(GD&TĐ) - Lễ hội diễn ra với quy mô hoành tráng vào 8h30 phút tối ngày 9/3/2013, tại Quảng trường 10 tháng 3, TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) với sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại trướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo một số bộ, ban ngành; lãnh đạo Đảng , UBND, MTTQ Việt Nam tỉnh Đăk Lắk; các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Chương trình còn có sự tham dự của các quan khách quốc tế và đặc biệt thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Đông đảo đại biểu các ban, ngành trung ương và địa phương đã tham dự lễ |
Với Chủ đề: “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết - phát triển bền vững”, mục tiêu hướng tới của lễ hội lần này là tiếp tục chiến lược xúc tiến thương mại, đưa việc quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam lên tầm cao mới, kết hợp xây dựng văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột với việc đầu tư, phát triển du lịch của địa phương.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải khẳng định: Cà phê là cây trồng thế mạnh của Đắk Lắk, đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách của tỉnh đồng thời cũng góp phần quan trọng đưa vị trí xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng đầu thế giới. Tiếp nối thành công của 3 lần tổ chức lễ hội cà phê vào các năm: 2005, 2008, 2011, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013 là một sự kiện kinh tế - văn hoá lớn của tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk nói riêng, khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới.
Tham dự buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê là hướng đi chiến lược để xoá đói, giảm nghèo nhất là ở Đắk Lắk Tây Nguyên, và điều này đã được minh chứng qua thực tế. Vì thế trước thực trạng sản xuất cà phê hiện nay, cần đặc biệt tăng cường yếu tố liên kết giữa các “nhà” để phát triển bền vững; vừa xuất khẩu cà phê nhân vừa chế biến đến sản phẩm cuối cùng gắn với đổi mới, nâng cao công nghệ chế biến cũng như đẩy mạnh quảng bá, đưa vị thế cà phê Việt Nam tương ứng với thị phần đang có trên trường quốc tế hiện nay.
Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ mở màn phần hội của lễ khai mạc |
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là cơ hội quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các các bộ ngành liên quan và các tỉnh có cây trồng chủ lực là cà phê, đặc biệt là Đắk Lắk cần có sự phối hợp xây dựng đề án đưa cà phê thành sản phẩm quốc gia, hình thành ngành công nghiệp cà phê; đưa Đắk Lắk không chỉ là trung tâm cà phê của Việt Nam mà còn của Đông Nam Á.
Sau phần lễ, với chủ đề “Hương sắc cao nguyên”, lễ khai mạc đặc biệt ấn tượng với chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 3 chương mang đậm sắc màu cà phê và văn hoá Tây Nguyên. Chương I “Hùng khí Cao nguyên” nhằm giới thiệu vùng đất, con người Buôn Ma Thuột trong tiến trình lịch sử phát triển của đất nước Việt Nam, qua đó ngợi ca và tôn vinh truyền thống văn hóa, cách mạng cùng với con người xứ sở cà phê Buôn Ma Thuột. Chương II “Bừng sáng những tiềm năng”, giới thiệu xuất xứ cùng với sắc thái văn hóa, giá trị và tiềm năng to lớn của Cà phê Buôn Ma Thuột. Chương III “Lan tỏa bốn phương”, xây dựng và quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trên phạm vi toàn cầu, tiến tới khẳng định giá trị cũng như vị thế Cà phê Buôn Ma Thuột - Cà phê Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Thanh Huế