Theo đó, qua thống kê ước có khoảng 85.000 lượt khách đến tham quan các điểm di tích và du lịch, văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh (tăng 46% so với năm 2022).
Tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước đạt 50.800 lượt khách (tăng 150% so với năm 2022), trong đó khách quốc tế ước 21.600 lượt (tăng đột biến 3.500% so với năm 2022) và khách nội địa; công suất phòng ước đạt 52%; doanh thu lưu trú ước đạt khoảng 106 tỷ đồng.
Riêng ở khu di sản Huế số lượng khách 3 ngày gồm 30 Tết, mùng 1 và mùng 2 Tết ước khoảng hơn 30.000 lượt khách, trong đó gần 7.000 khách quốc tế.
Nhằm tạo không khí vui tươi đón Tết và thu hút du khách tham gia vào các hoạt động truyền thống của địa phương, nhiều hoạt động mừng Xuân Quý Mão được các địa phương tổ chức như Hội hoa Xuân; chương trình Tết Việt; chương trình nghệ thuật đón giao thừa và các hoạt động văn hóa, giải trí vui Xuân tại các địa điểm trên địa bàn thành phố Huế.
Du khách xem múa Lân Sư Rồng tại sân trước Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế ngày mùng 1 Tết Quý Mão 2023 (Ảnh: Đình Hoàng). |
Tại một số công viên hai bờ sông Hương, tuyến đường đi bộ Hoàng Thành, các điểm tham quan thuộc quần thể di tích cố đô Huế (đặc biệt là tại khu vực Ngọ Môn và bên trong Đại nội Huế), một số điểm vui Xuân của các địa phương khác (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, A Lưới) đã dựng nhiều tiểu cảnh chủ đề của năm Quý Mão 2023 và trang trí cây cảnh.
Các điểm tham quan di tích thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được mở cửa miễn vé đón nhân dân địa phương và du khách người Việt Nam tham quan di tích trong 3 ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán. Một số hoạt động tái hiện nghi thức cung đình và các chương trình vui Tết phục vụ du khách như Lễ đổi gác, Lễ Dựng Nêu, biểu diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc, Ca Huế, các trò chơi cung đình, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật...được tổ chức tại khu vực trước Ngọ Môn và bên trong Đại Nội.
Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức ở các địa phương: Hội Đu tiên (ngày mùng 4 Tết), Hội Vật làng Thủ Lễ (mùng 6 Tết) ở huyện Quảng Điền; Lễ hội Đền Huyền Trân với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân” (2 ngày mùng 8 và mùng 9 Tết); Hội vật truyền thống làng Sình và Lễ hội cầu ngư Thuận An (mùng 10 tháng Giêng) ở thành phố Huế; giải đua trãi trên sông Vực ở thị xã Hương Thủy (mùng 9 Tết); Chợ quê ngày Tết, Chương trình hát Bài chòi ở huyện Phú Lộc); Lễ hội đu tiên Gia Viên (ngày mồng 4 Tết); giải đua ghe xã Phong Bình (mồng 6 Tết); giải đua ghe xã Phong Hòa (mồng 8 Tết) ở huyện Phong Điền...
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã vận động và hướng dẫn một số khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng cao sao và cơ sở kinh doanh dịch vụ cùng các đơn vị lữ hành linh hoạt tổ chức các chương trình đón khách khi đến khách sạn ở Huế theo phong cách văn truyền thống dịp Xuân mới, giới thiệu và mời khách trải nghiệm một số món ẩm thực Huế dịp Tết truyền thống.
Thanh tra du lịch và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch bên cạnh đó phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát địa bàn, trực đường dây hỗ trợ du khách 24/24 nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chất lượng, giá cả và các hành vi vi phạm pháp luật.
Du khách thích thú vui xuân tại Đại Nội Huế sáng đầu năm. |
Niềm vui du xuân đầu năm mới. |
Khách quốc tế lưu lại những tấm hình đẹp. |
Các cháu bé nước ngoài thích thú trước cảnh vật chốn cung đình xưa tại Hoàng Thành Huế. |
Ông Đồ cho chữ đầu năm. |
Trò chơi Bài Vụ xưa (giống như trò Bầu Cua ngày nay) được các cháu nhỏ tham gia chơi sôi nổi. |
Đổ thẻ Xăm Hường lấy may mắn về việc học tập, đỗ đạt cao. |
Trò Đầu Hồ - ném các thanh tre vào trong một bình gỗ có miệng nhỏ. |
Các bạn trẻ du xuân và tham quan di tích Huế. |
Biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế. |
Rất đông du khách đến chơi Huế dịp Tết Quý Mão. (Ảnh: Đình Hoàng). |