Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6

(GD&TĐ) - Các địa phương đang khẩn trương thống kê thiệt hại và triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Hiện thiệt hại về vật chất vẫn đang được các địa phương tiếp tục thống kê, song hành với việc đề phòng lũ lụt do mưa lớn sau bão.

Đã có thiệt hại về người

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng -Thủy văn Trung ương, từ chiều tối 7/8, bão số 6 đã gây ra gió giật từ cấp 8 đến cấp 10 ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), khu vực Văn Lý (Nam Định), Hòn Ngư (Nghệ An), Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ở các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 40 đến 60mm. Một số nơi ở Hà Tĩnh có mưa lớn hơn từ 188 đến 205mm... Sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, bão số 6 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo Thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, sau khi đi sâu vào khu vực vùng núi Thanh Hóa, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 4 giờ ngày 8/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Đến cuối ngày, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Thống kê ban đầu của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết, tính đến 7giờ 30 ngày 8/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 đã làm 1 người chết tại Hải Phòng là em Phạm Thanh Sơn (sinh năm 1997), khi đi chơi sát mép kè ven biển Đồ Sơn bị sóng cuốn trôi vào lúc 16h30 ngày 7/8, hiện đã tìm thấy thi thể; 3 người của thuyền cá HT 00075 (Hà Tĩnh) bị mất tích. Bão số 6 còn làm hỏng 4 phương tiện của Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng.

Người dân thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá) dọn dẹp cây gãy đổ sau bão sáng 8/8 Ảnh: M.Thu
Người dân thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá) dọn dẹp cây gãy đổ sau bão sáng 8/8 Ảnh: M.Thu
 

Thanh Hóa thiệt hại nặng nề

Thông báo phát đi trưa 8/8 của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước khi bão đổ bộ, từ chiều 7/8 trời đã chuyển mưa lớn kèm gió mạnh. Nhiều địa phương bị mất điện như khu vực thành phố Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc… Đến trưa 8/8, một số nơi vẫn chưa có điện trở lại, trong đó có thị xã du lịch Sầm Sơn. 

Do gió to sóng lớn, chiều tối ngày 7/8, một sà lan đang thi công nạo vét các công trình biển tại Nhà máy Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khu Kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) đã bị đứt dây neo và trôi dạt vào vùng biển Nghệ An, trên sà lan có 3 thủy thủ. Công tác cứu hộ được triển khai khẩn trương, nhưng phải đến sáng sớm ngày 8/8, thủy thủ đoàn của chiếc sà lan bị trôi dạt mới được đưa lên bờ an toàn.

Nằm trong khu vực đổ bộ trực tiếp của bão, các huyện ven biển Thanh Hoá chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhưng may mắn không xảy ra mất mát liên quan đến con người. Thời điểm bão càn quét mạnh nhất là khoảng gần nửa đêm ngày 7/8, tại bờ biển các địa phương ven biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Tĩnh Gia có gió giật tới cấp 11, sóng biển dữ dội liên tục táp vào bờ. Nhiều cây cối, lều quán ven bờ và các tấm biển quảng cáo bị gãy, đổ. Tuy nhiên, sau khi vào đất liền, bão dịu đi nhanh chóng, các địa phương không phải ban bố lệnh di dân như kế hoạch trước đó. 

Dù chưa có thống kê cuối cùng, nhưng dự báo cho thấy những người dân nuôi trồng thủy sản các địa phương ven biển này sẽ thiệt hại rất nặng nề, nhất là đối với hàng ngàn ha diện tích nuôi ngao của bà con các xã Minh Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc... thuộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá).

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.