Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ phát hiện bộ hài cốt trong ngôi mộ ở nghĩa trang thị trấn Kamien Pomorski, Ba Lan này là một người đàn ông và có niên đại từ thế kỷ XVI.
Những đặc điểm kỳ lạ của ngôi mộ như hòn gạch chèn vào miệng, chân đóng cọc được các chuyên gia phỏng đoán là cách để người dân thời Trung Cổ chống lại "ma cà rồng" - một sinh vật ám ảnh họ trong suốt nhiều thế kỷ.
Dẫn đầu nghiên cứu, nhà khảo cổ học Slawomir Gorka cho biết: "Lúc đầu, chúng tôi nghĩ lỗ thủng trên chân người đàn ông này là do bị thương nhưng tìm hiểu kỹ hơn, đó là lỗ thủng do có người cố tình đục. Điều này hoàn toàn trùng hợp với tín ngưỡng mà người xưa thường áp dụng để trừng trị những người bị cho là "ma cà rồng".
Bên cạnh đó, một trong những cách đối phó với "ma cà rồng" thời xưa nữa là nhét chặt viên gạch ở cửa miệng. Đây là một phương pháp phổ biến thời Trung cổ bởi họ sợ "ma cà rồng" có thể quay lại hút máu người sống".
Trước đây, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện một vài bộ hài cốt có đặc điểm tương tự ở Ba Lan. Nhiều người tin, những ngôi mộ thuộc loại này nằm phổ biến ở khu vực Kamien Pomorski trong giai đoạn từ thế kỷ XIII - XVII.
Theo một số tín ngưỡng, người xưa cho rằng, nếu ai đó sống mà làm nhiều việc xấu sẽ biến thành "ma cà rồng" sau khi chết. Và để ngăn chặn không cho họ biến thành "ma cà rồng" thì phải đâm vào ngực thanh sắt hay thanh gỗ trước khi chôn cất. Thậm chí, răng của người đó cũng cần loại bỏ.
Niềm tin về "ma cà rồng" phổ biến ở khắp vùng Bulgaria và các khu vực khác của Trung Âu suốt thời Trung cổ. Những người nghiện rượu, trộm cắp hay giết người đều có khả năng trở thành "ma cà rồng".
Với ngoại hình hoàn toàn bình thường, "ma cà rồng" sẽ tìm đến và sinh sống tại một thị trấn. Họ sống cùng với người dân thường nhưng sẽ lang thang vào ban đêm để tìm kiếm máu.
Để ngăn chặn "ma cà rồng" hoành hành, đi hút máu người nên người xưa thường đóng cọc gỗ/ sắt vào ngực, chặt đầu, chôn cọc vào chân... người bị cho là "ma cà rồng" như một cách để khiến họ không thể trở về gây hại cho người sống.