Theo đó, chiều 19/2, ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị giao ban với các địa phương, triển khai các biện pháp cấp bách, chuyển trạng thái phòng, chống dịch.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc, đến 15h chiều 19/2, địa phương này có 4.410 trường hợp F0 đang điều trị tại các cơ sở điều trị tập trung; 18.410 trường hợp F0 điều trị tại nhà, trong đó 96,5% bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng.
Tại buổi giao ban, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo rõ tình hình phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác điều trị, chăm sóc F0, cách ly F1 tại nhà; tình hình tiêm vắc xin, việc mở rộng các cơ sở điều trị tập trung; những khó khăn trong huy động nguồn nhân lực, mua kit test Covid-19, xử lý rác thải y tế tại các hộ điều trị F0 tại nhà…
Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, có cơ chế hỗ trợ thêm cho lực lượng y tế, cho các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng; hỗ trợ mua kit test Covid-19; có giải pháp huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Tăng kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường để mua kit test cho giáo viên, học sinh. Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc bàn giao F0 về địa phương. Tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ tình nguyện viên, tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng.
Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh, với bước chuyển từ điều trị tập trung sang điều trị F0 tại nhà và bảo đảm tất cả các F0 điều trị tại nhà đều được thăm khám, cấp phát thuốc, hạn chế tối thiểu bệnh nhân nặng và số ca tử vong.
Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện phương châm phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, chuẩn bị tốt hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư y tế và cả tâm lý để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ngành y tế chuẩn hóa các hướng dẫn, các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch đối với từng cấp, từng, ngành; trang bị thêm các thiết bị, có hướng điều trị đối với những bệnh nhân F0 có bệnh nền tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Nâng cao chất lượng điều trị F0 tại các cơ sở y tế tập trung; các trung tâm y tế sớm triển khai việc phân tầng, phân khu điều trị đối với bệnh nhân F0 và bệnh nhân không mắc Covid-19.
Các huyện, thành phố mở rộng, tăng quy mô điều trị F0, dự phòng ít nhất khoảng 30% số giường bệnh để kịp thời tiếp nhận các bệnh nhân F0 có chuyển biến nặng. Có kế hoạch bổ sung nhân lực cho ngành y tế, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin; tăng cường tập huấn đối với các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch.
Công an tỉnh rà soát thống kê, điều tra tìm rõ các nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng cao trong cộng đồng thời gian gần đây; thống kê việc bàn giao F0 giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện bàn giao, làm lây lan dịch bệnh rộng ra cộng đồng.
Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh tính toán cơ chế hỗ trợ cho bệnh nhân F0, các trường hợp F1 điều trị, cách ly y tế tại nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đồng ý chủ trương cho sáp nhập trạm y tế lưu động vào trạm y tế các xã, phường, thị trấn; sáp nhập các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng với tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và thay đổi chức năng, nhiệm vụ từ điều tra truy vết sang điều trị, chăm sóc F0 tại nhà.
Đồng ý chủ trương cho tất cả các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, trường học thực hiện xã hội hóa mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch, kit test Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải y tế tại các hộ có F0 điều trị tại nhà.