Khi yêu thương được lan tỏa

GD&TĐ - Nhiều trường học trên địa bàn Hải Phòng thường xuyên cho học sinh thăm các trường nuôi dạy học sinh khuyết tật, làng trẻ em mồ côi...

Học sinh Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng và Trường THPT Lương Thế Vinh trong các hoạt động đón Tết cổ truyền dân tộc.
Học sinh Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng và Trường THPT Lương Thế Vinh trong các hoạt động đón Tết cổ truyền dân tộc.

Với những học trò tại Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị TP Hải Phòng có lẽ hương xuân còn đọng mãi trong tim bởi sự yêu thương, sẻ chia, tình cảm chân thành của anh chị học sinh đến từ các trường học trên địa bàn.

Xua tan giá lạnh...

Với Việt Thái, Quang Đạt, Anh Tuấn, Huyền Mi… và những học trò Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng, những ngày Tết Ất Tỵ 2025 thật ngọt ngào, ấm áp và ý nghĩa. Bởi, các em được cùng thầy cô, các bạn và nhiều anh chị học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) trải nhiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian.

Thầy Phạm Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng chia sẻ, không khí trong trường tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên bởi sự hiện diện của thầy cô, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh. Công tác chuẩn bị với nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế như: Gói bánh chưng, trang trí gian trại, ẩm thực chợ Tết xưa, nhảy sạp cùng với đó là các trò chơi bịt mắt bắt vịt, ô ăn quan, chơi chuyền… Các hoạt động đã mang đến cho học sinh, phụ huynh hai trường không khí Tết sum vầy và một mùa Xuân tràn ngập tình yêu thương.

Để chương trình thành công thì công tác chuẩn bị rất quan trọng. Ngay từ đầu tháng Chạp, ban tổ chức của hai trường đã tiến hành họp bàn, thảo luận kế hoạch chi tiết cho chương trình. Các nhiệm vụ được phân công cụ thể như: Thiết kế ý tưởng trang trí, chuẩn bị quà tặng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, và lên danh sách các tiết mục giao lưu văn nghệ. Đây là bước đầu để đảm bảo chương trình được tổ chức một cách chu đáo và trọn vẹn nhất, thầy Hưng cho biết thêm.

Cô Hồ Thị Dinh - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ, một trong những hoạt động trọng tâm trong giai đoạn chuẩn bị là việc thầy trò cùng nhau tạo ra các sản phẩm thủ công để trang trí và làm quà tặng.

Học sinh 2 trường đã bắt tay vào làm tranh đính đá, gấp hoa giấy và tạo ra những sản phẩm đơn giản nhưng đẹp mắt. Mỗi bông hoa, mỗi bức tranh đều chứa đựng tình cảm và sự cố gắng của các em. Cô Dinh cũng miệt mài cùng học sinh xâu hạt, đính đá với tất cả sự hào hứng, hồi hộp và nụ cười vui mừng khi cô và trò tự tay hoàn thiện một sản phẩm.

“Những giờ làm việc chung không chỉ giúp các em rèn luyện sự khéo léo và kiên nhẫn, mà còn là cơ hội để gắn kết tình cảm giữa các em. Những sản phẩm học trò 2 trường tự tay làm được sử dụng để trang trí cho ngày Tết và làm quà lưu niệm”, cô Dinh cho hay.

Bùi Thị Minh Nguyệt - Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng vui vẻ cho biết, em thích những trò chơi dân gian khi chơi cùng các anh chị. Từ khi em sinh ra đã không may mắn vì thế các trò chơi dành cho trẻ em cũng bị hạn chế. Được chơi và học cách chơi cùng anh chị khiến cho tinh thần em thoải mái, phấn chấn hơn nhiều.

Song song với việc làm sản phẩm thủ công, học sinh còn chuẩn bị cành đào, cành mai, đèn lồng và những câu đối Tết để tạo nên một không gian đậm chất truyền thống. Có lẽ với những học trò khiếm thị, đây là những khoảnh khắc đáng nhớ bởi các em được cảm nhận rõ nét nhất không khí Tết cổ truyền của dân tộc qua xúc chạm.

khi-yeu-thuong-duoc-lan-toa-1.jpg
khi-yeu-thuong-duoc-lan-toa-4.jpg
Hành động yêu thương trong ngày xuân tại ngôi trường cho trẻ em khiếm thị Hải Phòng.

