Hoang mang khi chồng lạc bước
Trong tâm trạng bức xúc, buồn chán chị Thu Hường (Hà Nội) kể: Chồng tôi vốn là người hiền lành, chỉn chu với gia đình. Hàng ngày anh vẫn chăm sóc vợ con rất ân cần, chu đáo, anh thường xuyên làm việc nhà đỡ vợ con chứ không giống các ông chồng vũ phu, lười nhác khác… Vậy mà anh lại đâm tôi một nhát sau lưng đau đớn thế này…
Nói xong chị Hương lại ôm mặt ngồi khóc mà chẳng cần để ý gì đến những ánh mắt những xung quanh đang nhìn chị tò mò. Vừa khóc chị vừa kể tội đức ông chồng đã làm gia đình chị tan cửa, nát nhà...
Chồng chị Hương là một cán bộ nhà nước, hiền lành, tốt bụng, được họ hàng, xóm giềng ai cũng quý mến. Bình thường không ai nghĩ anh lại có chuyện dan díu với một người phụ nữ khác rồi để lại hậu quả. Chị Thu Hương lại càng không bao giờ nghi ngờ chồng có chuyện “mèo mỡ” với một cô gái nào khác ngoài chị.
Ấy vậy mà sự thật là đây… một cô gái trẻ bồng theo đứa con đến nhà chị khẳng định đó là con của chồng chị. Cô ta nói những lời lẽ khó nghe, xúc phạm chị Hương và bắt chồng chị Hương phải nhận con để con được làm giấy khai sinh và cấp dưỡng nuôi con. Cô ta còn dọa: Nếu không thỏa mãn được những yêu cầu của cô ta, cô ta sẽ bế đứa nhỏ đi xét nghiệm AND, khi có kết quả cô ta sẽ nhờ đến pháp luật can thiệp.
Giận chồng tím mặt nhưng chị Hương vẫn phân bua với mọi người: Chồng tôi khi bị cô gái trẻ đến bắt vạ cũng rất đau lòng. Anh còn lo lắng hơn tôi vì chuyện vỡ lở anh ngại với hàng xóm xung quanh và cơ quan, đồng nghiệp của anh nữa… Là người vợ lúc đó tôi chỉ muốn túm lấy anh mà đánh đập cho hả cơn giận sau đó đuổi anh ra khỏi nhà.
Thế nhưng nhìn anh lúc đó cũng đau khổ không kém gì tôi, khiến tôi lại mủi lòng thương anh. Trong lòng tôi muốn làm lớn chuyện nhưng tôi lại không dám vì nghĩ đi, nghĩ lại tôi vẫn còn thương anh và sợ ảnh hưởng đến con cái, gia đình đổ vỡ. Thật sự lúc này tôi rất hoang mang, không biết phải làm gì…
Cùng cảnh ngộ nhưng chị Thanh Nhàn (Vĩnh Phúc) đang rất lo lắng khi biết tin chồng có con rơi. Chị tâm sự: Chồng tôi vốn là kẻ chăng hoa, anh ngoại tình với hết cô này đến cô nọ nên giờ có gái đem con đến bắt đền, tôi cũng không quá mức “sốc”. Thế nhưng biết chuyện tôi vẫn tức sôi máu. Khi đó tôi chỉ muốn cầm dao đâm cho lão chồng một nhát rồi muốn ra sao thì ra…
Tôi nhớ, Hôm đó, khi nhà tôi vừa ăn xong bữa chiều thì có một cô gái ôm một đứa trẻ nhỏ chừng 3-4 tháng tuổi, đi tắc xi đến đỗ trước cửa nhà tôi. Cô ta bấm chuông, chị giúp việc nhà tôi ra mở cổng rồi chạy vào nói, cô ấy nói đến đòi quyền cho đứa trẻ và đòi gặp chồng tôi.
Nghe chị giúp việc nói vậy, chồng tôi rất lúng tung, sợ sệt và ra cổng một mực đuổi cô ta về để giấu chuyện. Cô gái kia thì cứ khăng khăng đòi vào nhà và mồm năm miệng mười nói rằng chồng tôi phải nhận con và có trách nhiệm với con của cô ta.
Bực quá tôi cũng lao ra chửi cho cả hai một trận. Nhiều người hàng xóm xung quanh biết chuyện đã chạy đến can ngăn tôi. Nhưng tôi vẫn không kiềm chế được đã làm um chuyện của chồng tôi lên để rồi anh vừa xấu hổ, vừa cáu giận.
Tôi và anh cứ thế lời qua, tiếng lại. Không chịu đựng được nữa tôi đã buột miệng đuổi cả chồng tôi và ả kia đi cho khuất mắt… Thế rồi chồng tôi và ả kia lên xe đi thật. Một tuần sau anh mới quay về nhà.
