Khắc khoải vẻ đẹp tàn phai Tây Bắc

GD&TĐ - Sau 4 năm kể từ triển lãm cá nhân 2019, Đoàn Xuân Tặng trở lại với nhiều sự thay đổi trong cách thể hiện cũng như sắp đặt tác phẩm.

Tác phẩm 'Mây 3' trong một triển lãm năm 2018.
Tác phẩm 'Mây 3' trong một triển lãm năm 2018.

“Vàng Sương” - một triển lãm thú vị của họa sĩ Đoàn Xuân Tặng sắp diễn ra tại Hà Nội, bày hơn 20 bức tranh kể về những vẻ đẹp đang dần tàn phai của vùng núi Tây Bắc.

Sinh ra tại Nam Định, sống ở Hà Nội nhưng Đoàn Xuân Tặng gắn bó nhiều với vùng núi phía Bắc. Cũng giống ở đô thị, công cuộc hiện đại hóa đang dần xóa nhòa những vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và con người miền núi.

Tất cả những hoang dại xưa, như chỉ còn một thời vang bóng - nhạt nhòa trong màn sương phủ giống như những hạt vàng của vẻ đẹp hiếm hoi sót lại.

Một Tây Bắc đang dần “phố hóa”

Họa sĩ Đoàn Xuân Tặng.

Họa sĩ Đoàn Xuân Tặng.

Triển lãm “Vàng Sương” sẽ mở cửa từ ngày 12 – 18/3 tại Indochine House Gallery (32A, Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là triển lãm hứa hẹn nhiều thú vị và bất ngờ - bởi các tác phẩm như một tiến trình kiên trì “đãi cát tìm vàng” của họa sĩ gắn bó nhiều với sự thay đổi của thiên nhiên và con người miền núi phía Bắc.

Sinh năm 1977, Đoàn Xuân Tặng tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa - Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2001 và định danh được tên tuổi khá sớm trong giới nghệ thuật với phong cách rất riêng và đầy ấn tượng.

Những năm 2006 - 2008, anh đã có những triển lãm nhóm tạo được tiếng vang ở Singapore, Hồng Kông, Tokyo. Và sau đó, anh tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn ở khắp trong và ngoài nước, thu hút được đông đảo giới chuyên môn và sưu tập.

Đoàn Xuân Tặng lặng lẽ sống và sáng tác, có lẽ cũng bởi tính cách ít ồn ào, thích chiêm nghiệm và thể nghiệm riêng cho mình một lối đi - dù từ tốn nhưng cũng năng động với phong cách và đề tài dân tộc miền núi - vốn đã có rất nhiều nghệ sĩ đi qua.

Để rồi sau một thời gian dài gần 20 năm sau khi ra trường, triển lãm cá nhân vào năm 2019 của anh đã đem đến nhiều bất ngờ đối với giới mộ điệu về một Tây Bắc hoàn toàn khác lạ về cảm nhận và cách thể hiện.

Vùng cao vốn là đề tài mà có lẽ được đào xới, khai thác nhiều nhất. Nhưng vẫn ngọn núi hùng vĩ ấy, vẫn áng mây sương trắng ấy, vẫn chiếc váy đa sắc và con người hiền hòa ấy - hiện lên trong tranh Đoàn Xuân Tặng theo nhịp va đập màu sắc và ý tứ không trộn lẫn với bất cứ ai.

Thông qua con đường hội họa, Đoàn Xuân Tặng đi từ điểm khởi đầu là sự tách rời của hình ảnh và hiện tượng như váy vóc thổ cẩm, trang phục truyền thống, vòng bạc… để điểm tô vào những gương mặt vùng cao trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ. Sau đó chuyển dịch cái vô hình thiên về nội tâm, thông qua thực trạng đang diễn ra trong tiến trình tác động lên đời sống dân bản.

Những ngày thường của họ vẫn trôi qua, song với cái âm thầm len lỏi vào thói quen, nếu không chậm lại để soi chiếu thì sẽ rất khó nhận thấy. Trên lộ trình đó, họa sĩ đóng vai trò người quan sát, ghi chép lại biến thiên ở vùng núi bằng tâm tư của một người đứng giữa cuộc đổi thay.

