(GD&TĐ) - Có hai sự kiện đáng chú ý ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 7/2013, liên quan mật thiết đến đời sống xã hội của đất nước: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu theo lộ trình đã được phê duyệt. Cả hai đều có hiệu lực từ 1/7 nhưng mức tác động thì lại tuỳ thuộc từng lĩnh vực xã hội và ngành nghề. Trong đó với ngành Giáo dục, có lẽ tác động sẽ không nhiều lắm, kể cả đối với việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu.
Liệu tăng lương + nới biên độ thuế thu nhập = đội giá sinh hoạt? Ảnh: Xuân Tùng |
Mơ được… đóng thuế thu nhập
Thầy Nguyễn Hữu Linh là giáo viên Trường THCS Bắc Sơn thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), có thâm niên công tác đã gần 15 năm; với tổng thu nhập hiện tại khoảng gần 5 triệu đồng/tháng, trong đó: Lương tháng gần 3,5 triệu (hệ số 3,33 bậc đại học), cộng thêm 30% đứng lớp và 10% thâm niên. Sau khi trừ các khoản phí phải đóng như bảo hiểm xã hội, công đoàn phí, đảng phí… còn lại tất cả chừng 4,5 triệu/tháng. Vợ làm ngoài với thu nhập không cố định, không thuộc đối tượng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Còn thầy thì đăng ký giảm trừ gia cảnh với 2 đứa con.
Với thu nhập hiện tại, nếu so với ngay cả quy định về mức phải nộp thuế của Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua vào năm 2007, thầy Linh cũng “chưa được” là đối tượng nộp thuế (với mức quy định về giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ thu nhập 4 triệu đồng/tháng trở lên, với giảm trừ mỗi người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng); chứ chưa nói đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (được Quốc hội thông qua tháng 11/2012, có hiệu lực từ 1/7/2013, điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ thu nhập 9 triệu đồng/tháng trở lên, với giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng).
Thầy Thuận công tác cùng trường thầy Linh, là giáo viên giáo dục thể chất, cho biết thu nhập của mình còn thua thầy Linh. Dù có thâm niên công tác bằng nhau nhưng thầy do chỉ tốt nghiệp cao đẳng nên sau gần 15 năm công tác, thầy đang hưởng bậc lương 3,03, tính cả 70% đứng lớp và 10% thâm niên, tổng thu nhập mỗi tháng được khoảng 4,3 triệu, trừ các loại phí phải đóng còn lại chừng 4 triệu.
“Nhiều khi đọc báo thấy có người này kêu mức khởi điểm thuế thu nhập cao, người kia lại bảo thấp, nghe muốn tủi. Kể cả khi Luật chưa sửa đổi thì mình cũng không đủ điều kiện để được đóng. Thế nên, anh em hay nói đùa là phấn đấu để được đóng thuế thu nhập cao nhé. Mà đấy là giáo viên mình còn có phụ cấp này nọ, chứ nhiều anh bạn mình là công chức hành chính, chằn chặn đồng lương đi làm mười mấy năm mỗi tháng chưa đến 4 triệu đồng”, thầy Thuận tâm sự.
Nỗi lo giá cả “ăn” theo
Đợt điều chỉnh lương lần này theo lộ trình được phê duyệt của Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 11/2012; với mức tăng được Bộ Nội vụ thông báo cách đây ít ngày là lương tối thiểu chung sẽ thêm 100 nghìn đồng, so với mức cũ là 1,05 triệu đang được áp dụng cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công; lương hưu và trợ cấp cho người có công cũng tăng với tỷ lệ tương đương.
Đây là mức tăng thấp hơn so với lộ trình đã được Quốc hội phê duyệt vào kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 6/2012 cho Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước 2013. Theo đó, lương tối thiểu lẽ ra phải tăng lên mức 1,3 triệu đồng một tháng từ 1/5/2013. Khi kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII diễn ra (tháng 11/2012), Chính phủ báo cáo chỉ có thể bố trí 28.900 tỷ đồng tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng (đã tăng từ 1/5/2012) trong năm 2013, chứ không có nguồn để chi 60.000 tỷ đồng tăng tiếp lên 1,3 triệu đồng. Do vậy, lộ trình tăng lương năm 2013 đã bị lùi lại 2 tháng và giảm mức tăng còn 100.000 đồng/tháng.
Thầy Nguyễn Hữu Linh làm phép tính nhẩm: Với hệ số lương hiện tại của thầy, sau đợt điều chỉnh này, thu nhập mỗi tháng sẽ tăng được chừng 300 ngàn đồng. Số tiền này không phải nhỏ, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. “Có điều nếu chỉ lương tăng thì còn mừng, chứ lần nào cũng vậy, lương chưa kịp tăng đã thấy giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng ầm ầm, chưa kể có khi lương tăng 1, giá lại tăng 2, vậy có nghĩa gì đâu”, thầy Linh bày tỏ lo lắng trước thông tin lương sẽ được điều chỉnh tăng ít ngày tới.
Lo cũng phải, bởi cũng đúng ngày 1/7, cũng theo lộ trình từ trước, giá bán lẻ điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất đồng loạt tăng bình quân 5%. Trước đó, ngày 14/6, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng, hứa hẹn sự tăng giá tiếp theo của hàng loạt mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Đó là chưa kể nhiều địa phương đã và đang có lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (mà gần đây nhất là Hà Nội với dự kiện có thể áp dụng cũng ngay từ 1/7 này).
Nhiều chuyên gia đã “nói đùa” rằng chúng ta tăng lương theo kiểu bù trượt giá, nhưng với thực tế bấy lâu nay, không những không bù được mà còn làm giá cả “trượt” thêm...
Thiết Lĩnh