(GD&TĐ) - Các nhà trường đặc biệt trường đại học trong công cuộc đổi mới hiện nay nên quan tâm đến việc dạy tư duy cho học sinh, sinh viên. Việc dạy này có thể lồng ghép tích hợp với chương trình hiện hành mà trường đang có, cũng có thể xây dựng giáo trình tự chọn qua các khóa học về “Bản đồ tư duy”, “Sáng tạo học”.....
Nguyên lý vàng “Học - Tư kết hợp”
Nhà hiền triết Trung Hoa Khổng Tử (551 - 479 TCN) có lời khuyên môn sinh thụ huấn tại Hạnh Đàn phải chú ý đồng bộ năm điều : Bác học (Học rộng); Thâm vấn (Hỏi sâu); Thận tư (Suy nghĩ cho cẩn thận); Minh biện (Phân biệt mạch lạc); Đốc hành (Dốc lòng vào hành động)
Thầy Khổng nhấn mạnh: “Cũng có điều chưa học, nhưng đã học điều gì mà không được thì không thôi. Cũng có điều chưa hỏi, nhưng đã hỏi điều gì chưa rõ thì không thôi. Cũng có điều chưa nghĩ, nhưng đã nghĩ điều gì thì cho cẩn thận, không nghĩ xằng bậy. Cũng có điều chưa phân biệt được, nhưng đã phân biệt gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Cũng có điều chưa làm, nhưng đã làm điều gì thì làm cho đến nơi đến chốn.
Người ta dụng sông một, mà không được thì ta dụng sông gấp trăm lần. Người ta dụng sông mười, ta cũng dạy sông mười mà chưa được; Thì ta dụng sông gấp ngàn lần, kỳ được mới thôi. Nếu thực hiện được điều ấy thì điều ngu cũng hóa sáng yếu cũng thành mạnh”
Về sau thầy Khổng cô đúc những điều trên thành thông điệp “Học – Tư kết hợp”: “ Học nhi bất tư tắc vong/ Tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không suy nghĩ thì mờ mịt/ Suy nghĩ mà không học hệ thống thì nguy hiểm)
Thông điệp trên trở thành nguyên lý vàng, nó vượt mọi không gian không bị pha loãng bởi thời gian cho mọi nền giáo dục, mọi nhà trường.
Thực tế cuộc sống cho thấy có người không chịu động não, ra sức học nhưng học thụ động, học vẹt thì uổng phí thời gian. Tuy nhiên lại có người hay suy nghĩ song chưa học hệ thống thì sự suy nghĩ dễ theo động thái tiêu cực, thậm chí nguy hiểm cho nhân cách.
Nhân loại trên con đường phát triển, tiếp tục có những phát biểu “Minh triết” về phạm trù tư duy.
Pascan (1623 - 1662) có luận điểm: “Con người là cây sậy biết tư duy. Sự vĩ đại của con người là do năng lực tư duy của anh ta (chị ta)”
Descartes (1596 -1650) thì khẳng định: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”
Piajet (1896 -1980) nhấn mạnh: “Mọi tư duy phải dẫn đến hành động
Bất cứ hành động nào có ý thức đều trên cơ sở của tư duy”
Goeth (1749 - 1837),nhà thơ vĩ đại người Đức có diễn đạt cảnh: “Ý nghĩ là hương của hoa/ Lời nói là mật của hoa/ Hành động là quả kết từ hoa”
Như vậy Goeth nêu thành nguyên tắc: Ý nghĩ phải dẫn đến lời nói và hành động.
Nhà Vật lý học vĩ đại Einstein (1879 -1955) có lời bàn xác đáng về sứ mệnh của nhà trường và cách đào tạo trong nhà trường.
“Nếu chỉ học sự kiện và thông tin thì con người có thể chỉ cần đến thư viện, nhưng nhà trường sẽ tồn tại mãi mãi bởi vì ở nơi đó con người được học tư duy…
Mội điều thuộc về bản chất của một nền giáo dục có giá trị là nhà trường của nền giáo dục đó phải dạy cách tư duy phê phán cho người học. Điều này đang bị đe dọa bởi cách dạy nhồi nhét do chú ý quá đáng đến điểm số. Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn đến sự nông cạn và vô văn hóa. Cần có cách dạy sao cho người học cảm thấy những điều họ học là một quà tặng quý giá chứ không phải là một nhiệm vụ ngán ngẩm”
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên thầy trò trong nhà trường : “Siêng học tập thì mau biết/ Siêng nghĩ ngợi thì mau có sáng kiến/ Siêng làm thì nhất định thành công”
Bác đã Việt Nam hóa lời dạy của Khổng Tử : “Bác học – Thâm vấn – Thận tư – Minh biện – Đốc hành” thành bốn phạm trù H: “Học – Hỏi – Hiểu – Hành”.
