Theo khảo sát, đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì tỷ lệ béo bụng ở người trưởng thành nước ta là 7,7% - cao hơn so với tỷ lệ chung về béo bụng của các nước trong khu vực (6,6%). Đây là con số đáng báo động cho các đối tượng dễ bị rơi vào tình trạng này như nhân viên văn phòng, nữ công chức, phụ nữ sau sinh... và đặc biệt là cánh đàn ông hay nhậu nhẹt, rượu bia. Béo bụng không những ảnh hưởng đến hình dáng thẩm mỹ mà nguy hại hơn là gây nên các bệnh lý như tăng huyết áp, đột quỵ, vữa xơ động mạch, gan nhiễm mỡ, viêm tụy cấp...
Để phòng chống béo bụng có một phương pháp hết sức đơn giản, không tốn kém mà lại hiệu quả đó là tập luyện khí công dưỡng sinh của y học cổ truyền. Dưới đây, xin giới thiệu hai bài tập khí công giảm béo bụng điển hình.
Khí công phòng chống béo bụng
Bài 1: Chọn tư thế đứng, hai chân mở rộng bằng tầm hai vai, thu ngực, nâng lưng lên thở tự nhiên, hai mắt khép hờ, tập trung ý nghĩ vào hơi thở, bỏ hết tạp niệm. Một tay ấn trên bụng dưới (nam tả nữ hữu) sao cho khoảng giữa lòng bàn tay (huyệt nội lao cung) đặt trên huyệt đan điền (vùng dưới rốn 1 - 2 thốn), còn tay kia (nam hữu nữ tả) đặt ở ngực sao cho nội lao cung đặt trên huyết đản trung (điểm giữa đường nối hai núm vú ở nam giới, phụ nữ lấy theo xương sườn thứ tư, huyệt là nơi gặp nhau của đường dọc giữa xương ức và đường ngang qua bờ trên khớp ức - sườn 4). Sau khi đứng một lát, gõ hai hàm răng vào nhau 36 lần, dùng lưỡi khuấy động nước bọt trong miệng rồi chia làm 3 lần nuốt xuống, dùng ý niệm đưa xuống ngực, tiếp đó từ từ đưa xuống đan điền. Tiếp tục đứng tĩnh lặng một lát rồi thực hiện lần lượt các động tác như sau:
Thở ngực và bụng: Hít khí vào, ưỡn ngực, thót bụng dưới. Thở khí ra, thu ngực, phình bụng dưới hết cỡ. Tiến hành động tác luân phiên nhẹ nhàng và đều đặn đủ 40 lần.
Xoa bóp ngực: Dùng bàn tay phải từ mé phải ngực đẩy sang trái 36 lần, lại dùng bàn tay trái từ mé trái ngực đẩy sang phải 36 lần với một lực ấn vừa phải, chú ý giữ hơi thở tự nhiên.
Xoa bóp bụng: Dùng bàn tay phải, lấy rốn làm trung tâm, xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 36 lần rồi lại dùng bàn tay trái lấy rốn làm trung tâm, xoa bụng ngược chiều kim đồng hồ 36 lần với một lực vừa phải.
Bài 2: Trước hết, vận động eo và bụng: Hai chân song song mở rộng, hai tay buông xuôi theo thân. Tay phải từ từ giơ lên quá đầu rồi kéo thân gấp về bên trái, chú ý không kéo quá mạnh. Sau đó, trở lại tư thế ban đầu rồi lại giơ tay trái lên quá đầu, gấp người sang phải. Một chu trình hết 40 giây, bắt đầu làm như vậy 6 lần, dần dần tăng lên 12 lần.
Tiếp đó, vận động chân: Hai chân đứng mở, chân trái bước rộng một bước ra phía trước, đồng thời ngồi xổm xuống, đầu gối quỳ xuống đất, sau đó đứng dậy trở về tư thế ban đầu. Tiếp theo làm lại những động tác trên nhưng với chân bên phải. Chú ý: trong quá trình ngồi xổm đứng dậy, lưng phải duỗi thẳng và thả lỏng toàn thân.
Tiếp theo, vận động tay và ngực: Ngồi xếp bằng, hai tay qua tầm vai từ từ giơ lên đến hai bên đầu thành hình chữ Y, sau đó hai tay qua trước thân hạ xuống quay hai vòng, làm liên tục 6 lần như vậy, dần dần tăng lên 12 lần. Sau đó, lại giơ hai tay ra phía trước, một tay hướng lên, một tay hướng xuống, hai tay làm thay nhau 24 lần.
Cuối cùng, vận động đầu và cổ: Ngồi xếp bằng, hai tay thả lỏng hai bên, đầu và cổ đầu tiên hướng sang phải quay hai vòng, sau đó hướng sang trái quay hai vòng, làm như vậy 4 lần. Tiếp đó, đầu gập ra trước, sau đó từ từ đưa từ bên này sang bên kia 8 lần. Tổng cộng làm 3 lần.
Hai bài tập trên có thể thực hành đơn thuần riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau, mỗi ngày làm 1 - 2 lần, mỗi lần 10 - 15 phút cho mỗi bài. Để đạt được hiệu quả, liệu trình tối thiểu phải trên 3 tháng. Cần chú ý: uống nhiều nước trong suốt cả ngày để giúp loại bỏ chất thải trong cơ thể, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt, hạn chế dùng nước có ga, trọng dụng nước chanh, nói không với đường, chọn các sản phẩm đã tách chất béo như sữa tách kem, sữa chua ít béo, ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, tránh ăn quá no trong một bữa, tránh ăn đêm, hạn chế tối đa bia rượu, chơi thể thao ít nhất 45 phút mỗi ngày, ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi đêm, kiểm soát huyết áp, trọng lượng và nồng độ cholesterol trong máu thường xuyên.