Khi công nghệ hỗ trợ thói quen “xài chùa”

GD&TĐ - Nhắc đến vấn đề xâm phạm bản quyền, có lẽ phức tạp, nóng hổi và đa chiều nhất phải kể đến lĩnh vực âm nhạc.

Nhờ sự phát triển công nghệ, các tác phẩm âm nhạc có thể tiếp cận khán giả một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ảnh: 24h.
Nhờ sự phát triển công nghệ, các tác phẩm âm nhạc có thể tiếp cận khán giả một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ảnh: 24h.

Nghệ sĩ cần tôn trọng và bảo vệ chính mình

Việt Nam là thành viên của Công ước Bern và có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn diễn ra tràn lan.

Chuyện nhái ý tưởng, đạo nhạc càng có xu hướng gia tăng với hình thức ngày càng tinh vi. Nghiêm trọng hơn, vấn đề bản quyền âm nhạc đang được công chúng đánh giá theo nhiều chiều hướng khác nhau, khiến càng trở nên mơ hồ và không có quy chuẩn cụ thể. Điều này càng tạo “điều kiện” để hành vi xâm phạm bản quyền nảy nở.

Chúng ta đang sống trong xu thế toàn cầu hóa, công nghệ ngày càng hiện đại, mọi hoạt động sáng tạo đều đưa công chúng đến với sự gia tăng của các loại hình văn học nghệ thuật đa phương tiện.

Chưa bao giờ các tác phẩm âm nhạc có thể tiếp cận khán giả một cách nhanh chóng và thuận tiện như lúc này. Điều đó kéo theo việc xâm phạm bản quyền cũng đa dạng và phổ biến hơn.

Không chỉ dừng ở việc mượn giai điệu, lời ca hoặc biểu diễn mà không xin phép, việc vi phạm bản quyền âm nhạc còn diễn ra với cả ý tưởng, bản hòa âm, phối khí mà phần lớn được lấy từ nước ngoài, nếu không là người am hiểu âm nhạc hẳn sẽ khó nhận diện.

Bên cạnh đó, việc thực thi bản quyền tại Việt Nam vẫn xuất hiện sự chồng chéo trách nhiệm và quyền hạn giữa các nhà quản lý. Pháp luật chưa đầy đủ, hình phạt và mức hình phạt thiếu tính giáo dục, răn đe.

Ngay khi các nhà quản lý chưa thể nghĩ ra giải pháp đối phó hành vi xâm phạm bản quyền, người làm nghề chỉ còn biết kêu gọi ý thức và đạo đức nghề nghiệp ở chính những đồng nghiệp của họ. Bởi suy cho cùng, hành vi xâm phạm bản quyền xuất phát từ việc thiếu nhận thức đúng đắn và đầy đủ của đại bộ phận nghệ sỹ hiện nay.

Sự cẩu thả, dễ dãi trong hoạt động nghề nghiệp đã khiến việc “góp nhặt”, sao chép ý tưởng lây lan một cách khó kiểm soát.

Thực tế, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khi bị phát hiện vi phạm thường có chung câu trả lời vô tư “không hiểu luật”. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, sự vô tư này có phần khó chấp nhận, bởi đã là người trong ngành, là dân chuyên nghiệp, không thể nói không hiểu về tác quyền âm nhạc.

Nhiều trường hợp có thể dễ dàng nhận ra các ca sĩ, nghệ sĩ cố tình vi phạm chứ không phải không hiểu luật. Lâu nay, người vi phạm cứ bị tố cáo thì nhận lỗi là xong, còn các tác giả Việt Nam lại thường ngại kiện tụng, va chạm làm to chuyện, cho nên dễ dàng cho qua. Ðiều này đã vô tình tiếp tay cho sự dễ dãi, cẩu thả trong hoạt động nghệ thuật và thói quen “xài chùa” khó kiểm soát.

Chúng ta đang hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, không thể không làm tốt vấn đề bảo vệ bản quyền nói chung, bản quyền âm nhạc nói riêng.

Hơn nữa, theo các chuyên gia, trong thời kỳ “thế giới phẳng”, với sự phát triển của công nghệ, sẽ ngày càng xuất hiện những bộ lọc thông minh, dễ dàng phát hiện hành vi “đánh cắp” hay “cầm nhầm” dù vô tình hay cố ý.

