Khám phá tranh làng Sình xứ Huế tuổi đời hơn 400 năm

GD&TĐ - Tranh làng Sình là nét văn hóa độc đáo của vùng đất Cố Đô, gắn liền với yếu tố tâm linh với bề dày lịch sử hơn 400 năm.

Không gian trưng bày tranh làng Sình (ảnh: Hoàng Hải).
Không gian trưng bày tranh làng Sình (ảnh: Hoàng Hải).

Tranh làng Sình là một dòng tranh dân gian Việt Nam thuộc thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế (cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía Đông). Theo người dân trong làng, từ đời xưa cha ông truyền lại rằng, tranh làng Sình đã hình thành cách đây khoảng hơn 400 năm về trước.

Tranh làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) bởi chức năng là phục vụ thờ cúng, hóa trong các lễ cầu an, giải hạn, nhất là những ngày Tết hay những dịp lễ lớn trong năm, sau khi cúng xong thì sẽ đốt đi những bức tranh này.

Theo ông Kỳ Hữu Phước - nghệ nhân nổi tiếng làm tranh lâu năm ở làng Sình cho biết, hiện nay tranh làng Sình có khoảng 70 hộ dân theo nghề. Ngày nay, với nhu cầu sử dụng, tranh đã có thêm nhiều nội dung khác ngoài thờ cúng và chỉ có một mình ông ngoài làm tranh thờ cúng thì còn có thêm tranh để trang trí.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước với 67 năm trong nghề làm tranh làng Sình đang tô màu cho bức tranh.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước với 67 năm trong nghề làm tranh làng Sình đang tô màu cho bức tranh.

Tranh Sình có nhiều loại kích thước tùy thuộc vào khổ giấy dó. Tranh khổ lớn khi in thì đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng một chiếc phết là một mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in. Sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra.

Bản khắc của tranh được làm từ cây mứt (cây dùng để làm trụ trồng tiêu hoặc làm trụ trồng cây trầu không).

Bản khắc gỗ 12 con Giáp dùng để in tranh.

Bản khắc gỗ 12 con Giáp dùng để in tranh.

Với tranh khổ nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên. Bản in đen phải chờ cho khô rồi tỉ mỉ dùng các loại màu tô lên tranh. Nét độc đáo ở tranh làng Sình là màu sắc, mỗi bức mang một nét riêng.

Treo bảng tranh làng Sình trước cổng để du khách vào tham quan.

Treo bảng tranh làng Sình trước cổng để du khách vào tham quan.

Ông Phước cho biết thêm, nguyên liệu để làm ra tranh trước kia là nguyên liệu thủ công như giấy in tranh là giấy mộc quét điệp, màu sắc được tạo từ tự nhiên: thực vật, kim loại hay sò điệp... Màu thường được sử dụng trong tranh như màu đỏ (từ nước lá bàng); màu đen (từ tro rơm, tro lá cây); màu tím (của hạt cây mồng tơi)... Tuy nhiên, thời nay nguyên liệu thủ công đã được thay thế bằng nguyên liệu công nghiệp.

Tranh trang trí tái hiện lại các lễ hội dân gian như lễ hội đấu vật, hội bài chòi,…

Tranh trang trí tái hiện lại các lễ hội dân gian như lễ hội đấu vật, hội bài chòi,…

Giá mỗi bức tranh dao động từ khoảng 10.000 đồng đến 30.000 đồng. Trong tác phẩm “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An có viết 2 câu thơ: “Xóm Lại Ân canh gà xào xạc - Giục khách thương mua một bán mười”, ý nói tranh làng Sình được nhiều người ưa chuộng, bán chạy rất nhiều, khách tới đặt hàng rất đông từ sáng sớm gà gáy.

Hiện nay, tranh còn đưa sang nước ngoài để bán khi có người liên hệ đặt tranh hoặc có các Tour du lịch ghé thăm trải nghiệm.

