Khách sạn dành cho người chết ở Nhật Bản

GD&TĐ - Ở Nhật Bản, trung bình 1 người quá cố phải đợi tới 4 ngày để được hỏa táng. Và vì có ít các lò hỏa táng tại những đại đô thị đông dân như thủ đô Tokyo, nên tình hình càng lúc một tồi tệ thêm. Những “khách sạn tử thi” (itai hoteru) ở Nhật Bản đã được “phát minh” như một cách thay thế cho các nhà xác vốn quá ít ỏi.

Căn phòng tại khách sạn Sou Sou, có một xe đẩy quan tài và nơi ngồi nghỉ cho tang quyến
Căn phòng tại khách sạn Sou Sou, có một xe đẩy quan tài và nơi ngồi nghỉ cho tang quyến

Theo phóng viên Mokoto Rich (Thời báo Nhật Bản), các khách sạn đặc biệt này có một số mục đích khác nhau: cung cấp kho để xác trong thời gian vài ngày chờ hỏa táng, là nơi nhiều gia đình đến sum họp, cầu nguyện, và thực hiện tang lễ với chính sách giá cả rất phải chăng, và khi họ không ở bên xác người thân, thì người nhà cũng có nơi gần đó để nghỉ ngơi. Mặc dù “diện mạo” rất thân thiện, nhưng dân cư quanh các khách sạn tử thi vẫn phàn nàn vì họ không muốn sống quá gần những cơ sở tâm linh này.

Dù đáng sợ hay cảm thấy bình thường, thì giải pháp này cũng đang ít nhiều góp phần giải quyết vấn đề thiếu không gian chôn cất ở Nhật Bản. Những quốc gia khác cũng giải quyết vấn đề khủng hoảng của họ theo cách tương tự. Lấy ví dụ Trung Quốc đã trợ giúp xây dựng các lò hỏa táng nhằm đối phó với thực trạng thiếu hụt không gian an táng. Và ở đặc khu hành chính Hong Kong, tình trạng thiếu hụt cũng trầm kha chẳng kém. Nơi đây sẽ có một “chuồng bồ câu nổi” đủ khả năng để chứa khoảng 370.000 lọ tro cốt đặt ngay ngoài biển.

Một “khách sạn tử thi” ở khu bán công nghiệp Kawasaki

Một “khách sạn tử thi” ở khu bán công nghiệp Kawasaki

Nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà và nhà xưởng nhỏ là khách sạn tử thi Sou Sou hiện đang hoạt động. Khách sạn tử thi Sou Sou thực ra là một hầm lạnh lưu trữ các tử thi trước khi mang đi hỏa táng. Đó là một nơi biệt lập cho các gia đình thân nhân của người quá cố và những người đi viếng xác đến bày tỏ lòng thành kính của họ với những người đã khuất nẻo. Với mức giá 9.000 yên/ngày, khách sạn Sou Sou cung cấp nơi đặt xác và chỗ nghỉ lại cho thân nhân cho đến lúc xác được đem đi hóa tro. Ông Hisao Takegishi, giám đốc Sou Sou cho biết: “Việc kinh doanh của chúng tôi đang sinh lời, tỷ lệ giữ chỗ đặt xác đã tăng từ 70% đến 80% trong thời gian qua”.

Xác người có thể đặt tại nhà xác ở các lò hỏa táng, nhưng đặt ở các khách sạn nhìn ít thương cảm hơn, nơi đây có các phòng lạnh riêng với số giờ thăm viếng nhất định. Làm giám đốc Sou Sou hơn một thập niên, ông Takegishi giải thích: “Nó không chỉ là nơi để thân nhân than khóc cho sự mất mát của người yêu thương, ý tôi muốn là cung cấp cho các thân nhân một nơi có không khí, không gian vượt xa nhà xác đơn thuần tại các lò hỏa táng, một nơi để thư giãn kiểu như tại nhà riêng”.