Vô tình hay hữu ý, anh đưa khách thể là vùng núi phía Bắc trở nên giống một con người đang sống. Vẫn bầu trời, ngọn núi, con người ấy, vẫn trang phục, đôi mắt, vóc dáng ấy, nhưng khắc khoải day dứt của con người miền núi trước sự xâm lấn mạnh mẽ của văn hóa thị dân hiện diện rõ nét trong tranh Đoàn Xuân Tặng.

Họa sĩ trừu tượng hóa tâm tư về vùng đất ấy trong nhiều dáng vẻ phong phú tiềm tàng trên một không gian vẽ rộng lớn để đặc tả sự mênh mông. Anh mô phỏng những con người, cảnh vật pha trộn vào nhau ẩn dưới một vùng mờ sương giăng và ít bộc bạch trực tiếp.

Mỗi sự phát triển mới đều kế tục cái trước, nhưng sau cùng nó vừa phản ánh mối quan hệ của không gian thực và không gian trong tâm trí, vừa ma mị khó nắm bắt, lấy đối ứng của vùng núi liên hệ thành thị và ngược lại.

Vẻ đẹp hiếm như hạt vàng sót lại

Tác phẩm 'Khoảng trời #3' - họa sĩ Đoàn Xuân Tặng vẽ năm 2022, chất liệu sơn dầu/acrylic trên toan.

Tác phẩm 'Khoảng trời #3' - họa sĩ Đoàn Xuân Tặng vẽ năm 2022, chất liệu sơn dầu/acrylic trên toan.

Sau 4 năm kể từ triển lãm cá nhân 2019, Đoàn Xuân Tặng trở lại với nhiều sự thay đổi trong cách thể hiện cũng như sắp đặt tác phẩm.

“Tôi tập trung vào nội tâm với những băn khoăn, trăn trở về cuộc sống, sự mất còn, tình yêu hay sự gắn bó với miền đất ấy trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển. Đó là lý do những bức tranh thuộc triển lãm “Vàng Sương” phần nhiều mang nhiều tính trừu tượng biểu hiện hơn trước”, họa sĩ Đoàn Xuân Tặng chia sẻ.

“Vàng Sương” có bày khoảng 30 bức tranh với chất liệu chủ yếu là sơn dầu và acrylic trên canvas. Các tác phẩm hầu hết là những sáng tác mới của anh trong vài năm gần đây.

Với họa sĩ, quá trình tạo ra một bức vẽ đẹp phải là khi đầy ắp tinh thần và tình cảm, diễn ra một cách tự nhiên không ép buộc. Vì vậy, mỗi lúc cần khơi gợi cảm hứng, anh đi để giải phóng mình khỏi môi trường quen thuộc để tìm về những miền đất mới.

Lấy chủ đề triển lãm là “Vàng Sương” - Đoàn Xuân Tặng giải thích rằng, sự tác động không ngừng của công cuộc hiện đại hóa khiến vẻ đẹp hoang sơ của miền núi dần đổi thay - như tấm thổ cẩm phai nhạt màu sắc qua thời gian.

“Tôi tự hỏi còn sót lại gì ngoài màn sương trắng đục? Tôi tìm thấy những khoảng trời còn lại, những thân cây nham nhở vết tích, những con người xoắn xuýt chuyển động để bấu víu giữa sống chết trên chính mảnh đất quê hương họ. Họ chơi vơi trong nhịp sống hiện đại. Tôi nghĩ những điều ấy liệu có phải cái “vàng” trong “Vàng Sương” mà mình đang tìm kiếm. Đó là màu vàng của hoài niệm, ám ảnh và đầy tiếc nuối”, họa sĩ Đoàn Xuân Tặng bộc bạch.

Trong bức tranh khổ lớn mang tên “Ta còn lại gì?”, họa sĩ sử dụng màu nâu vàng để gợi tả sự hoang tàn của những khoảng đất, những ruộng bậc thang. Mà trong màu vàng ngả nâu đó, tác giả lại thấy len lỏi mảng xanh của sự hồi sinh như hình bóng những con người còn bám trụ lại Tây Bắc.

Xuyên suốt những bức tranh cũ - mới là chuỗi hình ảnh đã để lại trong tác giả nỗi ám ảnh, niềm khắc khoải với miền núi. Có lẽ, họa sĩ muốn người xem khi đối diện với tác phẩm sẽ có những suy tư cho riêng mình, về sự đổi thay nay còn mai mất hoặc những luyến tiếc của cái đẹp xa rồi, chỉ còn lại một thời vang bóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...