Khi con mắc bệnh hiểm nghèo

GD&TĐ - Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E thường xuyên điều trị cho bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh. 

Khi con mắc bệnh hiểm nghèo

Mỗi ngày qua đi, thổn thức theo nhịp đập của trái tim khiếm khuyết của các con là trái tim và nỗi lòng của những người bố, người mẹ. Họ chỉ mong sao con vượt qua bạo bệnh để sống và có cơ hội được cảm nhận cuộc sống tươi đẹp…

Con khát sữa lắm mẹ ơi!

Người điều dưỡng của ca trực sáng đẩy cửa phòng cách ly thông báo đến giờ vắt sữa, chuyển vào cho con, đồng loạt các mẹ đang có con tuổi bú mớm bật dậy, vắt từng giọt sữa để gửi vào cho con thơ đang nằm điều trị cách ly ở Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch - Trung tâm tim mạch Bệnh viện E.

Chị Nguyễn Minh Thu, quê Bắc Giang, mẹ bệnh nhi Nguyễn Nhân Duy Tân, sinh năm 2017, chia sẻ: “Trong một lần đi khám thai định kỳ ở tuần thứ 41, bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh. Biết tin, thậm chí một số người thân khuyên hai vợ chồng bỏ thai nhưng hai vợ chồng không nỡ bỏ con. Bởi, con là cả tình yêu, niềm hy vọng, máu thịt của chúng tôi”.

Để con cất tiếng khóc chào đời, gia đình đã chọn sinh ở Bệnh viện E nơi hội tụ được hai yếu tố sản khoa và tim mạch kết hợp. Ca sinh đặc biệt đó ngoài các bác sĩ sản khoa có thêm ê kíp bác sĩ tim mạch “trực chiến”.

Sau khi ra khỏi bụng mẹ, em bé đã bị khó thở, phải chuyển thẳng vào Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E cấp cứu. Từ đó, bé lớn lên với máy móc khi còn chưa kịp bện hơi mẹ.

Hằng ngày, các mẹ được sắp xếp một lần cho vào thăm con. Chị Trần Lệ Quyên – mẹ của bé Trương Bảo An, 3 tuổi rưỡi, tại Thái Nguyên cất lời ru ầu ơ mong cho con có một giấc ngủ say trong vòng tay mẹ để quên đi những kim tiêm cắm đầy cơ thể bé nhỏ. Bệnh tim bẩm sinh khiến cơ thể bé An còi cọc, môi và đầu chi tím tái… Mắt con vừa nhắm, cơn ho như vắt kiệt thêm sức lực của con, người mẹ vừa vuốt ngực cho con vừa nén dòng nước mắt chực trào ra.

Chị Quyên chia sẻ, lúc mới sinh cháu, da có chút vàng sau đó tím hơn những em bé khác, nhưng gia đình lại không nghĩ cháu bị bệnh. Chỉ đến lúc 5 tháng tuổi, khi bé bị ho, tím tái môi, và đầu chi, con được đi khám và phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp dạng một tâm thất. Trái tim bị khiếm khuyết, nên cơ thể con cũng nhạy cảm hơn những bé khác nên thường xuyên đau ốm.

Trái tim mẹ hòa nhịp đập cùng con

Bất cứ người mẹ nào đang có con điều trị tại khoa đều có một mong ước: “Cầu mong sức khỏe các con sẽ khá hơn để sớm được chuyển sang điều trị ở một khoa bệnh bình thường khác”. Điều ước tưởng chừng đơn giản ấy với các bà mẹ ở đây lại là kỳ tích.

Gần 1 năm qua, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung – mẹ của bệnh nhân Đỗ Tuấn Khải, 8 tuổi, tại Thái Nguyên vẫn đang ngóng tin con được chuyển khỏi Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch mà không được. Được các bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh một thất phức tạp, bé Khải đã phải trải qua rất nhiều lần phẫu thuật tim.

Trong lần phẫu thuật này, trái tim mong manh và nhỏ bé của con được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật fontan – sử dụng ống nối ngoài tim. Người mẹ tâm sự, vào năm 1 tuổi, thấy cháu ho nhiều, tím tái đã đưa bé sang Bệnh viện Nhi Trung ương khám phát hiện ra mắc bệnh tim bẩm sinh, tuy nhiên lúc đó chưa thể mổ được.

Đến năm cháu 3 tuổi, trong 1 lần khi có đoàn bác sỹ Bệnh viện E lên Thái Nguyên khám sàng lọc tim cho trẻ, gia đình đưa cháu tới khám lần nữa, các bác sỹ bảo bệnh bé có thể phẫu thuật được.

Ca phẫu thuật đầu tiên của bé được thực hiện năm 3 tuổi, lần thứ 2 là lúc 5 tuổi. Mỗi lần ca phẫu thuật của con diễn ra, trái tim của người mẹ cũng thăng trầm theo nhịp đập của trái tim con. Điều đáng mừng là mỗi lần mổ tình trạng của bé lại tốt lên trông thấy.

Ở Trung tâm Tim mạch, các bác sĩ và người nhà không lạ cảnh có người mẹ được gặp con, ôm con vào lòng. Nhưng cũng có người chỉ… ngắm con qua tấm kính. Tuy nhiên, điều khiến các mẹ tin và vui nhất, chính là dù không được ở gần nhưng các con luôn được các bác sĩ, điều dưỡng tại khoa chăm sóc thật tận tình. Có nhiều bé nhập viện lúc còn đỏ hỏn. Mọi sinh hoạt của bé đều do một tay các bác sĩ, điều dưỡng đảm nhiệm, lo lắng.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Thảo – Điều dưỡng trưởng Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch – Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, những điều dưỡng, bác sĩ ở đây đều chăm sóc các bệnh nhân nhi này bằng tình yêu xuất phát từ trái tim của người mẹ. Thương các con hằng ngày chống chọi lại bệnh tật, các điều dưỡng gần như thức trắng thâu đêm. Thậm chí, đối với trường hợp nặng, họ cũng không dám rời vị trí để ăn cơm và đi… vệ sinh nếu như không nhờ được người thay thế… Công việc vất vả là thế, nhưng nhìn con khỏe, được xuất viện và đặc biệt được chứng kiến niềm hạnh phúc của các bà mẹ, gia đình đó thì dường như nỗi vất vả không thấm vào đâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.