Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

(GD&TĐ)-Ngày hôm nay (14/9), nước đã bắt đầu rút nhưng hậu quả của việc ngập úng, sạt lở tại các địa phương vẫn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân. Tại nhiều nơi, người dân cần được di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn do hiện tượng sạt lở gây ra và khẩn trương thu hoạch gọn lúa hè thu chạy mưa lũ

Khẩn trương sửa chữa những đoạn đường bị sạt lở đảm bảo giao thông cho người dân
Khẩn trương sửa chữa những đoạn đường bị sạt lở đảm bảo giao thông cho người dân

Tại Nghệ An: Hiện tại khu vực khe Chóng, bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An), mưa lớn kéo dài liên tục đã làm núi xung quanh khu dân cư này bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá ập vào nhà dân làm nứt tường nhà và nguy hiểm  đến tính mạng của người dân.

Tính đến 15h chiều 13/9, đã có 8 hộ đi lánh nạn, 24 hộ khác đang ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đang được chính quyền địa phương vận động tạm thời di chuyển sang nơi khác.
 
Huyện đang chỉ đạo lãnh đạo xã Yên Na tìm gấp một khu đất khác để bố trí toàn bộ 120 hộ dân tại khu vực khe Chóng chuyển về đó. Bởi, hiện nay, núi ở khu vực khe Chóng đang bị đứt gãy nghiêm trọng, có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.
 
Trong một diễn biến khác, taluy dương tại khu vực đường chỉ cách nhà máy thủy điện bản Vẽ chừng 10 mét cũng đang bị đứt gãy và sạt lở, đe dọa trực tiếp đến nhà máy thủy điện này.

Mưa kéo dài cũng gây sạt lở làm ách tắc các tuyến đường liên huyện tại Tương Dương. Trong đó, tuyến đường nối xã Yên Na – xã Yên Tĩnh bị sạt lở ta – luy dương tại 23 điểm, có 7 điểm bị sạt lở nặng ô tô không qua được. Đến chiều 13/9, huyện đã cho máy xúc tạm thời gạt đất tràn xuống cho người dân đi lại bằng xe máy.
 
Tuyến đường bản Vẽ đi Yên Hòa cũng bị sạt taluy dương nhiều đoạn, nặng nhất là đoạn qua bản Hào. Tuyến đường 48C đi qua địa phận huyện Tương Dương cũng bị chia cắt nhiều đoạn, nặng nhất là tại bản Xốp Khấu, xã Yên Thắng và  bản Văng Môn, xã Yên Hòa. Hiện tại, các lực lượng chức năng huyện Tương Dương đang nỗ lực khắc phục nhằm thông đường trong thời gian sớm nhất.

Tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra vận hành tràn xả lũ của hồ Kẻ Gỗ và tiến độ thi công dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Bộc Nguyên. Hiện nay, phần thân đập và đổ bê tông lát mái thượng lưu đã hoàn thành, cống đập phụ 2 nhằm điều tiết nước từ hồ Bộc Nguyên sang hồ Kẻ Gỗ đang được thi công đảm bảo đúng tiến độ.

Tiếp đó, đoàn đến kiểm tra tiến độ công trình tràn sự cố sông Rác và tuyến đê Cẩm Trung. Công trình tràn sự cố sông Rác có tổng mức đầu tư 78 tỷ đồng đã hoàn thành được 85%, trong đó tràn xã lũ đạt 80%; hoàn chỉnh gia cố mái thượng lưu và hoàn thành tuyến đường cứu hộ, nhà quản lý…

Tuy nhiên, tình hình mưa bão đang cận kề, tỉnh đang dồn sức quyết liệt cho công tác phòng chống bão lụt, đặc biệt quan tâm đến các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Vì vậy, các nhà thầu cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công trình vượt lũ để đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ năm nay. Các địa phương cần triển khai tốt phương án "4 tại chỗ" và khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và triển khai vụ đông theo kế hoạch.

Mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp đã làm ngập úng một vài nơi, gây ngập nước hàng trăm ha lúa và hoa màu chuẩn bị thu hoạch bị ngập. Tại Đức Thọ, mưa đã làm ngập 100 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch. Đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch gọn 830 ha lúa hè thu, chiếm 20% tổng diện tích toàn huyện. Năng suất bình quân đạt trên 50 tạ/ha, trong đó ở vùng ngoài đê và các giống lúa ngắn ngày đã cơ bản hoàn thành thu hoạch, cho năng suất xấp xỉ 60 tạ/ha.

Trận mưa vừa qua chỉ gây ngập một số vùng cục bộ, lượng nước trong chân ruộng chưa gây ảnh hưởng đến năng suất cây lúa. Nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lớn, một số diện tích lúa hè thu ở các xã vùng trũng của huyện Thạch Hà như Thạch Đài, Thạch Tân… cũng bị ngập cục bộ. Trong khi đó, hàng chục ha lúa ở vùng biển ngang đã được đưa về nhà an toàn cách đây mấy ngày.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mực nước các sông chưa đến báo động I cùng với cường độ mưa không quá lớn nên các chân ruộng trũng bị ngập nước có khả năng sẽ sớm rút nước và không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Nguyễn Sơn (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.