Đặc biệt khi đầu tư và thương mại toàn cầu đang ngày một tăng trưởng mạnh mẽ, thì cơ hội việc làm cho thông dịch viên lại càng phong phú hơn, cả trong khối Nhà nước, doanh nghiệp hay tổ chức phi Chính phủ...
Mỗi năm cần thêm 1.000 biên, phiên dịch
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, giai đoạn 2017 - 2025, mỗi năm thành phố cần 270.000 - 300.000 nhu cầu nhân lực (trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới), nhu cầu nhân lực nhóm ngành khoa học xã hội chiếm tỷ trọng 2%, tương đương khoảng 6.000 người/năm, trong đó cần khoảng 1.000 biên dịch, phiên dịch viên.
Lương của thông dịch viên, biên dịch viên khá cao, mức trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Thậm chí tại các hội nghị, thương thuyết cao cấp thì lương của thông dịch viên được tính đến vài trăm USD/giờ.
Tuy nhiên, để tìm những người giỏi, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khi dịch các văn bản, giấy tờ trong từng ngành nghề khác nhau là không dễ. Đối với nguồn lực thông dịch, đặc biệt là dịch các buổi đàm phán kinh doanh, hội thảo thì nguồn cung chất lượng còn khó tìm hơn.
Theo bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự Manpower Group Việt Nam, nhu cầu của thị trường về nhân lực thông dịch viên đều tăng cao hàng năm, chủ yếu đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài tiếng Anh ra, các ngôn ngữ Nhật, Hàn, Trung Quốc cũng rất cần người có khả năng biên phiên dịch, phục vụ cho các doanh nghiệp nước họ tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp, đơn vị Việt Nam có mối quan hệ với nước họ.
Cụ thể, Samsung chỉ tìm được một nửa số lượng thông dịch viên so với nhu cầu tuyển dụng, hay các công ty sản xuất giày da, may mặc, rất cần thông dịch tiếng Hoa. Đó là chưa kể các công ty về du lịch, nhà hàng, khách sạn... luôn có nhu cầu về thông dịch viên.
Khó đáp ứng yêu cầu chất lượng
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Điều hành Công ty Innotech cho rằng, nhân lực thông dịch viên không thiếu nhưng khó đáp ứng yêu cầu chất lượng của doanh nghiệp. Có đồng quan điểm, một số doanh nghiệp tại TPHCM cho biết, sự sàng lọc, đào thải của nghề này rất cao, nên nhiều người ra trường ở các ngành ngoại ngữ nhanh chóng bị đào thải sau một thời gian làm việc.
Dù giỏi ngoại ngữ, nhưng không có kinh nghiệm chuyên sâu, không trau dồi kỹ năng thì không trụ lâu với nghề. Đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành ngoại ngữ, nhưng không thể dịch hoàn chỉnh một văn bản hành chính đơn giản hoặc khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ rất kém.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân cho sự thiếu hụt nhân sự tại các tổ chức, công ty là do chỉ tiêu đào tạo ngoại ngữ của các trường đại học còn quá ít, chưa đa dạng các loại ngôn ngữ và chưa đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Trong khi nghề thông dịch viên cần chuyên môn cao, cùng với đó là kiến thức rộng và sâu về các lĩnh vực mà mình đang được giao nhiệm vụ biên, phiên dịch.
Ngoài ra, nhân lực trong nghề này phải am hiểu về văn hóa, xã hội, tình hình thời sự… Tiếng Việt cũng phải giỏi để có thể chuyển ngữ một cách chính xác, uyển chuyển, linh hoạt. Để có nguồn cung chất lượng, các trường cần đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, đa dạng hóa các ngôn ngữ mà nguồn cung hiện thiếu hụt.
Đồng thời, ngoài kỹ năng về ngôn ngữ, các trường cần đào tạo thêm những kỹ năng mềm, liên kết với doanh nghiệp để sinh viên sớm cọ xát thực tế, không bị bỡ ngỡ khi ra trường.