Khi quay về nhà chồng tôi tỏ thái độ khác hẳn với tôi. Anh chủ động lên tiếng trước và đề nghị tôi phải chấp nhận cho anh đi lại hai bên giữa tôi và ả kia vì lí do vì đứa trẻ kia… Từ đó anh cứ nghiễm nhiên đi lại thăm con và thăm cả cô ấy.
Nhiều lần tôi yêu cầu anh chấm dứt, nhưng chồng tôi bảo phải cho anh thời gian, vì hiện mẹ con cô ấy rất cần sự có mặt, chăm sóc của anh. Tôi vô cùng bức xúc, đau khổ, chưa biết tính sao để dứt được sự đau lòng, buồn chán, uất ức cứ dâng trào trong tôi mỗi khi nghĩ về anh hay nhìn thấy anh trong nhà.
Nguy cơ gia đình tan vỡ
Theo Chuyên gia tâm lý tổng đài 19006233 – SUNNYCARE cho biết: Cuộc sống hiện đại, tiện nghi, thông tin đa chiều… chỉ cần một cú điện thoại hay tin nhắn là có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiện ích đó cũng có không ít những cạm bẫy, mặt trái khó lường cho nên trong xã hội đã xảy ra nhiều vụ, "ăn chả, ăn nem" khiến gia đình nhà tan, cửa nát.
Khi gia đình đã xảy ra chuyện lục đục, nhất là chuyện vợ chồng không chung thủy, chắc chắn hậu quả nó mang lại là những nỗi đau, mà nỗi đau đó gồm cả vợ, chồng, con cái lẫn kẻ thứ ba và đứa trẻ được sinh ra kia phải gánh chịu. Nỗi đau đó không của riêng ai.
Như gia đình chị Thu Hương, chị Thanh Nhàn trong câu chuyện trên đã khiến cả vợ, chồng cùng đau khổ, kẻ thứ ba điên cuồng, mưu mô toan tính...
Trong câu chuyện, người vợ bức xúc, ấm ức, hậm hực, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe, công việc vì ghen tuông, vì thất vọng người chồng bội bạc. Với người chồng - người gây ra hậu quả của sự đau khổ mệt mỏi cho vợ, con cũng mệt mỏi, chán nản không kém. Bởi khi cái kim trong bọc lòi ra, anh chồng cũng ê chề lo lắng, hoang mang vì xấu hổ với gia đình,hàng, xóm… và cũng lo lắng gia đình đổ vỡ.
Với người bị phản bội như chị Hương, chị Nhàn luôn phải sống trong tâm trạng bức bối, hậm hực, khó chịu. Chồng chị Hương thì luôn phải sống giữa sự dằn vặt của vợ con, gia đình và ả kia; chồng chị Nhàn cũng vậy anh luôn phải sống giữa sự dằn vặt, bức bối khi vợ cằn nhăn, xỉa xói và sự mưu mô tính toán, lôi kéo của ả đàn bà kia... Và ả đàn bà kia cũng chẳng sung sướng gì khi phải ngày đêm nghĩ kế, bầy mưu, tìm cách lôi kéo người đàn ông về phía mình...
Khi gia đình có người chồng (vợ) nhìn về hướng khác, chắc chắn sẽ có sự đổ vỡ. Sự đổ vỡ này kéo theo một hệ lụy đáng buồn ảnh hưởng tới tất cả các thành viên trong gia đình và cả đứa trẻ ngoài giá thú khi sinh ra. Nó cũng rất đáng thương. Bởi suy cho cùng đứa trẻ không thể chọn “cửa” sinh ra cho mình, không thể biết những trớ trêu, phức tạp và những toan tính của người lớn.
Trẻ cũng không biết và không chịu trách nhiệm về việc quan hệ giữa cha và mẹ mình là trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân, hợp pháp hay không hợp pháp, có tình yêu hay không tình yêu… Vì vậy, khi nó đã được hiện hữu trên đời, đứa trẻ phải được nhận tình thương yêu, được nuôi dạy để thành người.
Vì vậy, dù có chuyện gì xảy đi chăng nữa vợ (chồng) cũng nền nhìn lại để tìm ra cách tốt nhất để những đứa trẻ bớt thiệt thòi. Nếu vợ chồng có thể giữ cho gia đình hòa thuận, mọi người cùng nhau chung sống tiếp là tốt nhất, nếu không cả chồng và vợ cũng nên chọn giải pháp tốt nhất cho nhau để có cuộc sống tốt đẹp, dễ chịu nhất.