Khắc phục khiếm khuyết của giáo viên

GD&TĐ - Thời gian gần đây, hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với đại diện học viên (HV) đã được triển khai tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) ở TPHCM… Hội nghị không ngoài mục đích lắng nghe ý kiến, giải đáp thắc mắc và tạo điều kiện giao lưu, trao đổi thông tin giữa học viên với nhà trường.

Khắc phục khiếm khuyết của giáo viên

Thẳng thắn, cởi mở

Những buổi hội nghị với tinh thần xây dựng thẳng thắn, đóng góp cần thiết đã tạo một không gian đối thoại rộng lớn, cởi mở giúp học viên đề đạt tâm tư nguyện vọng của mình và cũng là kênh thông tin cần thiết để nhà trường hiểu rõ học viên hơn.

Nằm trong kế hoạch năm học, các hội nghị nhằm mục đích thực hiện quy chế dân chủ trong trường học, mở rộng thêm kênh thông tin cần thiết và trực tiếp nhất, giúp lãnh đạo đơn vị dễ dàng cập nhật để nắm được tâm tư và nguyện vọng của HV, mà từ trước tới nay có em chưa biết bày tỏ cùng ai hoặc bày tỏ không đúng nơi, đúng lúc.

Đến dự các hội nghị mang tính đối thoại dân chủ, chúng tôi thường được nghe các câu hỏi chủ yếu xoay quanh một số vấn đề liên quan đến nhà trường như: phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học, vấn đề hướng nghiệp, quan hệ giữa thầy và trò. Bên cạnh đó một số câu chuyện khác cũng được đưa lên “bàn nghị sự” như: vấn đề thi cử, ôn tập, dạy thêm, thu học phí, quỹ lớp quỹ trường và cả những vấn đề tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng “không nói ra thì không ai biết”.

Trước hết về phương pháp giảng dạy, đa số HV phản ánh cách dạy mới của giáo viên bộ môn. Có thể do các em chưa “bắt nhịp” kịp khi lên học lớp cao hơn hay vừa mới chuyển cấp nhưng cũng có thể phương pháp của giáo viên đang có sự đổi mới phù hợp với đối tượng HV này mà chưa “ăn nhịp” với HV khác.

Đây là ý kiến được đưa ra nhiều nhất tại các hội nghị “bàn tròn” khi đối thoại. Phạm Thị Hoài Nhi – HV lớp 12A1 của một trung tâm phản ánh: “Giáo viên bộ môn Vật lý dạy chủ yếu trong sách giáo khoa nhưng cũng rất khó hiểu, nhất là đối với các bạn yếu kém. Còn thầy dạy môn Sinh học thường không đi đúng chủ đề, kiến thức cao nên chỉ một số HV giỏi mới hiểu được”.

Một bạn cùng lớp Nhi thì cho rằng cô giáo dạy Ngữ văn không có cảm xúc, đi lướt nhanh, giọng nói lại khó nghe và không truyền cảm, làm cho các em thụ động trong giờ học.

Đó cũng là ý kiến của những HV khác khi cho rằng giáo viên dạy Tiếng Anh phát âm chưa chuẩn, bài tập ra quá nhiều. Những thực tế này có thể rất quen thuộc với HV và giáo viên nhưng đối với Ban giám đốc trung tâm thì đây lại là những thông tin mới mẻ, cần thiết.

Mặc dù cần phải kiểm chứng thêm vì đây mới là thông tin một chiều nhưng nhà trường vẫn thật sự cảm ơn các em đã dám lên tiếng đòi sự công bằng trong học tập, mong các thầy cô có bài giảng nghiêm túc, chất lượng thật sự để tạo hứng thú cho người học.

Đi tìm tiếng nói chung

Tại hội nghị dân chủ này, một số khiếm khuyết của giáo viên cũng được nhà trường ghi nhận để tìm hướng giải quyết, như thói quen đi trễ về sớm, bắt HV chép phạt không cần thiết, không quản lý được lớp, nặng lời hay đùa giỡn quá đà với HV.

Điều các em cần ngoài kiến thức, còn là sự công tâm, tận tụy, một lòng thương yêu học trò. Dù đôi khi bị la mắng nhưng các em vẫn bằng lòng nghe lời và kính trọng thầy vì đó là sự trách phạt nghiêm túc với mong muốn HV ngày càng tiến bộ. Không đổ lỗi hết cho người khác, các em cũng đã tự nhận những yếu kém của mình.

“Do đối tượng vừa học vừa làm nên nhiều bạn thiếu chuyên cần, học hành chểnh mảng, rất cần sự thông cảm của thầy cô và nhà trường” – Quốc Huy – một HV khối 11 lên tiếng. Nhiều em đến trường nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, qua tiếp xúc đối thoại các em mới dám bày tỏ tâm tư nguyện vọng bản thân.

Thông qua đối thoại trực diện, nhiều HV đã vứt bỏ được sự e ngai, nhút nhát để mạnh dạn đứng lên phát biểu ý kiến. Lần đầu tiên đứng trước đám đông, có em giọng nói còn run, còn vấp, nhưng chỉ sau vài lần đã lấy lại được sự tự tin. Đó cũng là cơ hội để rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông.

Đáng quý hơn, nhiều ý kiến mong muốn được tham gia các tiết ngoại khóa, dã ngoại sinh động, có thêm nhiều chuyên đề về lối sống văn minh hiện đại để giáo dục nhân cách, đạo đức, lý tưởng.

Không chỉ xoay quanh chủ đề học tập, những “chi tiết” nhỏ trong môi trường sư phạm cũng được lên tiếng, như phòng học dột nát, tiếng ồn ảnh hưởng đến lời giảng của thầy cô, xả rác mất vệ sinh. Phòng vệ sinh, sân trường cũng được HV đưa ra góp ý để có một môi trường sạch sẽ hơn.

Từng có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các chương trình đối thoại giữa HV với nhà trường, thầy Huỳnh Tấn Thanh - Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An mong muốn: “Hội nghị phải được tổ chức trên tinh thần góp ý thẳng thắn, chân thành, công khai và đây là dịp của các em HV bày tỏ nguyện vọng và tâm tư đầy đủ nhất để từ đó nhà trường có được những giải đáp chí tình hợp lý”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.