(GD&TĐ) - Giá vàng thế giới tăng khá mạnh trong một số phiên giao dịch gần đây, nhưng giá trong nước chỉ xoay quanh ở những mức tăng nhẹ nhàng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nhờ đó được rút ngắn đáng kể, khoảng cách giá mua - bán vàng cũng co hẹp. Điều mà Ngân hàng Nhà nước đã rất cố gắng nhưng chưa làm được, thì với sự điều phối của thị trường, khi mà cung đang có dấu hiệu cao hơn cầu, sự cân bằng đã tự đến…
Cũng cần nhắc lại thông tin chốt phiên giao dịch sáng 8/10, giá vàng miếng SJC được niêm yết trên thị trường Hà Nội xoay quanh mức 37,47 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối phiên giao dịch chốt của một ngày trước đó, giá vàng SJC tăng nhẹ (khoảng 70.000 đồng/lượng), nhưng thấp hơn nhiều so với tỷ lệ phần trăm tăng của giá quốc tế (tăng khoảng 0,9%). Cùng thời điểm trên tại thị trường TPHCM, giá vàng SJC còn có mức tăng thấp hơn, với giá niêm yết ở mức 37,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,55 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch chốt của ngày hôm trước.
Không chỉ mức chênh lệch giá giữa thế giới và trong nước đang kéo lại gần nhau hơn (giá quốc tế quy đổi theo giá USD ra VND vào khoảng 33,79 triệu đồng/lượng) và thấp nhất về khoảng cách trong vòng gần hai năm trở lại đây; chênh lệch giá mua vào và giá bán ra cũng khá nhỏ, chỉ trên dưới 100 nghìn đồng/lượng; trong khi chỉ hơn một tháng trước, mức chênh lệch trung bình trên 200 nghìn đồng/lượng; trước đó nữa, khi có những cơn sốt và và chưa có quy định siết chặt thị trường vàng với duy nhất thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC như hiện nay, chênh lệch có lúc lên đến 500 nghìn đồng/lượng giữa giá bán ra và giá mua vào, tuỳ theo từng thương hiệu vàng miếng.
Diễn biến hiện tại của thị trường vàng cho thấy, cái thời doanh nghiệp mặc sức làm giá đã trôi qua, thị trường vàng đã thực sự rơi vào giai đoạn trầm lắng do người dân không còn coi kim loại quý này là kênh đầu tư hữu hiệu nữa. Cầu đi xuống, trong khi cung vẫn đều đặn tăng, đương nhiên doanh nghiệp phải tìm cách hạ giá, đưa giá sát thực tế hơn để tìm cầu.
Thực tế mà nói, diễn biến bề nổi của thị trường vàng trong nước thời gian gần đây chủ yếu cũng chỉ xoay quanh những phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Khi khách hàng có nhu cầu lớn là các tổ chức tín dụng chốt xong trạng thái vàng, doanh nghiệp đắn đo vì giá trúng thầu có khi còn nhỉnh hơn cả giá thế giới, trong khi nhu cầu trong nước ngày càng xuống thấp do người dân bắt đầu rời bỏ kênh đầu tư đối với vàng…
Những yếu tố đó đã tác động ngược lại với các phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước. Đó cũng là lý do mà kể từ tháng 9 trở lại đây, các phiên đấu thầu vàng miếng thưa dần và không đều đặn. Khác hẳn với diễn biến dày đặc các phiên đấu thấu, có giai đoạn tần xuất lên tới ba phiên một tuần như đối với nửa cuối quý II và gần hết quý III.
Sự quay lưng của người dân đối với vàng cũng là điều dễ lý giải. Khi kênh đầu tư không hứa hẹn sẽ sinh lời, thậm chí cho nguy cơ thâm hụt vốn, không ai dại gì mà lao vào. Hơn nửa tháng nay, giá vàng trong nước không vượt xa mức 37,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, chủ yếu di chuyển trong vùng từ 37,5 - 37,6 triệu đồng/lượng. Với biến động giá vàng như vậy, rõ ràng khả năng kiếm lời bằng cách đầu tư kiểu “lướt sóng” như trước đây là không thể.
Mà một khi thị trường đã không có nhu cầu, các phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước tự động giảm dần cũng là dễ hiểu. Nhìn ở những phiên đấu thầu mới đây nhất, diễn ra ngày 4/10 của Ngân hàng Nhà nước, số lượng chào hàng chỉ 15.000 lượng, nhưng vẫn dư tới 200 lượng. Trong khi trước đó lượng vàng miếng chào thầu mỗi phiên giao dịch trung bình trên 20.000 lượng vẫn hết sạch. Cứ nhìn trên thực tế sẽ thấy, thị trường đã tự lên tiếng và điều chỉnh theo quy luật, với tác động mạnh mẽ từ thị trường quốc tế; chứ chẳng phải do tác động từ các phiên đấu thầu hay điều chỉnh hành chính gì như Ngân hàng Nhà nước vẫn thường tự nhận thời gian qua…
Nhất Nguyên