 Chủ tịch khách sạn Sou Sou, ông Hisao Takegishi

Tại khách sạn Sou Sou, các gia đình có thể trang trí cho những căn phòng bằng hoa tươi và các đồ vật kỷ niệm của người quá cố. Và mặc dù trên cơ sở pháp lý là một cơ sở lưu trữ xác, nhưng các gia đình có thể ngủ qua đêm nếu họ muốn, ngủ trên các ghế dài và có thể được phục vụ thức ăn. Những khách sạn tử thi khác cũng cung cấp các dịch vụ tương tự và thường là những gói dịch vụ, từ một khu lưu trữ xác đơn giản cho đến dịch vụ tang lễ trọn gói.

Hồi năm 2010, Nichiryoku Co., một công ty dịch vụ tang lễ có trụ sở chính ở Tokyo, đã khai trương một cơ sở lưu trữ xác dạng khách sạn đặt tên là Lastel ở Yokohama và Shin-Yokohama. Phó chủ tịch công ty là ông Kimiaki Takemura, nói rằng tòa “khách sạn” 9 tầng ở Shin-Yokohama được trang bị đầy đủ các phòng để đặt xác, ngoài ra còn có sảnh tang lễ, các phòng tiệc, bàn thờ Phật và nơi trưng bày các loại quan tài khác nhau. Ông Takemura nhấn mạnh: “Trong khách sạn có đủ mọi thứ mà quý vị cần. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói. Số lượng khách hàng tăng không ngừng, nhưng doanh số trên mỗi khách hàng lại giảm do người ta thích các đám tang nhỏ và đơn giản hơn”. Ông Takemura vẫn lạc quan rằng xu hướng sẽ thay đổi: “Tôi tin rằng nhu cầu sẽ gia tăng”. Viện nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia Nhật Bản (NIPSSR) dự báo rằng số lượng người chết tại Nhật Bản sẽ đạt đỉnh 1,67 triệu người vào năm 2039, tăng gần 30% tính từ năm 2015.

Với đà gia tăng này, ông Itaru Takeda, người đứng đầu Kasouken – hiệp hội nghiên cứu về hỏa táng và tang lễ - cho rằng những đại đô thị cần xây thêm nhiều lò hỏa táng. Nhưng vẫn rất khó xây dựng các cơ sở này vì họ thường xuyên đối mặt với sự chống đối từ dân cư địa phương. Theo ông Takeda, một số dự án bị đình trệ suốt hơn một thập niên. Vì thế đẩy nhanh việc luân chuyển các lò đốt có thể giải quyết tốt vấn đề này. Ở Nhật Bản, thân nhân người quá cố khẳng định việc đặt tro cốt vào tiểu sành là hết sức quan trọng.

Giống như lò hỏa táng, các khách sạn tử thi thường vấp phải sự chống đối ở địa phương. Trở lại thời điểm năm 2014, khi ông Hisao Takegishi mở khách sạn Sou Sou ở Kawasaki, hàng trăm cư dân địa phương đã tổ chức một chiến dịch chống kháng và đệ trình yêu cầu phải đóng cửa khách sạn. Ông Takegishi phân bua: “Một số người lập luận rằng họ không thể ngủ ngon giấc khi biết những cái xác được chuyển từ nơi khác đến gần ngôi nhà của họ. Nhưng cơ sở kinh doanh của tôi giúp làm dịu nỗi đau buồn, xoa dịu sự mất mát ở các tang quyến”. Ông cho biết thêm: “Cơ sở của tôi không đủ sức chăm sóc cho các nhu cầu đang gia tăng… Tôi muốn chào đón nhiều khách hơn đến với cơ sở kinh doanh của mình, và tôi hy vọng rằng nó sẽ trở thành một trong nhiều dịch vụ mà thân nhân người quá cố có thể lựa chọn”.

Hơn hai năm trôi qua, nhiều tấm áp phích chống đối Sou Sou vẫn còn mắc vào hàng rào nhà hàng xóm. Nhưng sau khi một vài dân địa phương qua đời, họ được chở đến Sou Sou và tình hình được cải thiện. Ông Takegishi kết luận: “Tôi tin rằng cuối cùng mình cũng đạt được sự chấp thuận từ dư luận”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.