“Để có một bức tranh hoàn chỉnh, phải trải qua 7 công đoạn là xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu và cuối cùng là điểm nhãn. Tùy vào mỗi bức tranh mà hoàn thành lâu hay nhanh, nếu một bức tranh có 5 màu thì phải có thêm 5 công đoạn nhỏ tô màu vì vậy sẽ lâu hơn so với những bức tranh ít màu. Làm công việc này không chỉ đòi hỏi về kỹ năng mà còn đòi hỏi về sự kiên nhẫn, tập trung, nếu vừa làm vừa nói chuyện thì rất khó để hoàn thiện” – ông Phước thông tin thêm.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang tập trung, tỉ mỉ tô màu từng chi tiết cho các bức tranh.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang tập trung, tỉ mỉ tô màu từng chi tiết cho các bức tranh.

Các chủ đề tranh chủ yếu lấy trong cuộc sống sinh hoạt, lễ hội, lao động của dân gian rất đa dạng để phục vụ tín ngưỡng với khoảng 50 đề tài.

Theo ông Phước, tranh làng Sình được chia làm 3 loại: Tranh hình nhân thế mạng để cầu nguyện cho con người bình an; Tranh đồ vật trong gia đình (tranh vẽ các thứ áo, quần, giày, dép, tiền, cơm, gạo,… để cầu mong cả năm gia đình ấm no) và Tranh súc vật (vẽ các loại vật nuôi trong gia đình như: gà, lợn, trâu bò,... để cầu mong cho những con vật này không bị bệnh tật, phát triển mạnh khỏe).

Một bức tranh làng Sình chưa tô màu. Được biết đây là một trong những bức tranh của Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang hoàn thiện để tạo thành một cuốn lịch năm 2023 sau đó gửi qua Pháp.
Một bức tranh làng Sình chưa tô màu. Được biết đây là một trong những bức tranh của Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang hoàn thiện để tạo thành một cuốn lịch năm 2023 sau đó gửi qua Pháp.
Tranh làng Sình Bát Âm. Bát âm là tám chất liệu âm thanh gọi chung cho tám chủng loại nhạc cụ khác nhau. Tại Việt Nam, Bát âm hay thường dùng trong các đám ma, đám rước lễ tại Việt Nam (phân biệt với bát âm của Trung Quốc).
Tranh làng Sình Bát Âm. Bát âm là tám chất liệu âm thanh gọi chung cho tám chủng loại nhạc cụ khác nhau. Tại Việt Nam, Bát âm hay thường dùng trong các đám ma, đám rước lễ tại Việt Nam (phân biệt với bát âm của Trung Quốc).

Hiện nay, ở làng Sình còn ít người giữ được ngành nghề truyền thống này, chỉ có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước vẫn tiếp tục gìn giữ gìn nét văn hóa làm tranh dân gian này với 67 năm làm nghề.

Bên cạnh đó, ông cũng đã nghĩ ra cách làm ống tre rồi cuộn tranh vào bên trong, giúp giữ tranh được lâu và cũng làm sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn, du khách dễ dàng di chuyển.

Với sự yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, sản phẩm của Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước luôn được đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé tham quan và được trưng bày tại Festival làng nghề truyền thống Huế hằng năm.

Ống tre để đựng tranh, thuận tiện cho việc đựng tranh và hấp dẫn khách du lịch.

Ống tre để đựng tranh, thuận tiện cho việc đựng tranh và hấp dẫn khách du lịch.

Hàng loạt bằng khen, chứng nhận vinh danh của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (ảnh: Hoàng Hải).
Hàng loạt bằng khen, chứng nhận vinh danh của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (ảnh: Hoàng Hải).

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trai – Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, TP Huế cho biết, phát triển làng nghề truyền thống là một trong những chủ trương xuyên suốt của các cấp chính quyền, thời gian qua tranh làng Sình đã được công nhận là làng nghề truyền thống và nghề truyền thống.

Hiện nay, Sở Du lịch tỉnh đã kết nối được tuyến du lịch bằng thuyền về bến tại làng Sình để du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó cũng có kết nối một số Tour với các trường học trên địa bàn tỉnh trong chương trình Kỹ năng sống để nghiên cứu và phát triển tranh dân gian làng Sình.

Ngoài ra, tại địa phương cũng thường xuyên quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các cơ sở tranh dân gian làng Sình tham gia các hội chợ, lễ hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm và phát sóng trên các kênh truyền hình của tỉnh.

“Hiện nay, Phòng Kinh tế của TP Huế kết hợp với UBND xã đang hướng dẫn nghệ nhân Kỳ Hữu Phước lập hồ sơ để đề nghị công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (mỗi xã một sản phẩm)” – ông Trai cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.