Cách nhìn mới
Tự phê bình và phê bình giáo dục, đào tạo cũng giống như mọi lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, nhưng lại phức tạp hơn bởi tính chất đặc thù nghề nghiệp có những đặc điểm khó khăn hơn, phức tạp hơn, có nhiều lực cản chi phối, nhất là trong điều kiện hiện nay trước những thách thức của thời đại cách mạng tri thức gắn liền với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong cuộc đua tranh quyết liệt về mọi mặt, mà chủ yếu là đua tranh về trí tuệ của các quốc gia trên toàn cầu, sự yếu kém, bất cấp và tụt hậu của giáo dục, đào tạo đang trở thành lực cản đối với sự phát triển nhanh và vững của đất nước.
Hơn nữa chúng ta đang ở vào thời kỳ có nhiều biến đổi sâu sắc và nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Trước những thách thức và yêu cầu của thời đại mới - thời đại của sự phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực thông tin và tri thức với xu thế toàn cầu hóa lôi cuốn sự hội nhập của mọi quốc gia, các nước trên thế giới, ở mức độ khác nhau, đều thực hiện những thay đổi có tính cách mạng nền GD-ĐT.
Vì vậy tự phê bình và phê bình trong giáo dục không chỉ để rũ bỏ những cái gì lỗi thời, lạc hậu, mà là để có cách nhìn mới, cách nghĩ mới và những kiến thức, kỹ năng mới của chính thời đại mình.
Nói cụ thể hơn là phê bình những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, đào tạo; là tự phê bình những tồn tại, bất cập để có một tư duy giáo dục, một triết lý giáo dục có khả năng thích ứng với sự thay đổi thường xuyên, đa dạng, phức tạp, đầy biến động bất ngờ và bất định của một thế giới toàn cầu hóa...
Thế nên trong phê bình và tự phê bình trong giáo dục, đào tạo cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm như: đổi mới mục tiêu, mội dung, đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới hệ thống tổ chức, công tác quản lý và hệ thống chính sách nhằm hiện đại hóa nền giáo dục của nước ta phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và xu hướng phát triển chung của thời đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển và hiện đại hóa đất nước ta trong tình hình mới.
Tự phê bình và phê bình để tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân cho hợp lý, chấm dứt tình trạng “vừa thừa vừa thiếu cả thầy lẫn thợ” và để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH hội nhập quốc tế…
Đối với mỗi nhà trường cần tập trung tự phê bình và phê bình trong tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, tránh độc quyền; chống gian lận trong thi cử, chạy theo thành tích giả. Sớm chấm dứt mọi hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục; coi trọng phương châm gắn học với hành; tự phê bình và phê bình trong quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư cho GD-ĐT một cách đúng hướng, hợp lý và hiệu quả, tránh gây thất thoát, lãng phí...
Giải pháp tốt để đổi mới giáo dục
Gắn tự phê bình và phê bình với sửa chữa, đồng thời lên án, phê phán những ai giấu khuyết điểm, không dám thẳng thắn nhận khuyết điểm… để cho “cơ thể” giáo dục được mạnh khỏe hơn.
Đối với mỗi người làm công tác giáo dục, là phê bình và tự phê bình tính trì trệ, bảo thủ vẫn luôn là lực cản cho khát vọng vươn lên trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp của người thầy giáo… và không chỉ tập trung ở phẩm chất, đạo đức, tác phong, lối sống mà trước hết là tự phê bình và phê bình về ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật, về việc nghiêm túc tự kiểm điểm việc tự phê bình và phê bình trong tính thiếu chủ động, tự giác việc thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tự kiểm điểm trong thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương Trách nhiệm”; cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”… tự kiểm điểm việc học hỏi, nghiên cứu những quan điểm và bài học kinh nghiệm để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, để thực hiện tốt phương châm gắn học với hành, phát huy tinh thần tự học và sáng tạo.
Hay nói một cách khác là mỗi nhà giáo, mỗi người làm công tác giáo dục, đào tạo phải tự giác phê bình và tự phê bình trong nhận thức và hành động chưa đúng của đổi mới phương pháp dạy học; là tự phê bình và phê bình tinh thần giám nghĩ giám làm; là tự phê bình và phê bình trong tổ chức, thực hiện để tự liên hệ, tự kiểm điểm sâu sắc dám nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ cái hay, cái tốt, cái dở, cái xấu để khắc phục, sửa chữa và có thái độ rõ rệt lên án và cương quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực, loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống giáo dục.
Phê và tự phê bình - Công việc thường xuyên
Hơn tất thảy, GD-ĐT là sự nghiệp cao cả quyết định đến tương lai, vận mệnh quốc gia của dân tộc, nên đòi hỏi đối với tất cả những người làm công tác giáo dục dù ở cương vị công tác nào, đều phải tiến hành thường xuyên tự phê bình và phê bình nghiêm túc, không nể nang, qua loa đại khái, hình thức, không giấu giếm và cũng không thêm bớt khuyết điểm, đặc biệt phải có tinh thần tự giác rất cao, thật thà kiểm điểm tự phê bình, soi lại mình, nhà trường mình, phát huy những điều tốt đẹp, kiên quyết điều chỉnh những khiếm khuyết lệch lạc về tư tưởng chính trị, về hành vi, ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.
Gắn tự phê bình và phê bình với sửa chữa, đồng thời lên án, phê phán những ai giấu khuyết điểm, không dám thẳng thắn nhận khuyết điểm… để cho “cơ thể” giáo dục được mạnh khỏe hơn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.