Bộ môn Lịch sử Trường THPT FPT Cần Thơ vừa tổ chức buổi báo cáo dự án học tập mang tên “Đỉnh cao tái chế” nhằm lấy điểm giữa kỳ của học sinh khối 10.
Đây là hình thức trải nghiệm học tập được nhà trường triển khai nhiều năm qua, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao năng lực học tập và giảm tải áp lực thi cử.
Mỗi dự án đều cho thấy sự đầu tư cao độ về chất “xám" của học sinh. |
Nhiều năm qua, thầy cô Trường THPT FPT Cần Thơ đã nỗ lực xây dựng chương trình học tập và hình thức kiểm tra mới mẻ. Trong đó, Lịch sử là một trong các môn học tiên phong triển khai cách tiếp cận mới khi thực hiện dự án học tập với trải nghiệm thú vị, kết nối học sinh với môn học thường được xem là “khô khan, nhàm chán".
Dự án “Đỉnh cao Tái chế” có các bước chuẩn bị và triển khai từ 9/1 - 28/2. Mỗi lớp chia làm hai nhóm thực hiện hai bộ trang phục đặc trưng của các nền văn hoá trong chương trình Lịch sử 10 như: Ai Cập, Ấn Độ, Hi Lạp, La Mã, Phục hưng, Trung Quốc (thời Tần - Hán, Đường, thời Minh, Thanh, Dân quốc), hay ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam (thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn…), Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar cùng nền văn hoá của nhiều quốc gia khác.
Điểm thuận lợi của dự án chính là dễ dàng tìm kiếm các nguyên vật liệu để tái chế xung quanh ký túc xá hoặc không gian trường học, căn-tin như giấy, chai nhựa, nilon, bao bố… hoặc dựa vào ý tưởng để lựa chọn thêm các vật liệu phù hợp tại gia đình.
Các vật liệu được học sinh xử lý và cho ra sản phẩm chất lượng. |
Từ các vật liệu đã qua sử dụng học sinh thể hiện ý tưởng của bộ trang phục phù hợp với tính chất lịch sử và văn hoá của đề bài. Đây là cơ hội học sinh phát huy tư duy sáng tạo để “thổi hồn” cho các nguyên vật liệu vô tri trở thành những bộ trang phục đầy sức sống và độc đáo.
Dự án học tập tạo tiền đề cho học sinh xây dựng được cách vận hành nhóm, giảm thiểu các vấn đề phát sinh như phân chia nhiệm vụ không phù hợp với thành viên; lựa chọn ý tưởng sai đề bài hay tranh cãi bất đồng quan điểm - một trong các nguyên nhân làm giảm hiệu quả công việc…
Thông qua đó, học sinh được trau dồi thêm các kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo… để triển khai dự án đúng kế hoạch ban đầu.
Đến với buổi báo cáo cuối cùng, 32 nhóm của khối lớp 10 Trường THPT FPT Cần Thơ mang đến 64 bộ trang phục nam và nữ theo văn hoá của từng thời kỳ của các quốc gia. Để thu hút khán giả, các nhóm biểu diễn trang phục trên nền nhạc cùng bài thuyết trình tác phẩm được tìm hiểu và nghiên cứu kỹ càng.
Bên cạnh các nhóm tìm được nguồn nguyên liệu để tái chế dễ dàng, cũng có vài nhóm gặp khó khăn nên chọn phương án mua mới một số vật dụng để phù hợp với ý tưởng trang phục. Tuy nhiên, thông qua dự án học tập lần này không thể phủ nhận rằng các nhóm đều có sự đầu tư nghiêm túc và tập trung cao độ, bằng chứng là các trang phục đều chỉn chu, phối màu nguyên vật liệu bắt mắt… mang đến cho buổi báo cáo sản phẩm vô cùng đặc sắc cùng không khí sôi nổi.
Học sinh đầu tư kịch bản để tiết mục thu hút hơn. |
Để lấy điểm giữa kỳ cho học sinh, thầy cô đánh giá dựa trên các tiêu chí như: góc độ thẩm mỹ, đúng đề bài, sự sáng tạo hay phong cách biểu diễn và chất lượng bài thuyết trình. Ngoài ra, bộ môn Lịch sử còn trao tặng các giải thưởng khích lệ tinh thần học tập như nhóm thiết kế ấn tượng, nhóm thuyết minh hay nhất, nhóm trình diễn ấn tượng nhất.
Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án của học sinh, cô Lê Thị Ái Minh - giáo viên phụ trách nhận xét: “Giai đoạn đầu, khi phổ biến dự án đến các lớp, đa số các em tỏ ra hào hứng và mong muốn được bắt tay thực hiện ngay. Do đó khi triển khai, các lớp đều có sự chuẩn bị khá tốt, bàn kế hoạch, phân chia cụ thể nội dung cho từng thành viên.
Tuy nhiên, khi làm việc nhóm đôi lúc cũng nảy sinh sự bất đồng, mâu thuẫn nhưng may mắn các em cũng giải quyết được và cùng với nhau tạo nên những bộ trang phục đáp ứng yêu cầu của chủ đề”.
Đa số học sinh đều có sự đầu tư nghiêm túc vào dự án học tập. |
Học tập thông qua dự án là một trong những phương pháp giáo dục trải nghiệm để trưởng thành được Trường THPT FPT Cần Thơ chú trọng và đặt trọng tâm. Dự án “Đỉnh cao tái chế" môn Lịch sử cho thấy học sinh không chỉ tiếp cận kiến thức trên bề mặt lý thuyết mà còn thực hành cách học chủ động, nâng cao năng lực học tập, khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng mềm từ đó học sinh có thể tự tìm ra lời giải cho môn học của mình.