Lớp học thông minh
Tại tiết học Toán của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội), bằng việc truy cập mã số lớp học, học sinh có thể vào tài khoản cá nhân và học cùng cô giáo thông qua giáo trình kỹ thuật số. Giáo trình bao gồm cả video, âm thanh, hình ảnh với góc nhìn 360 độ.
Chức năng nổi bật của giải pháp là giáo viên có thể biên soạn, phân phát tài liệu số trực tiếp đến lớp học; kiểm tra quá trình học tập của học sinh bất cứ lúc nào và câu trả lời của các em được lưu trên đám mây, dễ dàng soi chiếu kết quả khi hoàn thiện bài kiểm tra.
Trần Thu Trà - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Chu Văn An chia sẻ: Em và các bạn thích học trong phòng học thông minh. Việc được thực hành trực tiếp giúp học sinh hiểu bài sâu hơn, từ đó phát huy tính sáng tạo, năng lực tư duy, cách làm việc nhóm.
Cô Đặng Lan Hương - Trường Tiểu học Chu Văn An cho hay: Các thiết bị thông minh không chỉ giúp giáo viên chuẩn bị bài giảng dễ dàng, phong phú, mà còn tạo hứng thú, cuốn hút học sinh. Tại phòng học thông minh, các em có thể tương tác, tự tìm hiểu thông tin cần có trên Internet.
Từ năm 2023, Trường THCS Nguyễn Trãi (thành phố Sơn La, Sơn La) đã vận hành hệ thống lớp học thông minh được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học như màn hình tương tác, hệ thống âm thanh, điều hòa. Đặc biệt, hệ thống màn hình tương tác tích hợp đầy đủ dữ liệu cần thiết với sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn theo đúng chuẩn của Bộ GD&ĐT, kho học liệu số.
Sở GD&ĐT Hà Nội khánh thành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Ảnh: Vân Anh |
Cô Trần Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau thời gian vận hành, lớp học thông minh thu được hiệu quả tích cực. Các thầy, cô giáo đã vận dụng tối đa tính năng tích hợp để mở rộng kiến thức, giúp học sinh hào hứng với giờ học, tăng kỹ năng tương tác đa chiều, phát huy năng lực. Đặc biệt, thông qua phần mềm, giáo viên có thể giám sát, đánh giá 100% học sinh trong lớp.
Mô hình lớp học thông minh hỗ trợ giáo viên, học sinh trong công tác dạy và học. Đồng thời, giúp nhà trường triển khai hiệu quả các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp, đáp ứng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT.
Dù nằm ở xã miền núi với điều kiện nhiều khó khăn, Trường THPT Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư những thiết bị thông minh trong phòng học như máy chiếu, bảng tương tác, máy tính bảng. Nhờ đó, giờ học trở nên hấp dẫn, sinh động hơn. Học sinh được tiếp cận với nhiều kiến thức.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Bỉnh chia sẻ: Giáo viên đã đưa bài giảng đa phương tiện vào các tiết học. Học sinh hứng thú với những giờ học này vì được tìm hiểu nhiều kiến thức và tương tác nhiều hơn.
Học sinh Trường THPT Minh Quang (Hà Nội) học toán với sự hỗ trợ của bảng tương tác. Ảnh: Vân Anh |
Giáo viên dạy tốt, học trò học hiệu quả
Ông Trần Vũ Nguyên - đại diện Công ty Google Việt Nam cho rằng, giáo dục thông minh là xu hướng tất yếu của thế giới. Đây là mô hình sử dụng công nghệ thông tin để thay đổi giáo dục trong tương lai, với việc mở rộng thời gian, không gian, tài liệu học tập và phương pháp học tập, vượt qua giới hạn của bài giảng trên lớp thông thường.
Thời gian qua, Google giới thiệu tại Việt Nam một số mô hình lớp học thông minh, cung cấp nền tảng không gian số nhằm xây dựng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong nền tảng không gian số an toàn, bảo mật. Theo đó, cơ sở giáo dục sẽ vận hành, khai thác hiệu quả trục kết nối thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành Giáo dục.
Cơ sở giáo dục cũng có điều kiện sử dụng các ứng dụng công nghệ giáo dục, đào tạo năng lực số cho giáo viên, triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến, kết nối nhà trường với phụ huynh, thực hiện các giải pháp lớp học, thư viện thông minh, sổ điểm, học bạ điện tử...
Bên cạnh đó, Google còn ứng dụng và đẩy mạnh hệ thống đào tạo trí tuệ nhân tạo với mục tiêu trao quyền giảng dạy cho giáo viên qua các mô hình như: Teachable machine learning và dạy âm nhạc, hội họa lẫn STEM trên hệ điều hành ChromeOS.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số có vai trò ngày càng quan trọng trong quản trị trường học; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh, đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành đang tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện.
Thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô từng bước chuyển đổi mạnh mẽ công tác quản lý và dạy học có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, công nghệ truyền hình, từng bước ứng dụng STEM trong giáo dục. Giáo dục thông minh được các nhà trường ứng dụng phục vụ cho quá trình dạy học đã mang lại kết quả đáng khích lệ.
Chuyển đổi số trong giáo dục và giáo dục thông minh phải hướng đến đổi mới phương thức giáo dục trên cơ sở khai thác tối đa công nghệ, với mục tiêu để giúp giáo viên dạy tốt, học trò học dễ, quản lý giáo dục nhẹ nhàng hơn. Nêu quan điểm, ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) đồng thời nhấn mạnh: Chuyển đổi số giáo dục phải hướng đến việc con người làm trung tâm. Lợi ích mang lại cho người học, người dạy là thước đo đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Triển khai chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ GD&ĐT đã phát triển kho học liệu số dùng chung gồm gần 5 nghìn bài giảng E-learning, 2 nghìn video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35 nghìn câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa, liên tục cập nhật bài giảng theo Chương trình GDPT 2018 trên truyền hình.
Theo ông Tô Hồng Nam, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục đã số hóa và lưu trữ thông tin giáo dục của hơn 50 nghìn trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, lớp học, học sinh với hơn 23 triệu hồ sơ; đội ngũ cán bộ, giáo viên với hơn 1,5 triệu hồ sơ và một số thông tin về cơ sở vật chất, tài chính trường học của năm học từ 2018 đến nay.