Tự chủ về học thuật
GS.TS Phạm Hồng Quang phân tích, trước mắt các trường SP sẽ tự chủ từng phần. Ví dụ đối với học thuật, do chương trình phổ thông được thống nhất trên toàn quốc, tất nhiên có 20% thuộc các địa phương, nên các trường SP phải có sự nhất quán, đồng thuận và phải có một khối kiến thức nền tảng chung, để tạo ra một nền tảng căn cốt, cơ bản cho giáo viên. Do vậy, dù đào tạo ở bất cứ đâu định hướng này hoàn toàn đúng với đường lối, quan điểm của Đảng và phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN.
“Tuy nhiên, tự chủ học thuật không chỉ tập trung vào chương trình đào tạo mà còn tạo cơ hội cho các trường SP gắn bó mật thiết với GD phổ thông. Ví dụ: Trước đây các trường nghiên cứu theo hướng đề tài cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước khi đã được duyệt. Do đó các giảng viên chủ yếu nghiên cứu từ năng lực sẵn có của mình. Khi được tự chủ về học thuật thì các thầy sẽ bám sát với các trường phổ thông và coi đấy là môi trường, là nhu cầu và là mảnh đất màu mỡ để xuất hiện những ý tưởng nghiên cứu. Nói cách khác, GD phổ thông là nơi để triển khai các đề tài GD phổ thông và cũng là nơi các nhà khoa học SP gắn bó mật thiết với nghề” - GS.TS Phạm Hồng Quang trao đổi.
Dẫn giải cho quan điểm của mình, GS Phạm Hồng Quang chia sẻ: Chẳng hạn như, 3 năm gần đây, Trường ĐH SP Thái Nguyên đã chủ trì 06 đề tài cấp Nhà nước, 30 đề tài cấp Bộ và đều gắn với sản phẩm ứng dụng GD học thuật. Mỗi lần như vậy thì sự tương tác SP giữa giảng viên với trường phổ thông càng thêm bền chặt. Theo đó, giáo viên phổ thông đến trường SP tham gia hướng dẫn thực hành, cùng nghiên cứu với giảng viên SP, thậm chí có thể hướng dẫn, tư vấn và đề xuất những bài giảng mới.
Trên tinh thần ấy, GS Phạm Hồng Quang cho rằng, phải coi môi trường GD phổ thông như một cấu phần không thể tách rời trong quá trình đào tạo giáo viên của trường SP. Bởi nơi đấy SV được thể hiện ý tưởng, được bắt đầu học nghề; nơi đấy giáo viên lăn lộn để thể nghiệm những gì mình đã được học và nơi đấy để giáo viên hoàn thiện nhân cách của mình. Cho nên tự chủ về học thuật sẽ tạo cơ hội tốt cho đội ngũ cán bộ giảng viên và giáo viên phổ thông.
Tự chủ trong nghiên cứu khoa học
Ở một góc nhìn khác, GS Phạm Hồng Quang nêu quan điểm: Tự chủ trong các trường SP đó là được đóng góp về mặt trí tuệ với việc xây dựng chính sách cho địa phương cũng như cho ngành. Với việc tăng phản biện xã hội là xu hướng để các giảng viên, các nhà khoa học các trường SP có điều kiện đóng góp, tham gia vào nhiều chương trình, hoạt động GD; đặc biệt là Chương trình GD phổ thông mới.
“Thực tiễn cho thấy, tự chủ ĐH đã mở rộng khuôn viên nhà trường, mở rộng không gian giao tiếp của nhà trường. Rất nhiều nhà khoa học ở nhiều trường khác đã đến các trường SP trong nước và ngoài nước; rất nhiều các cơ quan, đoàn thể cùng tham gia vào nguồn lực hệ thống SP. Qua đó, đã giải tỏa được tính hàn lâm và kinh viện của các nhà trường SP vốn được cho là đã đóng cửa khá lâu” - GS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo GS trong tự chủ cũng xuất hiện những vấn đề như: Nhận thức về tự chủ đâu đó vẫn chưa rõ, thiếu nền tảng pháp lý, thiếu hệ thống văn bản chỉ đạo. Càng tự chủ nhiều thì hệ thống văn bản quản lý càng phải nhiều, hay nói cách khác là bất cứ hành động nào của nhà trường ĐH đều phải có văn bản hướng dẫn, chỉ dẫn.
Thứ nữa nhận thức về cơ chế tự chủ vẫn có nhầm lẫn sang vấn đề tự do. Trách nhiệm giải trình xã hội của các trường còn yếu. Đây đó nhiều trường SP, nhiều trường ĐH có trách nhiệm giải trình nhưng chủ yếu là bị động. Khi xã hội lên tiếng phản đối, thắc mắc thì lúc đấy nhà trường mới lên tiếng. Mà căn cốt của mình phải là: 3 công khai, phải tạo ra một sự sáng rõ, mạch lạc ngay từ đầu, chỉ dẫn ngay từ đầu.
Theo đề xuất của GS, về mặt chuyên môn, các trường phải làm rõ được khả năng ứng dụng của mình đối với thực tiễn, phải nhìn rõ có hai mức độ của khoa học công nghệ: Một là những nghiên cứu cơ bản với công bố quốc tế, bài báo khoa học, công trình lý thuyết tạo ra nền tảng căn cốt để phát triển. Không thể nói là trường ĐH thiếu nghiên cứu cơ bản; bất cứ trường ĐH nào trên thế giới đều phải coi trọng nghiên cứu cơ bản. Mức độ thứ hai đó là nghiên cứu ứng dụng. Khi chúng ta bỏ đồng tiền ra thì phải thu hoạch được một sản phẩm rõ ràng, mạch lạc ứng dụng gắn với thực tiễn nhằm thúc đẩy thực tiễn phát triển. Khi thực tiễn phát triển thì sứ mạng của trường ĐH mới được khẳng định.
“Vấn đề tự chủ trong nghiên cứu khoa học cần phải được minh định rõ chức năng, nhiệm vụ của nhà khoa học. Theo đó, họ phải đảm nhiệm hai vai: Có cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng hoặc phân nhóm gắn đào tạo với nghiên cứu và gắn đào tạo nghiên cứu với chuyển giao công nghệ”. GS.TS Phạm Hồng Quang