Khâu then chốt là dạy tư duy
Cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta diễn ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Nhiều tìm tòi đã được triển khai ở giáo dục đại học. Thí dụ chuyển dạy học từ niên chế sang học chế tín chỉ, dạy học theo tiếp cận năng lực thực hiện, theo tiếp cận kết quả (RBM), quản lý dạy học theo chất lượng tồng thể (TQM), theo đầu vào – đầu ra, bối cảnh – quá trình (CIPO).....
Những tìm tòi trên đã phả một luồng gió mới vào tiến trình đào tạo đem lại một số thành tựu ấn tượng.
Đã có một lớp sinh viên ra trường rất năng động, tháo vát tạo nên sự “khả úy” so với cha anh thụ hưởng mọi đào tạo của thời bao cấp.
Tuy nhiên còn đó nỗi lo về một bộ phận sinh viên ra trường do học theo tín chỉ khi điều kiện vật chất sư phạm chưa được bảo đảm đầy đủ, sự quản lý dạy học còn lỏng lẻo đã rơi vào bi kịch.
“Không biết thấu đáo cái cần phải biết
Biết sai cái đang biết
Biết cái không cần biết”
Chất lượng nguồn nhân lực bậc cao Việt nam do giáo dục đại học cung cấp đang có nhiều ngổn ngang dở dang. Một số chủ nước ngoài khi tuyển dụng nhân lực không mặn mà với ứng viên ghi “trình độ đại học”. Họ chú ý đến trình độ “Trung học phổ thông”, sau khi tuyển dụng họ tiếp tục đào tạo theo mục tiêu nhân lực của họ.
Báo cáo phát triển con người (HDR) năm 2013 do UNDP công bố (tháng 6 - 2013) cho thấy giá trị thứ hạng HDI (Human Development Index) của Việt Nam chưa mấy lạc quan.
Phải thẳng thắn thừa nhận chất lượng đào tạo đại học và do đó chất lượng nhân lực Việt Nam còn thấp.
Điều này có nhiều nguyên nhân. Song điều hiển nhiên là do chương trình (Curriculum) do cách dạy cách học, cách quản lý dạy học còn nhiều bất cập.
Tiềm năng trí tuệ của thanh niên Việt không phải là thấp, song việc phát triển tiềm năng này từ nhà trường phổ thông đến đại học chưa thật tốt.
Đổi mới giáo dục đại học hiện nay thiết nghĩ khâu then chốt là đổi mới dạy học và điều chú ý: Dạy cho sinh viên phát triển năng lực tư duy của họ.
Nhà trường đại học ở nước ta vẫn còn nhiều ám ảnh của sư phạm quyền uy (Power pedagogy), chưa đậm đà chất sư phạm của tình bạn dân chủ (fellowship democratic pedagogy) và còn khoảng cách khá xa với nhà trường tư duy, đào tạo theo mô hình “POWER”.
10 loại tư duy cần trang bị cho người học Thông thường ai cũng có suy nghĩ. Song khi suy nghĩ phản ánh tích cực và có tính khái quát đối với hiện thực khách quan, lúc đó con người hình thành “Tư duy ” đích thực. Tính khái quát là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển năng lực tư duy, đồng thời cũng là cơ sở của các phẩm chất trong hoạt động tư duy như tốc độ, tính linh hoạt, tính sáng tạo... Trực giác, linh cảm, tưởng tượng là ba cấp độ của tư duy. Giáo dục nhà trường là nhân tố quan trọng để con người phát triển năng lực tư duy. Ở môi trường nhà trường, con người lĩnh hội các tri thức nền tảng, được cọ sát suy nghĩ, có không khí “Học thầy không tày học bạn”, có động lực để tiến tới tư duy sáng tạo. Các khoa học được chọn dạy trong nhà trường từ cấp thấp lên đến cấp cao dần dần hình thành cho con người mười loại tư duy sau: Tư duy logic; Tư duy hình tượng; Tư duy ngôn ngữ; Tư duy biện chứng; Tư duy Angôrit; Tư duy khoa học thực nghiệm; Tư duy kỹ thuật – công nghệ; Tư duy kinh tế; Tư duy chính trị; Tư duy quản lý. Các nhà trường đặc biệt trường đại học trong công cuộc đổi mới hiện nay nên quan tâm đến việc dạy tư duy cho học sinh, sinh viên. Việc dạy này có thể lồng ghép tích hợp với chương trình hiện hành mà trường đang có, cũng có thể xây dựng giáo trình tự chọn qua các khóa học về “Bản đồ tư duy”, “Sáng tạo học”... |