Khi nào lượng rượu uống sẽ đào thải hết

Khi nào lượng rượu uống sẽ đào thải hết

Đã uống rượu không được lái xe

Nghị định số 100/2019 được áp dụng từ 1/1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Cụ thể với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe.

Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.

Trao đổi về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người đặc biệt là khi tham gia giao thông, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chất ethanol hay rượu thông thường cơ bản là 1 chất độc. Nó làm tổn thương tới các cơ quan từ thần kinh, tim mạch, miễn dịch, huyết học, cơ xương khớp, tiêu hóa... đặc biệt là hệ thần kinh và tâm thần.

Ethanol hay rượu khi uống sẽ gây tổn thương não nhất là đối với hệ thần kinh. Khoa học cũng đã chứng minh đây là chất độc, là nguyên nhân dẫn tới nhiều loại bệnh đối với con người. Khi uống một lượng rượu lớn sẽ dẫn tới ngộ độc.

Theo bác sĩ, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ban hành hoàn toàn đúng về cơ sở khoa học. Bởi bất kể khi uống với nồng độ cồn là bao nhiêu, người uống cũng đều bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc lái xe không an toàn.

Khi nào lượng rượu uống đào thải hết?

Trả lời câu hỏi này BS Nguyên đã giải đáp: Thời gian từ lúc uống rượu cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính (người uống không còn thấy nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở) khi kiểm tra sẽ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: Lượng rượu uống như thế nào? nồng độ rượu? thời gian uống trong bao lâu? thể trạng người uống lúc đói hay no...Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ.

Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe, tình trạng bệnh lý của người uống cũng sẽ ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Do đó trên thực tế cũng có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau xét nghiệm vẫn thấy nồng độ cồn tồn tại trong máu và hơi thở.

Bác sĩ cũng đưa ra cảnh báo đối với người dân, mọi người không nên uống rượu, bia và nên hạn chế tối đa việc uống các chất kích thích này. Đặc biệt khi uống rượu bia thì không tham gia lái xe để bảo vệ an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh.

Một số người thắc mắc về việc mặc dù không uống rượu, bia nhưng khi sử dụng một số thực phẩm hoặc thuốc nhưng vẫn có thể tăng nồng độ cồn trong máu, vị bác sĩ này cho biết: Một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men. Ngoài ra có một số loại quả như dứa, vải, thuốc dạng siro ho, hay dung dịch nước sát trùng răng miệng cũng có chứa một lượng ethanol. Nhưng nồng độ cồn trong các loại thực phẩm hay thuốc này rất thấp và sẽ bay hơi nhanh trong thời gian ngắn, nên người dân có thể yên tâm.

"Hiện ở một số nước trên thế giới khi test sàng lọc ban đầu, nếu dương tính họ sẽ làm bước 2. Ở nước ta hiện nay, việc test nồng độ cồn trong máu, hơi thở cũng được các lực lượng chức năng làm như vậy. Vậy nên mọi người lưu ý nếu không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông để tránh việc bị xử phạt oan, gây rắc rối về thời gian”. (Ths BS Nguyễn Trung Nguyên Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