Trao yêu thương nhận hạnh phúc

Kể về các hoạt động xã hội cho học sinh nhà trường, cô Hồ Thị Dinh chia sẻ, hàng năm trường có nhiều chương trình giáo dục đạo đức, lối sống và ý thức xã hội cho học sinh như: Thăm các cụ già neo đơn tại Trung tâm bảo trợ xã hội thành phố; Tặng quà và giao lưu cùng các bé tại Làng Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, SOS; Đón Tết cùng học sinh Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng.

Những hoạt động này được nhà trường tổ chức thường niên với mong muốn quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn, những người già không nơi nương tựa, những trẻ em khuyết tật, nhằm giáo dục cho học sinh nhà trường về ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, biết yêu thương chia sẻ. Năm nay cũng là năm thứ 2 nhà trường phối hợp với Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền trong trường học.

Cùng tham gia các hoạt động, được trò chuyện, giúp đỡ những học sinh khiếm thị, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đã trưởng thành hơn rất nhiều trong cả suy nghĩ và hành động. Sự cởi mở, tinh thần tự nguyện, chủ động là điều thầy cô cảm nhận rất rõ sau chuỗi các hoạt động thiện nguyện chào xuân.

Em Mai Hoàng Bảo An, lớp 10A1, Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, năm đầu tiên em được cùng các bạn trải nghiệm đón xuân cùng các em học sinh khiếm thị. Em rất vui bởi được hòa mình vào những hoạt động thực tế, phong phú. Không gian Tết xưa đã được tái hiện trong rất nhiều hoạt động.

khi-yeu-thuong-duoc-lan-toa-3.jpg

“Học cách yêu những nét đẹp văn hóa cổ truyền, trải nghiệm tự tay làm ra chiếc bánh chưng truyền thống là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa với em. Càng đặc biệt hơn khi những sản phẩm do chính tay mình làm ra trở thành món quà trao tặng người thân yêu, những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì ý nghĩa của nó lại được nhân lên gấp bội”, Bảo An bày tỏ.

Đặc biệt, với học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, các em có cảm nhận đầy đủ hơn về những khó khăn của học sinh khiếm thị trong cuộc sống. Em Nguyễn Thị Quỳnh Nhi lớp 11B4 bộc bạch, giờ em mới hiểu câu nói “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” là như thế nào. Em thực sự khâm phục nghị lực của các bạn ấy. Qua mỗi hoạt động như vậy, em thấy ấm lòng hơn, biết cảm thông, thấu hiểu và sự trưởng thành trong nhận thức.

Cô Dinh chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc vì học sinh nhà trường đã trưởng thành trong nhận thức, thấy được trách nhiệm của bản thân với gia đình và cộng đồng, biết yêu thương chia sẻ với những số phận kém may mắn. Qua những trải nghiệm thực tế đó nhà trường đã gieo được những hạt giống thiện lành vào tâm hồn của học sinh, giúp các em gìn giữ và phát huy được những giá trị đạo đức cốt lõi của mỗi con người.

Sứ mệnh của giáo dục không chỉ là dạy chữ, mà còn phải dạy người, trước khi học để làm người tài thì các em phải học để trở thành một người tốt. Mục tiêu của việc học nhờ vậy cũng đã đi gần hơn đến những nấc thang quan trọng: “Học không chỉ để biết, để làm mà để thấu hiểu, sẻ chia”.

Bà Trương Thị Thu - Giám đốc Làng Nuôi dạy trẻ em mồ côi Hoa Phượng (quận Hải An, TP Hải Phòng) cho hay, Làng hiện có 53 trẻ, trong đó có 25 trẻ khuyết tật và khuyết tật nặng. Làng luôn được đón nhận sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đoàn khách, trường học các cấp đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các bé, đặc biệt dịp lễ, tết.

Nhiều trường đã cho học sinh đến giao lưu văn nghệ và thể thao, dọn dẹp cảnh quan môi trường cùng các em nhỏ tại Làng. Vì thế, qua các hoạt động như vậy giúp các bé có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, học hỏi và tiếp thêm nghị lực sống. Còn với các em học sinh trường ngoài, đây là cơ hội để các em hiểu hơn về cuộc sống, học cách đồng cảm, sẻ chia, yêu thương những người yếu thế trong xã hội.

Trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhiều trường học trên địa bàn Hải Phòng thường xuyên cho học sinh thăm các trường nuôi dạy học sinh khuyết tật, làng trẻ em mồ côi. Qua trải nghiệm thực tế, nhà trường mong muốn từ thực tế hoàn cảnh sống, học sinh sẽ thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, gột rửa và nuôi dưỡng tâm hồn để trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