Khi những chiếc xe “công vụ” vi phạm luật giao thông

Có không ít hành vi vi phạm luật giao thông liên quan đến những chiếc “xe công” được người dân ghi lại và chia sẻ, lên án mạnh mẽ.

Đoàn xe tuyên truyền vượt đèn đỏ tại TP Nha Trang hồi cuối tháng 4/2019
Đoàn xe tuyên truyền vượt đèn đỏ tại TP Nha Trang hồi cuối tháng 4/2019

Cuối tháng 4 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền một clip từ camera hành trình của một ô tô cho thấy một đoàn xe tuyên truyền ATGT gồm hơn 10 chiếc tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) lộ trình từ đường Trần Phú rẽ qua đường Lê Thánh Tôn. Đến khu vực đèn tín hiệu nút giao Hùng Vương - Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tôn, dù đèn tín hiệu hướng đi thẳng chuyển đỏ, tất cả các phương tiện đều dừng lại, đoàn xe mang những khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết”, “Không phóng nhanh vượt ẩu” vẫn vô tư nối đuôi nhau vượt đèn đỏ để đi… tuyên truyền.

Mới đây nhất, tối ngày 4/5, một chiếc ôtô 7 chỗ biển xanh 80A chạy trên đường Nguyễn Xiển hướng về Khuất Duy Tiến, khi đến đối diện khu đô thị The Manor Central Park (Hoàng Mai, Hà Nội) thì đâm vào xe máy của ông Ngô Văn Phương (SN 1966, quê Nam Định) đang chạy cùng chiều.

Cú đâm mạnh hất văng ông Phương xuống đường rồi bất tỉnh. Tuy vậy, sau tai nạn, tài xế xe ô tô thay vì dừng lại để giải quyết vụ việc, lại bỏ mặc người bị nạn giữa đường trong tình trạng nguy kịch khiến những người chứng kiến ai nấy đều bất bình, phẫn nộ. Theo xác minh, chiếc xe biển xanh gây tai nạn thuộc một đơn vị của Bộ Công an.

Trước đó có không ít hành vi vi phạm luật giao thông liên quan đến những chiếc “xe công” được người dân ghi lại và chia sẻ, lên án mạnh mẽ. Có thể kể đến như: Vụ xe biển xanh 29M lấn làn các phương tiện đi ngược chiều gây ùn tắc giao thông trên một tuyến phố Hà Nội (tháng 4/2018); Một số hình ảnh những chiếc xe công vụ lấn làn xe buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội cũng đã từng nhận không ít sự bất bình trên các diễn đàn.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, hiện nay, đa phần các cơ quan đều quán triệt và thực hiện tốt luật pháp nói chung và luật giao thông nói riêng. Tuy vậy, sự tuân thủ ấy vẫn chưa giữ được sự tuyệt đối, còn tồn tại những “con sâu làm rầu nồi canh” gây bức xúc dư luận.

“Những chiếc xe công vụ mặc dù là lực lượng “kiểu mẫu”, đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền đáng lý phải tiên phong gương mẫu trong chấp hành luật pháp, lại biến mình trở thành nhân vật chính trong các vụ việc vi phạm. Hành động đó không chỉ tạo sự phản cảm, đáng xấu hổ mà còn gây mất lòng tin, để lại hệ lụy xấu trong tâm thức của nhân dân. Người tuyên truyền ATGT vi phạm giao thông thì hiệu quả của các đợt tuyên truyền sẽ đi đến đâu? Xe công vụ gây tai nạn rồi bỏ chạy trong vô cảm, uy tín của lực lượng chức năng, lực lượng thực thi công vụ trong lòng nhân dân liệu có còn được đảm bảo?”, TS Đức nói.

Cũng theo TS Đức, đối với các trường hợp trên, ngoài việc truy xét, xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm, cơ quan chủ quản của cá nhân đó cũng phải thấy được trách nhiệm của mình, thậm chí cần đứng ra xin lỗi công khai để khôi phục lại lòng tin trong dân chúng, để cộng đồng thấy được sự nghiêm minh của pháp luật, từ đó tuân thủ luật pháp một cách nghiêm túc và tự giác.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