Sáng 19/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 (AMM 44) đã khai mạc tại Bali, Indonesia.
Tham dự lễ khai mạc có Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, TổngThư ký ASEAN Surin Pitsuwan và Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị AMM 44 đối với các Hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á dự kiến diễn ra vào cuối năm nay tại Indonesia.
Tổng thống Yudhoyono cũng đánh giá cao sự nhất trí và quyết tâm của các nước thành viên hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 - một Cộng đồng vì nhân dân và dân chủ, thông qua nỗ lực tích cực thực hiện lộ trình cho Cộng đồng ASEAN, các quy định của Hiến chương ASEAN, củng cố và tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN, nâng cao khả năng phục hồi và phát triển ASEAN với vai trò chủ đạo trong khu vực.
Theo Tổng thống Yudhoyono, bối cảnh hội nhập đang diễn ra sôi động, phức tạp và nhanh chóng, đòi hỏi các nước ASEAN phải tăng cường đoàn kết, nhất trí, nâng cao năng lực để tận dụng các cơ hội, đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Những nỗ lực đó cần được tiến hành trên cơ sở một nền tảng chung, sự kiên định trong thực hiện những nội dung đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tại Hội nghị cấp cao ASEAN 18.
Tổng thống Yudhoyono khẳng định nỗ lực chung của các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng ngoại, tiếp tục hợp tác với các đối tác để tạo ra môi trường chiến lược ở Đông Á, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hoà bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và toàn cầu thông qua các diễn đàn do ASEAN đóng vai trò định hướng.
Về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 1992, nên cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các hướng dẫn thực thi DOC để hai bên bước sang giai đoạn mới, đó là xác định các nội dung cơ bản của Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Bằng cách đó, ASEAN có thể khẳng định với thế giới rằng tương lai Biển Đông có thể dự báo, quản lý và giải quyết được. Tổng thống Yudhoyono cũng cho biết tình hình giữa Thái Lan và Campuchia đang từng bước cải thiện, song vẫn còn căng thẳng, đòi hỏi thiện chí của cả hai bên nhằm giải quyết xung đột một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Hội nghị AMM 44 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa của Indonesia - nước Chủ tịch ASEAN 2011 và Chủ tịch Hội nghị AMM 44.
Với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng toàn cầu của các quốc gia,” Hội nghị AMM 44 tập trung thảo luận lộ trình, biện pháp đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột vào năm 2015; phát huy vai trò của ASEAN trong việc củng cố hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực cũng như trên thế giới; tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khu vực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính và sự nổi lên của các nền kinh tế châu Á với tư cách là một động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Natalegawa cho biết tại Hội nghị lần này, Indonesia sẽ dành ưu tiên thảo luận cho các nội dung liên quan đến triển vọng an ninh ASEAN, Diễn đàn hàng hải ASEAN lần thứ hai và các vấn đề về cấu trúc khu vực, các quan hệ đối ngoại của ASEAN và Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng toàn cầu của các quốc gia.
Trên cơ sở nhất trí đề xuất của các quan chức cấp cao, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng thảo luận việc thực hiện DOC; công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 19 và các hội nghị liên quan; thành lập Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN; xem xét vấn đề thị thực chung ASEAN.
Dự kiến, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ ra thông cáo chung của Hội nghị AMM 44, Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị ARF, Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác (ASEAN +3, ASEAN +1, EAS), Tuyên bố kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại Nga -ASEAN./.
(TTXVN)