Cùng chất liệu đồng đúc, chuông chùa Rối và súng Thần công là hai bảo vật không chỉ đại diện cho 2 thời kỳ khác biệt, mà còn thể hiện các kỹ thuật chế tác kim khí đặc trưng của mỗi triều đại.
Chuông chùa Rối có niên đại nửa cuối thế kỷ 14, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Súng Thần công thời Lê Trung hưng có niên đại thế kỷ 17, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Đây là 2 trong số 27 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).
Chuông chùa đặt nơi phên dậu
Kỹ thuật đúc chuông thời Trần đạt tới mức tinh xảo. |
Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, chuông chùa Rối được phát hiện năm 1989 trên khu đất phế tích của chùa tại xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên). Các nhà nghiên cứu khẳng định là bảo vật quan trọng gắn liền với vua Trần Duệ Tông (1337 - 1377) là vị vua thứ 9 của triều đại nhà Trần.
Chuông gồm 2 phần chính là quai và thân với tổng chiều cao 115cm, đường kính miệng 65cm. Quai được tạo theo hình dáng một con rồng trong tư thế khom lưng, mỗi chân 4 móng quắp lấy đỉnh chuông.
Rồng được tạo tác công phu, toàn thân tạo vảy, giữa mỗi vảy có chấm tròn, bố trí xen kẽ giống vảy cá chép, lưng có bờm cao thấp khác nhau. Đuôi rồng cụt, đầu rồng nhỏ có bờm li ti. Đường nét thân rồng khum thành vòng cung đều đặn chắc khỏe, có thể chịu được trọng lượng của chuông.
Chuông hình khối trụ tròn, miệng to và nhỏ khum thon dần về phía đỉnh. Thân chuông chia thành hai phần, giới hạn bởi năm đường gờ nổi. Phần trên cao 57cm chia thành bốn hình thang. Phần dưới cao 35cm, chia thành bốn ô hình chữ nhật. Trên đỉnh là ba đường gân chạy bao quanh với khoảng cách đều nhau tạo thành những đường tròn đồng tâm.
Chuông có 6 núm thỉnh chuông, kích thước 10cm, hình tròn hoa sen với 13 cánh lớn và 13 cánh nhỏ xen kẽ nhau. Ở phần miệng chuông được trang trí cầu kỳ với 86 cánh hoa sen lật úp, viền cánh sen có hai đường gờ nổi, trong số đó có 43 cánh to, 43 cánh nhỏ bao quanh vành miệng.
Trên chuông chùa Rối có khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán của Phạm Sư Mạnh. 33 chữ Hán được khắc phần lớn thể hành thư, một số chữ ở thể thảo thư như chữ 海 (Hải) ở dòng đầu, chữ 安 (An) ở dòng cuối.
Theo Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, bài thơ có nghĩa như sau: “Nhìn theo núi Hoành Sơn, phía Nam là một vùng biển lớn/ Sóng kình dữ dội tung bọt trắng/ Trùng trùng vạn dặm đường Nam chinh/ Xa giá đến châu Bố Chánh giúp chính sự được yên”.
Là chuông chùa nhưng lại gắn ý nghĩa chính trị trong cuộc Nam chinh của nhà Trần. Theo lý giải của giới nghiên cứu, vua Trần Duệ Tông có hai người vợ gắn với vùng đất Hà Tĩnh là Trần Thị Ngọc Hào và Nguyễn Thị Bích Châu.
Bà Hào được phong làm Hoàng hậu Bạch Ngọc. Khi nhà Trần sụp đổ, bà cùng với đoàn tùy tùng hơn 572 người bỏ trốn khỏi Thăng Long tìm về bản quán, mai danh ẩn tích khai hoang lập ấp cả một vùng thượng Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê ngày nay.
Bà Nguyễn Thị Bích Châu được phong Tả cung quý phi. Khi nhà vua thân chinh đánh Chiêm Thành, bà can ngăn nhưng vua không nghe. Sau bà xin đi theo hộ giá và qua đời khi dâng mình làm vật hiến tế cho thần biển ở vùng cửa bể Kỳ Hoa.
Việc chuông chùa Rối mang ý nghĩa chính trị được lý giải rằng, thời Trần phát triển Phật giáo đến mức cực thịnh. Nếu chuông chùa Bình Lâm ở Vị Xuyên (Hà Giang) thể hiện Phật giáo ở địa đầu phía Bắc Đại Việt, góp phần khẳng định chủ quyền thì chuông chùa Rối hiện diện ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) - vùng phên dậu phía Nam Đại Việt cũng thể hiện mục đích ấy.
Một trong bốn khẩu súng lớn
Nếu như chuông chùa Rối đại diện cho kỹ thuật đúc đồng thời Trần, mang ý nghĩa Phật giáo lan tỏa đến nơi đặt chuông cũng như đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, thì súng Thần công ở Hoàng thành Thăng Long lại đại diện cho kỹ thuật chế tác vũ khí thời Lê và sức mạnh triều đại. Từ chuông chùa thời Trần đến súng Thần công thời Lê là cả một quá trình dài phản ánh kỹ nghệ đúc đồng tinh xảo của Đại Việt.
Cùng chất liệu và kỹ thuật đồng đúc, bảo vật quốc gia súng Thần công thời Lê Trung hưng - mã hiện vật A9-2782 được phát hiện năm 2003 trong các hố khai quật có địa tầng ổn định tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội).
Theo hồ sơ bảo vật, súng có hình trụ tròn dài 120cm, gồm 4 phần: Miệng, thân, bầu và chuôi. Miệng súng hình trụ tròn đều, mép miệng không loe, toàn bộ phạm vi của miệng to hơn so với phần thân.
Thân súng hình trụ tròn dài 51cm, đường kính không đều mà lớn dần về phía bầu súng. Kích thước phần thân thót lại so với phần miệng và phần bầu, trên thân có 5 đai tròn cách đều nhau 8cm.
Bầu súng hình trụ tròn dài 23cm, ống tròn đều ở hai đầu hơi phình ở giữa, đường kính 17 - 18cm, trên thân khắc 5 chữ Hán “Tứ đại súng nhất hiệu” - tức 4 khẩu súng lớn, và đây là khẩu số một. Năm chữ này được xếp thành hai hàng, viết dọc theo chiều từ miệng súng xuống dưới chuôi. Nét chữ khắc và rõ nét chứng tỏ kỹ thuật khắc nguội sau khi đúc.
Dưới hai hàng chữ Hán, phần tiếp giáp giữa phần thân và chuôi súng có 1 lỗ tròn, đường kính 0,45cm - là lỗ điểm hỏa. Phần chuôi súng dài 31cm, chia làm hai phần, phần tiếp giáp với bầu thót nhỏ lại, phần cuối phình to ngang với phần bầu.
Hồ sơ cũng khẳng định súng Thần công Hoàng thành Thăng Long là hiện vật gốc, độc bản. Về mặt loại hình, hình dáng, kích thước và trọng lượng chưa có hiện vật nào thời Lê có thể so sánh với bảo vật này.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, súng Thần công Hoàng thành Thăng Long thể hiện giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu và minh chứng cho trình độ phát triển súng thần công Việt Nam thế kỷ 17. Các loại súng lớn thường gọi là súng thần công với ý nghĩa thần linh, thể hiện uy quyền và sức mạnh của triều đại.