Theo đó, văn bản trên do ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký nêu rõ: Giao UBND huyện Vạn Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) nhanh chóng làm rõ vụ việc báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng ngập mặn – rừng bần, lấy đất xây dựng trái phép, phân lô tại khu vực thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh.
Kịp thời chấn chỉnh trách nhiệm của chính quyền địa phương và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo quy định của pháp luật và thẩm quyền được giao. Báo cáo kết quả và tham mưu xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị đến các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và cho thuê môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ, trong đó có rừng ngập mặn – rừng bần ở Khánh Hòa.
Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh phải làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng ngập mặn – rừng bần.
Ông Đỗ Anh Thy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp UBND huyện Vạn Ninh đang tiến hành kiểm tra xử lý vụ việc và báo cáo tham mưu UBND tỉnh xử lý những nội dung ngoài thẩm quyền”. Ngoài ra, cũng theo ông Thy, hiện tại, cơ quan chuyên môn vẫn chưa có kết quả kiểm tra. Khi có kết quả sở sẽ thông tin sau.
Như Báo GD&TĐ đã phản ánh, rừng ngập mặn - rừng bần ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, rộng hàng chục héc ta đang “thay da đổi thịt”. Hàng loạt ngôi nhà trái phép mọc lên ở đây. Ngoài những ngôi nhà kiên cố đã xây dựng, nhiều khu phân lô, đắp nền đất chuẩn bị tiến hành làm nhà đang chờ sẵn. Tình trạng phá rừng bần ở đây diễn ra đã lâu. Nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Điều đáng nói, khi tỉnh Khánh Hòa nổi lên cơn “sốt đất” thì tình trạng tàn phá rừng bần để chiếm đất, đổ đất san nền làm nhà diễn ra ngày càng rầm rộ và phổ biến, nên rừng bần đã bị bức tử.
Rừng bần tỉnh Khánh Hòa là tài nguyên quý của quốc gia. Nó là rừng bần cổ thụ duy nhất Việt Nam. Ngoài các giá trị về sinh học, lịch sử và cảnh quan, thì rừng bần nơi đây còn góp phần chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng và gió bão… Nhưng rừng bần đang bị tàn phá nghiêm trọng.