Kết quả thi là sự nỗ lực của cả quá trình

Kết quả thi là sự nỗ lực của cả quá trình
Ông Lê Trung Chinh
Ông Lê Trung Chinh

Ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đã phản ảnh đúng chất lượng thực của HS.

Mặc dù thấp so với một số tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng chúng tôi rất hài lòng với tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp năm nay.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 97,2% ở hệ THPT, tăng 0,5% so năm 2010; hệ GDTX là 79,9%; tăng 24,61% so với năm 2010.

Đây là những con số phản ảnh đúng và sát với chất lượng học tập của HS khóa này. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, phương châm của nhiều trường THPT tại Đà Nẵng đề ra là “học đến đâu ôn tập đến đó”.

Về phía Sở GD&ĐT, ngay từ thời điểm tháng 2, đã tổ chức họp GVCN và tổ trưởng chuyên môn về công tác ôn thi tốt nghiệp. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp, các trường THPT tập trung vào việc củng cố, hệ thống lại kiến thức, hướng dẫn học sinh các kỹ năng phân tích đề, cách làm bài thi theo đặc thù từng môn.

Đề thi năm nay sát với chương trình học, chuẩn kiến thức kỹ năng; hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT cũng rất tường minh, HS chỉ cần nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng là có thể đạt điểm trung bình.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà
Bà Nguyễn Thị Thu Hà

Bà Nguyễn Thị Thu Hà-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế: Học sinh đã đi thi bằng chính kiến thức của mình

Năm nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT và BTTH của Thừa Thiên Huế lần lượt là 96/97% và 92,37% , cao hơn năm học trước không đáng kể. Theo tôi kết quả này đã đánh giá đúng thực chất, sự cố gắng của thầy và trò trong việc đảm bảo chất lượng dạy và học của các khối lớp này .

Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo các trường  phân loại học lực của học sinh để tiến hành dạy học phân hóa và bồi dưỡng phù hợp, quán triệt tinh thần  trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, bổ sung hoàn chỉnh đề cương ôn tập, và chỉ đạo ôn tập “cuốn chiếu” ngay từ đầu năm học. 

Năm nay theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng trong dạy học và rèn luyện phương pháp ra đề kiểm tra, đề thi bằng cách xây dựng theo “ma trận”, đảm bảo sự cân bằng và toàn diện trong việc kiểm tra kiến thức của học sinh.

Nhiều trường đã phát huy sáng kiến kinh nghiệm của những năm trước, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, xây dựng lịch bồi dưỡng , tăng tiết cụ thể ; kết hợp giảng dạy chính khoá và các giờ tăng cường cho học sinh thi tốt nghiệp,  và việc làm này cũng đã trở thành nề nếp trong nhiều năm qua.

Qua đó, tạo cho học sinh, học viên tâm thế chuẩn bị kiến thức đi thi một cách nghiêm túc, tự giác,chủ động, đây là điều mà chúng tôi tâm đắc nhất. Các em đã thi bằng kiến thức của mình.

Ông Nguyễn Xuân Chiến
Ông Nguyễn Xuân Chiến

Ông Nguyễn Xuân Chiến-Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông-Quảng Trị:Kết quả thực chất

Tỷ lệ đỗ của trường  là 89,21. Tôi xin khẳng định rằng, đây là một kết quả thực chất và rất đáng phấn khởi.

Đặc điểm của trường THPT đakrông khác với một số trường THPT khác là trường thuộc vùng núi dạy con em ba dân tộc kinh, Bru Vân Kiều và Pacô. Học sinh dân tộc ít người chiếm đến 50%, nên mặt bằng dân trí còn thấp so với các trường khác.

Để có được kết quả như vậy, chúng tôi đã thực hiện một loạt giải pháp, như phụ đạo cho học sinh ngay từ đầu năm học cho cả lớp 10, 11 và 12. Đặc biệt là lớp 12 chúng tôi tập trung phụ đạo ba môn từ tháng 9 đó là Văn, Toán, Anh; còn ba môn Bộ công bố chúng tôi mới tổ chức. Như vậy, hàng năm riêng lớp 12 chúng tôi phụ đạo cho 6 môn thi TN hơn 2000 tiết. Bình quân mỗi tuần phụ đạo hơn 300 tiết.

Ngoài dạy phụ đạo, chúng tôi tăng cường hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục Hướng nghiệp cho học sinh, mở câu lạc bộ môn học, câu lạc bộ nhịp sống trẻ giúp các em “Chơi mà học” “Học mà chơi”, từ đó giảm sức ép về kiến thức môn học.

Và đặc biệt chúng tôi thực hiện điểm nhấn của Sở GD- ĐT trong năm học 2010-2011 về: “ Kiểm tra chấm điểm” nên từ khâu ôn tập ra đề kiểm tra đến chấm bài, trả bài các giáo viên đều thực hiện nghiêm túc.

Ông Nguyễn Quang Long
Ông Nguyễn Quang Long

Ông Nguyễn Quang Long – Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng): Thí sinh được chuẩn bị tốt thì không có gì ngạc nhiên khi kết quả thi tốt nghiệp THPT cao.

Để có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao, tùy theo thực tế từng trường mà có cách thức và trình tự thực hiện khác nhau trong từng khâu, từng giai đoạn. Tuy nhiên, tựu trung lại ở tất cả các trường đều cùng chung những bước chuẩn bị giống nhau đó là chuẩn bị tâm thế cho HS và cha mẹ các em. HS tự tin với kiến thức mà mình có để bước vào phòng thi, cha mẹ các em quản lý giờ giấc, động viên khuyến khích, chăm lo sức khỏe cho con.

