtd.vn). 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, quy định về thủ tục thi hành bản án hành chính chỉ xác định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước, chưa xác định cơ quan nào làm công tác thi hành án cũng như thủ tục, trình tự và chế tài xử phạt với trường hợp không chấp hành bản án, quyết định hành chính. Trong khi đó, thời gian qua do không có cơ quan theo dõi việc thi hành án hành chính và chế tài xử phạt mạnh nên nhiều vụ việc không được xử lý dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể ngay trong Luật về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định hành chính và nghiên cứu giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính. Như vậy sẽ bảo đảm không hình thành thêm tổ chức mới về thi hành án, phù hợp với nguyên tắc một việc không giao cho nhiều cơ quan thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ luật thi hành án dân sự đã quy định phần tiền, tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã được giao cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành. Và Bộ Tư pháp cũng đã thành lập cơ quan theo dõi thi hành án dân sự.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật Tố tụng hành chính, quy định về các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có hai ý kiến khác nhau. Thứ nhất, quy định thẩm quyền của Toà án theo phương pháp loại trừ. Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Đây cũng là quy định của dự thảo Luật. Thứ hai, quy định theo phương án liệt kê như quy định tại Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và có bổ sung thêm một số điều kiện mới. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án theo phương pháp loại trừ để con đường khiếu kiện của người dân rộng hơn, bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh, đối với danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án chỉ nên loại trừ một số quyết định, hành vi thực sự đặc biệt, còn những vấn đề không thực sự đặc biệt thì không nên hạn chế.  

Về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định đúng với cam kết gia nhập WTO của nước ta. Cam kết gia nhập WTO khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn nào của khiếu kiện thì tổ chức, cá nhân đều có quyền khởi kiện ra Tòa án. Song dự thảo Luật lại quy định đối với các khiếu kiện về hành vi hành chính, khiếu kiện về một số loại việc có tính chuyên môn sâu, lĩnh vực mà Luật chuyên ngành quy định phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra Tòa án; khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính. Mặt khác, quy định như dự thảo Luật có nghĩa là sẽ không đổi mới được cơ chế giải quyết khiếu kiện cũng như chưa tạo sự chuyển biến căn bản tình hình giải quyết khiếu kiện hiện nay.

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng) đề nghị, dự thảo Luật cần quy định theo hướng dành quyền lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện tại Tòa án cho người dân, mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Đây sẽ là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta. Song, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), không phải mọi trường hợp bỏ qua thủ tục khiếu nại hành chính mới được khiếu kiện ra Tòa án sẽ tốt cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, qua thủ tục khiếu nại hành chính, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện xem xét sớm các sai sót trong quá trình ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính. Biện pháp này cũng sẽ tốn ít thời gian hơn so với việc khởi kiện ra Tòa án. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát thực tiễn xử lý các khiếu nại hành chính để có quy định phù hợp.

Quang Anh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.