Vì thế, các bạn trẻ có thể ngưỡng mộ để học hỏi và hướng tới những phẩm chất tốt đẹp của họ chứ không phải chìm đắm tới mức mê muội.
Chểnh mảng công việc học tập
“Tháng này anh lưu diễn ở Hà Nội, nếu bố mẹ không cho con đi gặp anh ấy, con sẽ không đi học nữa, con sẽ bỏ nhà đi… ”. Câu nói chưa dứt chồng tôi không kìm được tức giận đã tát con một cái rất đau. Tôi cũng không kiềm chế nổi bản thân, mắng con mà lòng đau như cắt. Câu nói được thốt ra từ miệng đứa con chúng tôi yêu quý nhất, và nó mới chỉ lớp 7. “Anh ấy” của nó chính là một ca sĩ Hàn Quốc; trước giờ tôi có nghe nói đến fan cuồng Kpop, giờ mới được chứng kiến. Từ khi con bé lên cấp II, tôi mua cho con máy tính để con học tiếng Anh online. Lúc đó con đã bắt đầu biết đến những thế giới khác. Tôi cũng có quan tâm nhưng không cấm con, vì nghĩ con học vẫn tốt nên mình không nên nghiêm khắc quá. Sang đến năm lớp 7, con bắt đầu học hành chểnh mảng, đi học cũng không chơi với bạn mà chỉ chơi với các bạn có cùng sở thích là anh ca sĩ thần tượng đó. Tôi giới hạn thời gian vào mạng của con, nhưng con phản đối, khóc lóc và hứa sẽ chăm học, miễn là tôi không cấm con. Tôi lại thôi. Có thể hành động đó đã gây ra hậu quả như bây giờ.
Quả nhiên nó bỏ nhà đi thật. Tối hôm đó con không về. Tôi gọi điện cho anh trai, hỏi cháu gái tôi vì hai đứa học cùng lớp. Cháu tôi nói nó chả chơi với ai trong lớp. Chỉ chơi với một bạn trai lớp trên. Cả trường đồn ầm lên hai đứa nó đang yêu nhau. Tôi bàng hoàng. Không thể tưởng tượng nổi, con tôi lại trở thành một đứa như vậy. Những đứa bạn coi nó như bị tự kỷ, tới lớp không nói chuyện với ai. Nó còn đánh nhau với một đứa khác vì nói xấu thần tượng của nó.” Trên đây là tâm sự của một bà mẹ có con trót quá yêu thần tượng của mình. Chắc hẳn đấy không phải nỗi niềm của riêng một người mẹ.
Thay vì mắng mỏ, hãy làm bạn với con
Theo cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Trường THPT Marie Curie (Hà Nội), một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ thần tượng tới mức mù quáng một nhân vật nổi tiếng là do chính bản thân các em. Đã có những em suốt ngày mê mải đắm chìm với nhân vật nổi tiếng mà quên đi việc học tập cũng như các mối quan hệ trong đời sống thực. Lâu dần các em không có những người bạn thân thiết nữa và ngày càng khép kín với thế giới ảo của mình. Bên cạnh đó một nguyên nhân nữa xuất phát từ thực tế khách quan. Đó là do bạn bè, người thân không hiểu, không quan tâm tới những tâm tư, suy nghĩ của các em. Chính vì cảm thấy cô độc nên các em muốn đi tìm những niềm an ủi tinh thần khác và trong đó có sự hâm mộ một thần tượng riêng.
Tuy nhiên khi các con đã chót quá đam mê thần tượng của mình, bố mẹ và người thân cần có giải pháp để giúp trẻ có suy nghĩ đúng đắn hơn về điều này. Có những phụ huynh đã tìm đến phương pháp giáo dục làm bạn với con của chuyên gia tâm lý Trần Ái Liên. Thay vì cấm đoán con họ đã trở thành những người bạn của con. Việc gần gũi con sẽ giúp cha mẹ hiểu được những biến đổi trong tâm lý để uốn nắn và định hướng con một cách kịp thời. Nhờ vậy nhiều trẻ đã thay đổi nhận thức của mình để sống và học tập có mục đích, lý tưởng hơn. Để trẻ hướng tới những suy nghĩ lành mạnh tích cực, ngoài việc trang bị kiến thức khoa học cho các con, nhà trường và phụ huynh cũng cần tăng cường những kiến thức, về vốn văn hóa trong cộng đồng. Điều này sẽ giúp các em có cái nhìn thiết thực hơn về cuộc sống.