Khát vọng vùng lòng hồ

Khát vọng vùng lòng hồ

(GD&TĐ) - Vùng lòng hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) có diện tích mặt nước hơn 2.500 hec-ta, nằm trọn trên địa bàn của bốn xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn. Ngoài tác dụng làm thủy lợi, điều tiết nước tưới cho hàng ngàn hec-ta đồng lúa, hồ Cấm Sơn là nơi sinh nhai của hơn một nghìn hộ dân ven hồ.

Cô gái ngủ say giữa núi rừng

image001.png
Bao đời nay người dân Cấm Sơn vẫn gắn bó với con thuyền gỗ chèo tay  trên hồ...

Hồ Cấm Sơn, với nguồn lợi thủy sản gần như vô tận đã nuôi lớn bao nhiêu thế hệ người dân vùng cao cư ngụ ven hồ. Thi thoảng, dân chài đánh lưới bắt được cá to hàng chục cân nhưng đâu dám ăn, lại nhờ người bán xuống phố huyện đổi lấy gạo, dầu, mắm, muối. Ấy thế nhưng người dân Cấm Sơn có đói gạo, ngô chứ không bao giờ thiếu cá ăn.

Xã Cấm Sơn, cũng như các xã khác bao quanh lòng hồ, là những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Lục Ngạn. Dù đã được triển khai nhiều chương trình, dự án nhưng đời sống của đa số người dân còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính vẫn do điều kiện địa hình thiếu đất sản xuất, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, dân cư phân bố thưa thớt.

Bên cạnh đó, xuất phát điểm của người dân quá thấp, hoàn toàn không có sức bật từ nội lực để phát triển. Với hơn 500 ha mặt nước do xã quản lý có thể coi là một lợi thế vô cùng tiềm năng, Cấm Sơn rất cần những dự án để làm động lực cho sự phát triển. Có thể kể đến những dự án tiềm năng như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp... nếu được đầu tư thỏa đáng sẽ mang lại giá trị to lớn về kinh tế - xã hội không chỉ đối với người dân vùng lòng hồ. Đó là lý do người ta ví hồ Cấm Sơn như cô gái say ngủ giữa núi rừng đang chờ người đến đánh thức.

Anh Nguyễn Văn Tốn – Dân bản địa ở Cấm Sơn - cho biết: Ở lòng hồ, các loại cá nhỏ, tôm, cua... nhiều vô thiên lủng, chỉ cần vác lưới xuống hồ là có cả chục cân tôm, tép, cua, ốc. Thế mới có chuyện dân vùng lòng hồ ăn cá phát ngán, trong khi các loại lương thực như gạo, ngô, sắn không đủ ăn luôn phải nhờ nguồn cứu đói của huyện. Chỉ bởi một lẽ ở đây không có đất sản xuất còn mặt hồ lại quá rộng. Việc đi lại để đổi cá tôm lấy gạo thì càng vất cả hơn do hồ rộng, phương tiện đi lại rất hạn chế, chủ yếu là thuyền chèo tay.

Điều kiện như thế nên dân vùng lòng hồ bơi thuyền giỏi hơn đi trên đất bằng, trẻ con ba, bốn tuổi đã biết bơi lặn như rái cá. Vào cuối tuần trăng, khi cá đi ăn và chuẩn bị sinh sản, dân lòng hồ đánh bắt nhiều quá ăn không được, bán không hết bèn chọn những con cá mương, cá thiểu loại nhỏ ướp muối, phơi khô để dành. Những năm 80, 90 thế kỷ trước, món cá khô lòng hồ Cấm Sơn là món ăn có giá trị cao đối với hàng nghìn hộ dân miền núi Lục Ngạn.

Đó là chuyện trước kia, khi đói kém là tình trạng chung của nhiều vùng chứ không riêng gì nơi lòng hồ mênh mông này. Những năm gần đây, khi đời sống của đại bộ phận người dân được nâng lên, giao thông thuận tiện hơn, điện lưới quốc gia, điện thoại, truyền hình... được phổ cập thì số lượng cá, tôm trong vùng hồ đã giảm đáng kể, Nguyên nhân do lượng người khai thác nhiều, lại sử dụng nhiều phương pháp tận thu trong khi nguồn thuỷ sản bổ sung không đáng kể so với diện tích lòng hồ quá lớn. 

Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

HS Trường Tiểu học Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) vui đùa trên sân trường
HS Trường Tiểu học Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) vui đùa trên sân trường
 

Những nghiên cứu về thổ nhưỡng, địa chất, khí hậu lòng hồ Cấm Sơn cho thấy ngoài những sản vật sẵn có, vùng lòng hồ có thể nuôi trồng các loại thủy sản giá trị cao như: cá tầm, lăng, chiên, rau câu... Một trong những dự án đầu tiên nuôi cá tầm lòng hồ do Trung tâm giống thủy sản Bắc Giang triển khai đã cho kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một dự án rất nhỏ giữa lòng hồ mênh mông này. Còn lại hơn 2.000 ha diện tích mặt nước không có bất kỳ một dự án hay phương tiện nuôi trồng nào. Người dân lòng hồ chỉ làm mỗi một cách là khai thác tự nhiên: đánh lưới, thả rọ, câu, kích điện, kéo vó. Mà như thế, hiệu quả, năng suất đánh bắt được lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố và thường là không ổn định.

Gần đây, trên mặt nước ven bờ xuất hiện khá nhiều phương tiện đánh bắt mới mà dân địa phương gọi là vó đèn - một loại vó lớn chu vi hàng trăm m2, có thắp đèn ban đêm để dụ cá. “Mỗi chiếc vó như thế thường phải đầu tư 60 - 70 triệu đồng, nghĩa là cả một gia tài đối với người dân nơi đây. Bù lại, lượng cá đánh bắt được nhiều và ổn định hơn. Nếu hôm nào thời tiết tốt, mỗi vó đánh được dăm ba chục cân cá là bình thường” – Anh Tốn cho biết thêm.

Một cán bộ xã Cấm Sơn chia sẻ: Nguồn lợi từ cá đang dần sụt giảm cũng như sự biến mất của một số loại cá do lối đánh bắt tận thu khiến đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn. Giao thông đường thủy không được cải thiện khiến hàng hoá nông - lâm sản của cư dân lòng hồ rất khó bán hoặc giá rất rẻ.

Ở đây, phương tiện đi lại chủ yếu vẫn là thuyền gỗ chèo tay; một số hộ sắm được thuyền máy chỉ để dành đi đâu xa hoặc chở đông người. Cán bộ xã muốn đi kiểm tra hồ hoặc giao ban bốn xã lòng hồ thì phải thuê thuyền máy. Căn nhà do huyện đầu tư dùng cho việc giao ban được xây trên một hòn đảo nằm ở vị trí trung tâm của bốn xã. Tất cả mọi hoạt động liên quan đến đời sống, dân sinh, cá mú hay trồng rừng... trong vùng lòng hồ đều được tổ chức họp bàn ở ngôi nhà này. Chính từ khó khăn về giao thông nên điều kiện học hành, chữa bệnh, tiếp cận với văn hóa... của đại bộ phận dân cư lòng hồ là điều xa xỉ.

Trò chuyện với những cán bộ xã Cấm Sơn, trên con thuyền xình xịch lướt đi giữa mênh mông trời nước, mới thấy được cái khát vọng vươn lên của người dân Cấm Sơn lớn đến dường nào. Đây đó quanh hồ là những khoảnh đồi xanh um keo, bạch đàn lấy gỗ, là những vườn vải thiều, na, hồng thi gan cùng nắng gió.

Con đường đang thi công vòng quanh hồ, phía sau đèo Yên Ngựa, nối trung tâm xã với vùng hạ du sẽ là con đường nhanh nhất nối cư dân lòng hồ với no ấm. Nhưng quan trọng nhất, tương lai của Cấm Sơn vẫn phải gắn chặt với sự phát triển nguồn lợi thuỷ sản lòng hồ, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và đầu tư cho du lịch.

Cùng với nỗ lực kết nối tuyến du lịch tâm linh Tây Yên Tử, đây sẽ là hi vọng mở cánh cửa phát triển bền vững cho toàn bộ cư dân vùng lòng hồ còn nhiều gian khó này.

Lòng hồ Cấm Sơn còn lưu giữ nhiều nét đặc sắc trong đời sống và văn hoá của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chí. Lênh đênh trên thuyền giữa lòng hồ nhấn nhá những khúc chè lam, nắm xôi bảy màu bắt mắt hay xôi trứng kiến thơm lựng; thịt lợn cắp nách, gà leo núi và cá lòng hồ nhắm với chút rượu quê nút lá chuối sẽ mang đến cảm giác lâng lâng như giữa chốn bồng lai.

Việt Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.