Mai một giá trị của sách
Dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua đã làm hoạt động đọc sách tại các nhà trường bị “ngưng đọng” thậm chí “đóng băng”. Tình trạng học sinh “bỏ đọc” sách hoặc chỉ đọc sách giáo khoa vào những đơn vị kiến thức giáo viên sẽ kiểm tra, sẽ thi đang trở nên phổ biến. Nếu tính trung bình mỗi môn học hiện nay học sinh phải đọc, xem kĩ từ 3- 5 quyển thì tổng cộng số đầu sách cần đọc của các em cũng chỉ trên dưới 50 quyển. Đây không phải là lượng sách quá nhiều hay là đòi hỏi quá cao cho học sinh nhưng thực trạng chung là các em đọc qua loa, đại khái, đọc mà không tập trung suy nghĩ, không khai thác hết hiệu quả của sách giáo khoa.
Cách đọc theo lối “đọc xổi”, “đọc mì ăn liền” đang làm mai một đi giá trị lớn lao của sách. Sách phổ thông đã thế thì làm sao sách tham khảo, sách chuyên sâu có thể tìm được chỗ đứng trong nhu cầu và thị hiếu đọc của đa số học sinh?
Sách mất dần tính hấp dẫn?
Một vấn đề khác hiện nay là số lượng đầu sách được in ấn xuất bản quá nhiều khiến người đọc nhất là các em học sinh dễ bị lạc hướng. Bất cứ lĩnh vực học vấn nào cũng có sách vở chất cao như thư viện. Sách tham khảo nhiều vô kể. Phụ huynh và học sinh nhất là lớp cuối cấp học bị vây bủa trong “ma trận” sách với nhiều tên gọi thu hút: Tuyệt đỉnh, tuyệt chiêu chinh phục, bí kíp công phá… Nhiều bạn đọc nhiều, đọc tham, “liếc qua” thì nhiều “đọng lại” thì rất ít. Đọc nhiều mà không thực chất, chọn không tinh, đọc không kĩ, bỏ lỡ nhiều cuốn sách quan trọng, cơ bản, sách hay, sách quí. Thực trạng trên gây lãng phí nhiều thời gian, tiêu hao tiền bạc, công sức thậm chí khiến người đọc mất niềm tin, sự say mê với sách.
Sách và sách văn học đang có nguy cơ mất đi vị trí và ảnh hưởng. Các thầy cô bày tỏ lo ngại khi văn hóa đọc sách mất dần đi tính hấp dẫn. Một khảo sát về sách tiến hành trong trường học cho thấy: Thời gian dành cho đọc sách giảm xuống dưới 30 phút/ngày. Số lượng đầu sách văn học chưa đến 1 quyển/năm. Các em chỉ đọc các đoạn trích tác phẩm trong SGK thay vì tìm đọc đầy đủ. Các em ít còn thói quen tới thư viện, thói quen dành tiền mua sách. Thay vào đó, các em bị lệ thuộc nhiều hơn vào điện thoại, các loại hình giải trí khác.
Nhu cầu đọc sách để khám phá tri thức bị lấn lướt bởi nhu cầu giải trí nghe-nhìn. Văn hóa đọc bao gồm cả đọc trên Internet đang bị văn hóa nghe-nhìn lấn sân. Ngay cả trong văn hóa đọc, làm sao tiếp cận với sách tốt sách hay? Đọc theo hình thức nào? Làm sao phát huy, vận dụng giá trị của sách vào cuộc sống cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Thư viện “mở” thu hút học sinh
Trước thực trạng đó, nhiều nhà trường đã quyết tâm triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động thư viện và phong trào đọc sách trên mọi mặt như: Tăng cường số lượng và chất lượng đầu sách trong hệ thống thư viện lớp học, thư viện trường; đổi mới trong hoạt động mượn trả sách bằng thẻ thư viện mã hóa; ra mắt CLB Sách; xây dựng Tủ sách lớp học; vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đọc sách”, tập huấn nghiệp vụ thư viện cho các thủ thư lớp học, giới thiệu “Kỹ năng chọn sách hay, đọc sách quí”, mô hình Thư viện thân thiện,…
Một số chương trình ngoại khóa được tiến hành bài bản và quy mô bước đầu đạt được những thành công nhất định như chương trình Em lớn lên cùng Sách, Những trang sách thắp lửa, Sách quí – Sách hay, Cùng em đọc sách... Những hoạt động này được tiến hành đồng bộ, linh hoạt và sáng tạo góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách của giáo viên và học sinh.
Việc lôi cuốn các em học sinh đến với thư viện và những trang sách đòi hỏi các thầy cô giáo giảng dạy, chủ nhiệm và nhân viên thư viện nỗ lực tìm ra các nhóm giải pháp hiệu quả. Dịch bệnh đã được đẩy lùi, hoạt động của các nhà trường đã từng bước ổn định trong trạng thái bình thường mới. Rất mong mỏi với tiến hành đồng bộ và tập trung vào các hoạt động điểm, công tác thư viện sẽ góp phần nâng cao giá trị của văn hóa đọc. Để sách mãi là người thầy, người bạn đồng hành tin cậy của học sinh.