Khi 'viên ngọc quý' bị tổn thương

GD&TĐ - Ngày 8/10, một toa tàu chở nhiên liệu bốc cháy, gây ra vụ hỏa hoạn lớn trên cầu Kerch nối vùng Krasnodar ở Tây Nam nước Nga và bán đảo Crimea.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo các quan chức Nga, một chiếc xe tải chứa bom đã được kích hoạt trên cầu khiến hai nhịp cầu bị sập xuống và lửa lan sang đoàn tàu đang chạy qua khiến các toa tàu bốc cháy dữ dội.

Cầu Kerch, còn gọi là cầu Crimea, là cây cầu dài nhất châu Âu với 19km. Được ví như “viên ngọc quý”, cầu Crimea là tuyến đường hậu cần then chốt của Nga trong cuộc chiến tại miền Nam Ukraine. Nga sử dụng cầu để vận chuyển vũ khí, trang thiết bị vào các khu vực phía Nam nước láng giềng.

Khi xung đột giữa hai bên nổ ra vào tháng 2, cầu Crimea được quân đội Nga phòng thủ tương đối nghiêm ngặt. Phía Moscow cũng cảnh báo sẽ đáp trả nếu cây cầu bị nhắm mục tiêu.

Ủy ban Điều tra Nga đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ nổ, trong khi nhiều thợ lặn đã bắt tay tìm kiếm vào ngày 9/10. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, đây là “hành động khủng bố” do lực lượng đặc nhiệm Ukraine thực hiện nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Nga.

Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Konstantinov cũng cáo buộc Ukraine đứng sau sự việc. Ông Konstantinov cho rằng giờ đây, Ukraine có thể “tự hào” vì đã phá hủy cây cầu mà Nga đã xây.

Tuy nhiên, về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky không trực tiếp nhắc đến cầu Crimea trong phát biểu đêm ngày 8/10. Thay vào đó, ông Zelensky miêu tả thời tiết ở Ukraine hiện đang “nắng đẹp” còn phía Crimea là “nhiều mây”.

Còn nhiều chuyên gia Ukraine nghi ngờ Nga có liên quan đến vụ nổ ở cầu Crimea. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết: “Điều đáng chú ý là xe tải phát nổ đi vào cây cầu từ phía Nga. Vì vậy hãy tìm câu trả lời ở Nga”.

Xung quanh sự việc này, các chuyên gia về chất nổ đã đưa ra nhiều giả thuyết. Một trong những giả thuyết phổ biến nhất là “xe bom” bởi trong các video thu thập được, một chiếc xe tải trên cầu đã phát nổ và gây lửa lan tới tàu hỏa chở nhiên liệu đang đi song song. Điều này khiến cây cầu hư hại nặng nề hơn.

Tuy nhiên, điểm bất hợp lý trong giả thuyết này là việc cầu bị sập 2 nhịp sau khi “xe bom” phát nổ. Thông thường sức công phá của bom nổ sẽ hướng lên trên thay vì xuống dưới nên việc sập nhịp cầu là khó xảy ra.

Giả thuyết tiếp theo là cây cầu bị tập kích bằng tên lửa, trong đó, Grim2, loại tên lửa của Ukraine với tầm bắn lý thuyết lên tới 500km, là thiết bị tiềm năng. Việc Tổng thống Zelensky mô tả thời tiết Crimea là “nhiều mây” cũng được cho là ngầm củng cố giả thuyết này.

Vì lẽ đó, nhiều khả năng lực lượng tình báo Ukraine là đơn vị gây ra vụ tấn công, dù quá trình điều tra vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, cuộc tấn công vào cầu Crimea cũng giống với cuộc tấn công vào căn cứ không quân Saky, đều nhằm suy yếu khả năng Nga sử dụng Crimea làm bệ phóng cho cuộc chiến ở miền Nam Ukraine.

Còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân vụ nổ nhưng không khí ăn mừng hân hoan đang lan tỏa khắp Ukraine. Ngân hàng lớn thứ 2 Ukriane, Monobank, thậm chí cho biết sẽ phát hành thẻ tín dụng mới có hình cây cầu bị sập.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân Ukraine cũng bày tỏ lo lắng. Việc cầu Crimea bị sập là đón giáng mạnh khi sự kiện xảy ra chỉ một ngày sau sinh nhật lần thứ 70 của Tổng thống Putin và khi quân đội Nga rơi vào thế khó. Sự kiện có thể chặn đứng giải pháp hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời, đẩy căng thẳng giữa hai bên leo thang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