Khánh thành Khu di tích lịch sử Bộ Quốc gia Giáo dục (1951-1954)

Khánh thành Khu di tích lịch sử Bộ Quốc gia Giáo dục (1951-1954)

(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 26/1/2013 tại thôn Khuôn Trú xã Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang), Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Tuyên Quang đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm Bộ Quốc gia Giáo dục (giai đoạn 1951-1954) – một công trình có ý nghĩa lịch sử, gắn liền với mảnh đất Tuyên Quang, Thủ đô của kháng chiến.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Sáng Vang; Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Chẩu Văn Lâm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, cùng nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Lễ cắt băng khánh thành khu di tích
Lễ cắt băng khánh thành khu di tích

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng của đất nước nói chung, của Ngành nói riêng, bắt đầu từ khi  Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, chấm dứt ách thống trị thực dân, phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương và Hồ Chủ tịch, nhân dân ta đoàn kết phấn khởi, xây dựng chính quyền cách mạng và cuộc sống mới. Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã do Hồ Chí Minh là Chủ tịch được chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Trong đó, Bộ Quốc gia Giáo dục là một trong những Bộ - thành viên của Chính phủ - được thành lập ngay từ những ngày đầu. Chính phủ giao Bộ Quốc gia Giáo dục thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng tổ chức, vừa có những hoạt động khẩn trương như: xây dựng ngành Bình dân học vụ, mở chiến dịch chống nạn mù chữ trong cả nước; tổ chức khai giảng năm học đầu tiên của cách mạng từ các trường phổ thông đến đại học là một sự kiện có tác động to lớn đến nhân dân.

Tiếp đó, cả nước bước vào thời kỳ trường kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ, các cơ quan đầu não của Trung ương đã phải sơ tán và di chuyển từ Thủ đô về nông thôn. Bộ Quốc gia Giáo dục dời cơ quan từ Thủ đô đến các địa phương như Hà Đông, Phú Thọ và trong giai đoạn năm 1951 đến 1954, cơ quan Bộ đã đặt tại thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Bia đá di tích lịch sử địa điểm Bộ Quốc gia Giáo dục
Bia đá di tích lịch sử địa điểm Bộ Quốc gia Giáo dục

Trong giai đoạn này, nhiệm vụ chính của ngành Giáo dục là thực hiện: chuyển hướng giáo dục trong thời chiến; tiếp tục phát triển Bình dân học vụ đẩy mạnh thanh toán mù chữ và Bổ túc văn hoá trong thời chiến; thực hiện cải cách giáo dục; chuyển hướng và phát triển giáo dục đại học và chuyên nghiệp.

Trong thời gian 4 năm cơ quan Bộ Quốc gia Giáo dục làm việc tại Khuôn Trú, đã ghi dấu ấn những bước trưởng thành lớn lao của ngành giáo dục nước nhà, có nhiều chỉ thị, nghị định và những quyết sách quan trọng để chỉ đạo thành công thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục của Đảng và Chính phủ giao cho. Từ đây, dưới sự phụ trách của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cùng các đồng chí lãnh đạo trong bộ máy của Bộ thời kỳ đó như: đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Nguỵ Như Kon Tum, Phạm Trọng Đang, Nguyễn Cát Tường, Hoàng Vi Nam, các cán bộ của các Vụ, các Nha thuộc Bộ và các đơn vị khác đã đoàn kết, yêu thương gắn bó với nhau trong sự đùm bọc của đồng bào các dân tộc nơi đây suốt những năm khó khăn, gian khổ, không quản ngại hy sinh, tận tuỵ vì sự nghiệp giáo dục.

Có thể nói, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc gia Giáo dục trong giai đoạn này, sự nghiệp giáo dục từ phổ thông đến đại học không những được duy trì và còn tiếp tục được phát triển. Các trường từ giáo dục phổ thông đến đại học đều giảng dạy bằng tiếng Việt. Cuộc cải cách giáo dục năm 1950 cho đến 1954 đã tạo ra một sự thay đổi cơ bản nền giáo dục thực dân cũ, xây dựng nền tảng cho một nền giáo dục mới: dân tộc, khoa học, đại chúng; thể hiện rõ tính chất ưu việt của cách mạng, của chế độ dân chủ cộng hòa, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để tiếp tục xây dựng, phát triển và cải tạo hệ thống của địch để lại trong vùng giải phóng. Công tác xóa nạn mù chữ ngay sau Cách mạng Tháng Tám và suốt trong những năm kháng chiến liên tục phát triển và đạt kết quả to lớn; công tác bổ túc văn hóa kế tiếp và đi liền với xóa nạn mù chữ được kịp thời xây dựng và phát triển cùng với giáo dục phổ thông và đại học chuyên nghiệp; thông qua đó đã góp phần tích cực nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến và chuẩn bị cho xây dựng đất nước sau kháng chiến thắng lợi.

 Các đồng chí lãnh đạo trồng cây lưu niệm sau lễ khánh thành khu di tích
Các đồng chí lãnh đạo trồng cây lưu niệm sau lễ khánh thành khu di tích

Với ý nghĩa sâu sắc đó, ngày 17/1/2006, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) đã có quyết định xếp hạng đây là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, khắc ghi một thời điểm quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức bộ máy chỉ đạo giáo dục – đào tạo của nước nhà. Để lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử của sự kiện trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, năm 2011, Bộ GD&ĐT đã đầu tư xây dựng và nâng cấp toàn bộ các hạng mục, công trình của di tích, gồm: Nha giáo dục, Nha bình dân học vụ và Nha trung học chuyên nghiệp. Đồng thời, ngay tại địa điểm di tích, Bộ GD&ĐT cũng xây tặng bà con thôn Khuôn Trú 01 nhà văn hóa, 01 nhà mẫu giáo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc khánh thành công trình Khu di tích lịch sử địa điểm Bộ Quốc gia Giáo dục có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; thể hiện sự tri ân, ghi nhận của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục đối với các thế hệ cán bộ, giáo viên Bộ Quốc gia Giáo dục nói riêng, ngành Giáo dục nói chung đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng thời công trình còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử và truyền thống tốt đẹp của Ngành cho đội ngũ thế hệ trẻ, các cán bộ, nhà giáo, đội ngũ học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân hôm nay.

Sau hơn 60 năm, tiếp nối truyền thống và lịch sử của ngành, chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới của ngành giáo dục trong sự nghiệp đổi mới chung của toàn Đảng, toàn dân. Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để ngành có  những bước tiến mới trong thời gian tới, với mục tiêu: Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập.

Phát huy truyền thống tốt đẹp, vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm giáo dục đào tạo thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ góp phần tích cực làm cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, đưa dân tộc Việt Nam thành một “dân tộc thông thái, dân tộc có học thức, có đạo đức, một dân tộc thông minh” để Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với giáo viên, học sinh huyện Chiêm Hóa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với giáo viên, học sinh huyện Chiêm Hóa.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam, các Bộ, ban ngành liên quan và các địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, trong đó chú trọng nội dung chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử trên cả nước, nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục lịch sử và truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh, sinh viên và thanh niên Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần cách mạng của một địa phương anh hùng, để xây dựng quê hương Tuyên Quang nói chung và huyện Chiêm Hóa nói riêng ngày càng giàu đẹp; thường xuyên chăm sóc, tôn tạo các di tích lịch sử, trong đó có Khu di tích Bộ Quốc gia giáo dục, góp phần làm cho Chiêm Hóa ngày càng khang trang, xứng đáng với truyền thống yêu nước, đoàn kết, cách mạng, tinh thần đấu tranh anh dũng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.