Vì thế, các ca sĩ, nhạc sĩ càng cần tôn trọng vấn đề bản quyền, cũng là tôn trọng và bảo vệ chính mình. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng quyền tác giả và quyền liên quan không chỉ tác động tích cực về mặt tinh thần, kinh tế, mà còn thể hiện sự tôn trọng nghề nghiệp của giới nghệ sĩ để có cách nhìn nhận đúng về thực thi bản quyền tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

“Bao giờ xem – nghe có ý thức?”

Việc thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm bản quyền âm nhạc cần được thực hiện sâu sát, đủ tính răn đe. Ảnh: yan.
 Việc thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm bản quyền âm nhạc cần được thực hiện sâu sát, đủ tính răn đe. Ảnh: yan.

Đó là trăn trở của nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính. Nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ về phong trào “Nghe có ý thức” do chính anh cùng nhạc sĩ Huy Tuấn khởi xướng: “Chúng tôi kêu gọi ý thức của công chúng, ý thức xây dựng của những người làm nghề và tất cả những ai tham gia vào nền công nghiệp âm nhạc đoàn kết cùng đóng góp xây dựng đời sống âm nhạc Việt ngày một lành mạnh, công bằng và phát triển hơn”.

Thói quen nghe - tải nhạc, phim miễn phí, đạo nhạc, sách lậu tràn lan, ngại đi kiện hoặc không biết kêu ai khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền… - những vấn đề nhức nhối này thường thấy ở nước ta.

Nguyên nhân một phần do người dân chưa có ý thức về vấn đề bảo vệ tác quyền, phần nữa do các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan còn nhiều kẽ hở. Thế nhưng những phát hiện vi phạm bản quyền mới chỉ dừng lại ở việc lên mạng xã hội viết vài dòng, khi người vi phạm bản quyền xin lỗi là “xong chuyện”.

Gần đây, Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà cùng một số đồng nghiệp khác đồng loạt lên tiếng về việc nhiều đơn vị kinh doanh vị tự ý sử dụng tranh của họ đưa lên áo dài dù không được phép.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết, anh có ít nhất 4 bức tranh bị sử dụng trái phép vào mục đích thương mại: “Đây là lần thứ tư tôi phát hiện ra tranh của mình bị xâm phạm bản quyền trong các sản phẩm tiêu dùng trong cuộc sống. Đặc biệt là sở hữu trí tuệ bức tranh sơn mài Ao sen (vẽ năm 2011) nhiều lần bị xâm phạm, lần này cũng bị các đơn vị in áo dài tự ý dùng.

Tệ hại hơn là họ lấy tranh của tôi làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác vào in chồng lên, gọi kiểu copy lắp ghép, “đạo”, “nhái” đó là “mẫu thiết kế” và chào bán quảng cáo công khai trên web và mạng xã hội”.

Trong khi đó, họa sĩ Lâm Đức Mạnh, tác giả bức tranh sơn dầu Đêm thu vẽ năm 2017, cũng bị xâm phạm trái phép bản quyền khi in lên áo dài, anh cho biết: “Từ vụ đạo tranh lên áo dài lần này, tôi thấy buồn cho thẩm mỹ của nghề tạo mẫu thời trang áo dài. Tranh có ngôn ngữ của tranh, vẽ trên áo dài đòi hỏi ngôn ngữ khác, không thể in tranh, cắt ghép thô thiển vào áo dài được.

Tôi thấy thương cho sự ấu trĩ của đơn vị may áo dài, đồng thời cũng rất bất bình về việc họ sử dụng tranh của tôi vào mục đích thương mại mà không xin phép”.

Không lấy làm lạ khi số lượng các chương trình biểu diễn có hành vi xâm phạm bản quyền tác giả đã lên tới hàng trăm chương trình. Dường như, những hành động thiếu ý thức đã trở thành thói quen đối với không ít người trong giới, còn người bị hại cũng… ngại kiện cáo, nên hành vi xâm phạm bản quyền chẳng những giảm đi mà còn tăng lên theo thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.