(GD&TĐ) - Tại kỳ họp này QH sẽ bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của nhà nước; Thảo luận về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992 và thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992.
>>>Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XIII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
>>> Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII
Sáng nay 21/7, tại Thủ đô Hà Nội, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Tới dự lễ khai mạc có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các bậc lão thành cách mạng, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế. Trước khi tiến hành phiên khai mạc, các vị đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Diễn ra vào thời điểm ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng kết thúc thắng lợi, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã thành công tốt đẹp với 99,52% cử tri đi bỏ phiếu, bầu một lần lựa chọn đủ 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cho ý chí và trí tuệ của cả dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, trên cơ sở kế thừa, không ngừng phát huy những thành quả và kinh nghiệm của các khóa trước, Quốc hội khóa XII đã tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, đạt được những tiến bộ rất quan trọng trong việc thực hiện cả ba chức năng cơ bản: lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.
Thành công của Quốc hội khoá XII tiếp tục bổ sung và khẳng định những thành quả và kinh nghiệm hơn 65 năm hoạt động vẻ vang của Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề để Quốc hội khóa XIII và các khóa tiếp theo tiếp tục đổi mới và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ tình hình kinh tế xã hội trong những tháng đầu năm 2011: Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội nước ta trong những tháng đầu năm 2011 đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,57%, giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 30,3%, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra; nhập siêu và chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có chiều hướng giảm. Thu ngân sách tăng khá; thị trường ngoại hối có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội, tạo việc làm được quan tâm. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác phát triển; Việt Nam tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế trong việc phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011. Trong đó nổi lên là việc nền kinh tế phát triển chưa ổn định, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát vẫn ở mức cao. Sản xuất, kinh doanh chịu nhiều tác động bất lợi do mặt bằng lãi suất cao và việc thu hút vốn đầu tư giảm. Thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường bất động sản diễn biến bất thường. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Tai nạn giao thông còn khá nghiệm trọng; trật tự an toàn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tình hình này đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động nắm bắt và tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, yếu kém, tiếp tục có giải pháp thích hợp để đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững hơn trong những tháng cuối năm 2011 và những năm sau.
Khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII (ảnh: Internet) |
Theo chương trình nghị sự, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả n¬ước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIII; quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao trong bộ máy Nhà nước gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Đây là công việc rất quan trọng, có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ.
Là kỳ họp đầu tiên của QH khoá XIII và diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương Đảng, với những nội dung hết sức quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt nhiệm kỳ, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn và quyết định, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Sau phát biểu khai mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử Trung ương Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Tiếp đến, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trước Quốc hội. Tổng Bí thư khẳng định: Thành công của cuộc bầu cử lần nữa khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta…
Theo quy định của Hiến pháp nước ta, Quốc hội là thiết chế quan trọng của bộ máy nhà nước, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam… Suốt hơn 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, Quốc hội nước ta không ngừng phát triển và trưởng thành, hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và có hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động, được cử tri và nhân dân cả nước ngày càng tin tưởng…Với tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội quan tâm một số định hướng (với 5 nội dung quan trọng), trong đó: Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để thể chế hoá Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy vai trò và hiệu lực quản lý của nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng- an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội…; Đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề KT- XH, ngân sách nhà nước, tổ chức và nhân sự của bộ máy nhà nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại mở rộng, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân; Về tổ chức, phương thức hoạt động và chế độ làm việc: thực tiễn cho thấy, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào hoật động của các cơ quan của Quốc hội và cá nhân từng đại biểu…
Với những thành tựu mà các khoá Quốc hội trước đã đạt được và từ kết quả bầu cử Quốc hội khoá mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tin tưởng Quốc hội khoá XIII sẽ đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công sứ mệnh của mình, tiếp tục ghi thêm mốc son mới vào lịch sử và tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
Cũng trong buổi sáng nay, Quốc hội cũng nghe Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tiếp đó, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo về “Tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011” và Báo cáo thẩm tra Báo cáo trên.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường và biểu quyết thông qua Tờ trình giới thiệu danh sách để Quốc hội bầu Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu; Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội khoá XII Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; Chính phủ trình bày Tờ trình về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Tiếp đến, Quốc hội nghe, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách ĐB của các ĐBQH; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XII trình bày tờ trình về số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII.
PV
TIN LIÊN QUAN |
---|