Khăn Piêu trong đời sống đồng bào Thái

GD&TĐ -Với đồng bào Thái đen Tây Bắc nói chung, người Thái đen tỉnh Điện Biên nói riêng, khăn Piêu có ý nghĩa về mặt tâm linh.

Khăn Piêu được phụ nữ Thái đội trong Lễ hội Đền Hoàng Công Chất.
Khăn Piêu được phụ nữ Thái đội trong Lễ hội Đền Hoàng Công Chất.

Khăn Piêu không chỉ được người phụ nữ Thái dùng để che nắng, che mưa mà còn là vật không thể thiếu trong các nghi thức tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Khăn còn là thước đo độ cần mẫn, chăm chỉ của mỗi người con gái bản địa...

Đậm nét văn hóa

Với đồng bào Thái đen Tây Bắc nói chung, người Thái đen tỉnh Điện Biên nói riêng, khăn Piêu có ý nghĩa về mặt tâm linh. Nó được ví như một tín vật trong tình yêu, một phần của trang phục làm nên vẻ đẹp riêng có của người phụ nữ.

Chiếc khăn cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá người phụ nữ. Vì thế, phụ nữ Thái đen trước kia ai cũng phải biết thêu và làm khăn Piêu.

Theo phát âm tiếng Thái, khăn Piêu được đọc là “Piều”. Có nhiều loại khăn Piêu khác nhau. Có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ, song một số chỉ là những tấm vải bông nhuộm chàm. Tùy từng vùng, địa phương mà Piêu có những sắc thái riêng.

Bà Quàng Thị Thâng (62 tuổi) ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cho biết: “Khăn Piêu là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và văn hóa tâm linh của người Thái. Chính vì vậy, trước đây mỗi người phụ nữ Thái thường có một bộ sưu tập các loại khăn Piêu do tự tay mình thêu”.

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, phụ nữ Thái thường hay “pốc Piều” (đội khăn Piêu). Piêu có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh. Được ví như vật trang sức quan trọng, cùng với váy, áo cóm, thắt lưng, chiếc khăn là phần không thể thiếu trong bộ trang phục của người phụ nữ.

Khăn Piêu được coi như món quà, một tín vật hay là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của người con gái Thái. Mỗi dịp lễ hội, các chàng trai thường tìm cách tỏ tình với những cô gái thông qua việc cướp khăn Piêu. Nếu đồng ý làm bạn, cô gái sẽ để cho chàng trai cướp khăn Piêu của mình. Ngoài ra, nếu thích ai, cô gái sẽ tìm lý do để “quên”, cố tình đánh rơi hay tung khăn Piêu về phía người đó.

Theo chia sẻ của bà Cà Thị Ính (88 tuổi, trú tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), khăn Piêu có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái.

“Khăn được dùng để đặt trong các lễ như: Tạ ơn, Xên bản, xên mường (cúng bản cúng mường)… Ngoài ra, khăn Piêu còn được sử dụng trong việc tang lễ với vai trò như đưa đường, chỉ lối cho linh hồn của người chết được siêu thoát”, bà Ính nói.

Khăn Piêu còn là món quà không thể thiếu để tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu. Chính vì thế, họ phải tự tay làm khăn, chuẩn bị cho mình một “bộ sưu tập” trước khi đi lấy chồng.

Hoa văn trang trí ở khăn Piêu người Thái đen Điện Biên.

Hoa văn trang trí ở khăn Piêu người Thái đen Điện Biên.

Đẹp từng đường “siếu”

Với màu sắc sặc sỡ và những đường nét tinh xảo, khăn Piêu tôn lên vẻ đẹp trên khuôn mặt của người phụ nữ. Bởi vậy, khăn Piêu còn là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá một phụ nữ. Qua chiếc khăn, có thể biết được chủ nhân của nó là người tài hoa, siêng năng, chịu khó, khéo tay hay là người lười nhác, vụng dại.

Trước đây, những cô gái Thái ở vào độ tuổi 15, 16 thì ai cũng thạo việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Bởi ngay từ nhỏ, họ đã được bà hoặc mẹ hướng dẫn “siếu Piều” (thêu khăn). Rồi khi lớn lên, họ trở thành những thiếu nữ tài hoa với đôi bàn tay khéo léo cùng tư duy sáng tạo.

Những chiếc khăn Piêu với đường nét hoa văn độc đáo, thể hiện được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của họ trong đó. Từng đường kim, mũi chỉ và cách pha màu sao cho hài hòa để thêu được chiếc khăn như ý được truyền thụ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Người Thái có câu: “Khuẩm mứ pền lái – hài mứ pền bók” (Úp bàn tay thành nụ - Ngửa bàn tay thành bông). Để hoàn thành một chiếc khăn Piêu, các cô gái Thái phải mất ba tháng dệt vải, thêu thùa, tự tìm kiếm cho mình những màu sắc, đường “siếu” thích hợp nhất.

Khăn Piêu của người Thái không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của khăn mà được tập trung ở hai đầu. Trước khi thêu trang trí, họ thường ghép mảnh vải đỏ làm viền. Các viền đỏ bọc cho sợi vải ở các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa giới hạn diện tích trang trí ở đầu khăn.

Khi thêu những hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, người phụ nữ nhìn theo mẫu song không rập khuôn, máy móc. Trong quá trình thêu, họ có thể sáng tạo theo ý muốn chủ quan. Có nhiều kiểu thêu: Móc xích, chân rết, xương cá...

Hoa văn khăn Piêu không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống bố cục nội dung phức tạp. Để thêu được, đòi hỏi người phụ nữ phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật và tư duy sáng tạo những nét hoa văn với hai mặt phải, trái của nó.

Cách thêu khăn Piêu được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Cách thêu khăn Piêu được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Điều đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu Piêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn và màu sắc phức tạp sẽ hiện lên ở phía mặt phải. Bằng lối thêu luồn rất khéo léo, hạn chế tới mức tối đa đường chỉ lộ ra ngoài để cho đường viền màu đỏ và nền chàm của khăn liền làm một.

Bên cạnh hoa văn trang trí, điểm nổi bật ở khăn Piêu chính là các cút Piêu. Cút được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1 cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi quấn dây vải lại theo hình ốc.

Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu Piêu. Những loại chỉ màu được sử dụng vừa mang chức năng kỹ thuật, lại có giá trị thẩm mỹ. Nhìn vào chiếc cút được dính vào đầu Piêu, rất khó nhận ra được đường chỉ khâu ghép với nhau. Cút Piêu thường được sắp xếp thành từng chùm lẻ (3, 5, 7 cái) trên các vị trí cách đều nhau ở hai đầu khăn. Bởi vậy, ở trên Piêu bao giờ cũng là cút chùm.

Cũng như nhiều vật dụng khác (cúc áo, chắn song cửa sổ, bậc thang nhà sàn...), cút Piêu được thiết kế theo quan niệm số lẻ. Bình thường phụ nữ Thái đội khăn Piêu có cút chùm ba. Nhưng khi tặng Piêu cho người bề trên, người mình quý trọng thì tặng loại Piêu có cút chùm năm trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