Kết quả thi Olympic và KHKT quốc tế tác động mạnh mẽ đến dạy tốt và học tốt

GD&TĐ - Kết quả Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế của đoàn học sinh Việt Nam tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).
Ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh như trên khi báo cáo tại buổi gặp mặt của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân với đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Thành tích ấn tượng

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

“Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp tục đạt được kết quả tốt” - ông Huỳnh Văn Chương nói, đồng thời viện dẫn, việc tham dự các Olympic khu vực và quốc tế Việt Nam có 7 đoàn với 36 lượt học sinh tham gia gồm: 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là: Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.

Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải: 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen.

“Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi liên tục nhiều năm qua, thường trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất. Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất” – ông Huỳnh Văn Chương chia vui.

Về hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay, Cuộc thi này có tên tiếng Anh là International Science and Engineering Fair (ISEF). Đây là hội thi hằng năm được tổ chức từ năm 1952.

Đến nay, ISEF là hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 9 đến lớp 12). Mỗi năm có khoảng 1.800 học sinh trung học đến từ khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả nghiên cứu ở 22 lĩnh vực của Hội thi.

Đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 tại buổi gặp mặt chiều 15/12.

Đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 tại buổi gặp mặt chiều 15/12.

Tiền đề quan trọng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Ông Huỳnh Văn Chương cho biết, Việt Nam bắt đầu chính thức tham gia ISEF từ năm 2012 đến nay. Hằng năm, đều có dự án đoạt giải. Đơn cử như: Năm 2021 lần đầu tiên Việt Nam tham gia dự thi bằng hình thức trực tuyến với 7 dự án tham gia dự thi và đoạt 1 giải Ba, 3 giải Đặc biệt. Năm 2022 có 7 dự án tham gia và đoạt 3 giải Đặc biệt.

Năm 2023, Hội thi ISEF 2023 có tên là “REGENERON ISEF 2023”. Từ 14/5/2023 đến 19/5/2023, Hội thi được tổ chức trực tiếp tại Dallas (Hoa Kỳ), có 61 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự. Đoàn Việt Nam có 7 dự án tham dự REGENERON ISEF 2023.

Đoàn Việt Nam có 1 dự án đoạt giải chính thức của Hội thi và 1 dự án đoạt giải đặc biệt do tổ chức US Agency for International Development trao tặng với giá trị giải thưởng 2000$.

Cụ thể: Giải chính thức (Grand Awards) – Giải B: Dự án “Tác dụng dược lý trên thần kinh trung ương của tinh dầu quả và lá màng tang dựa trên mạng dược lý” thuộc Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Giải đặc biệt (Special Awards) do các tổ chức khoa học – công nghệ và doanh nghiệp trao tặng cho Dự án “Mô hình ROBOT bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở” thuộc Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh).

“Thành tích của học sinh Việt Nam trong Hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế ISEF kể từ khi Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học của Việt Nam chính thức đăng kí là Hội thi thành viên của ISEF năm 2012 luôn luôn ổn định. Năm nào Việt Nam cũng là một trong hơn 50% quốc gia có giải tại Hội thi này” - ông Huỳnh Văn Chương chia sẻ.

Đây là kết quả phản ánh đúng sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường trung học, gắn liền với việc đổi mới nội dung và phương thức giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, để chọn được 7 dự án tham dự REGENERON ISEF 2023 từ 143 dự án dự thi Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023, đã có hàng chục ngàn dự án được thực hiện trong các nhà trường, trong số đó có trên 5.000 dự án tham gia Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh/thành phố.

Con số trên nói lên sự phát triển của hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kĩ thuật cũng như giáo dục STEM trong giáo dục trung học đến thời điểm hiện tại. Đây là tiền đề quan trọng cho việc triển khai và thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 tham gia chương trình giao lưu tối 15/12.
Đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 tham gia chương trình giao lưu tối 15/12.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo

Kết quả Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của học sinh, dưới sự chỉ dẫn của thầy, cô giáo; sự quan tâm, chăm lo và động viên, khích lệ kịp thời của bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể đối với các học sinh trong suốt quá trình học tập.

“Đây cũng là kết quả của sự đổi mới của ngành giáo dục trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo” - ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.

Chia sẻ về thành tích trong giai đoạn 2019 – 2023, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, 5 năm gần đây, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tổ chức hằng năm và được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Kết quả thi phản ánh đúng chất lượng thực tế về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, góp phần nâng cao thành tích của các đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

5 năm gần đây, có 174 lượt học sinh tham dự các kỳ Olympic quốc tế và khu vực các môn: Toán học, Hoá học, Vật lí, Sinh học, Tin học. Các em mang về 170 huy chương và bằng khen.

Trong đó, có 54 Huy chương Vàng, 68 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 8 bằng khen. Việt Nam duy trì thành tích trong top 10 các nước tham gia, nhiều thí sinh có điểm thi vượt trội.

“Công tác tổ chức thi và kết quả đạt được đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của các nhà trường phổ thông, nhất là các trường THPT chuyên” - ông Huỳnh Văn Chương nhìn nhận và khẳng định, qua đây góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Chương, kết quả Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 đã khẳng định những chính sách đúng đắn, chiến lược phát triển giáo dục phù hợp của Bộ GD&ĐT. Kết quả này đồng thời tác động to lớn đến giáo viên, học sinh và toàn thể xã hội trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Ông Huỳnh Văn Chương cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục có những chủ trương, chính sách phù hợp để tiếp tục duy trì, phát huy cao hơn nữa thành tích đã đạt được từ các đội tuyển Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế.

Nhìn chung, thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đều đạt kết quả cao, giữ ổn định trong nhiều năm. Một số đội tuyển có xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi như: Toán, Hoá học, Vật lí và Tin học. Nhiều học sinh xuất sắc đoạt 2 Huy chương Vàng trong hai năm liền dự thi, hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa). Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục có những chuyển biến, tiến bộ theo hướng năm sau cao hơn năm trước.

Ông Huỳnh Văn Chương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.