Nhà trường tổ chức hợp lý về mặt thời gian để đảm bảo dạy hết chương trình tất cả các môn, đặc biệt là hai môn không thi tốt nghiệp nhưng lại là môn thi ĐH, CĐ, vừa tập trung ôn tập các môn thi tốt nghiệp với thời lượng cao.

Khâu cuối cùng là làm sao để cả thầy và trò đều thống nhất với nhau ở một điểm là có chuẩn bị tốt, có ôn tập tốt, chắc chắn kết quả thi tốt nghiệp và thậm chí cả thi ĐH, CĐ sẽ cao.

Ông Nguyễn Văn Bình
Ông Nguyễn Văn Bình

Ông Nguyễn Văn Bình-K66/51-Lê Hữu Trác-TP Đà Nẵng: Con tôi đã có thể tự tin học cao hơn

Nhận được kết quả thi tốt nghiệp của con gái tôi là 42 điểm, cả gia đình tôi đều vui mừng khôn xiết, mặc dù trước khi bước vào kỳ thi, cháu đã nói với chúng tôi rằng: “ Bố mẹ đừng lo, các thầy cô ở trường đã cho chúng con ôn luyện rất kỹ rồi; thi thử ở trường con cũng đã đậu loại khá rồi”, mà vợ chồng chúng tôi vẫn chưa hết lo.

Nguyên do là cách đây 4 năm, con trai đầu của chúng tôi cũng đi thi tốt nghiệp hết cấp 3 nhưng lại không đậu, một phần do vợ chồng tôi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mải làm ăn, ít để mắt đến con cái, một phần do cháu chủ quan, lười học nên mất kiến thức cơ bản từ những năm trước. Tôi phải cho cháu ôn luyện lại để dự thi tới lần thứ hai mà vẫn không thể nào tốt nghiệp được; cuối cùng thì cháu phải xin vào học trung cấp vừa học vừa làm.

Sự thất bại của con trai tôi là bài học cho em gái nó. Mấy năm vừa rồi, gia đình tôi luôn quan tâm, nhắc nhở việc học của con. Dù chỉ là những người dân lao động nghèo khó, chúng tôi cũng hiểu rằng, thời buổi bây giờ làm gì mà không có văn hóa thì cũng khó mà làm được. Tôi vô cùng biết ơn các thầy cô giáo ở nhà trường đã tận tình dạy dỗ con tôi tốt nghiệp PT để tự tin theo học cao hơn.

Ông Nguyễn Hữu Trác, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông của Nghệ An đạt 91,67%, (năm 2010 là 88%).

Có được kết quả này, theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là các trung tâm giáo dục thường xuyên, các nhà trường có sự đầu tư, chuẩn bị tốt cho học viên lớp 12. Ngay từ đầu năm học, các đơn vị đã phân loại về chất lượng học tập của học viên, trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch phụ đạo cho anh chị em, nhất là số anh chị em có học lực yếu.

 Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố môn thi tốt nghiệp, bên cạnh việc thực hiện chương trình theo quy định, các đơn vị đã tập trung chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học viên ôn tập, tổ chức cho học viên thi thử, có đơn vị tổ chức thi thử đến hai lần. Sau mỗi đợt ôn tập hoặc mỗi lần thi thử, giáo viên đánh giá chất lượng của từng học viên, chỉ dẫn học viên tăng cường học những chỗ mà kiến thức còn chưa vững.

Đặc biệt ở các trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc các huyện miền núi và vùng cao, ngoài việc ôn tập ban ngày, giáo viên còn tổ chức cho học sinh ôn tập tập trung ngay tại trung tâm vào các buổi tối.

Một em học sinh đang làm bài thi bằng chân tại HĐCT THPT Bắc Yên Thành, Nghệ An
Một em học sinh đang làm bài thi bằng chân tại HĐCT THPT Bắc Yên Thành, Nghệ An
Trường THPT Quỳ Châu là 1 trong 10 trường trung học phổ thông của Nghệ An có tỷ lệ tốt nghiệp 100% (444/444)

Ông Cao Thanh Lưu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quỳ Châu (Nghệ An): Đạt được kết quả này, theo tôi có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là nhà trường tập trung vào việc dạy và học, tập trung vào việc chuẩn bị cho học sinh thi tốt nghiệp ngay từ đầu năm học, chứ không phải chờ đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố môn thi. Chúng tôi vừa dạy theo chương trình, vừa tổ chức ôn tập, vừa tổ chức cho học sinh thi thử để các em biết được sức học của mình và làm quen với quy chế thi.

Tính ra, trong cả năm học, các em học sinh lớp 12 trường chúng tôi đã qua 7 lần thi thử - thi thử từ giữa học kỳ 1. Sau mỗi lần thi thử, các nhóm chuyên môn lại ngồi lại đánh giá chất lượng học sinh, tìm ra chỗ yếu của các em để phụ đạo. Chất lượng học sinh vùng cao yếu, nên chúng tôi phải làm theo cách của mình, có lẽ không có nơi nào thi thử nhiều như trường chúng tôi. Cũng phải nói thêm, thi thử nhiều lần nhưng học sinh không tốn một đồng nào.

Thứ hai là học sinh vùng cao, ngoài điểm khuyến khích nghề phổ thông, các em còn có điểm ưu tiên. Nhiều em không cần 30 điểm mà chỉ cần 25 hoặc 24 điểm/6 môn thi là có thể đã đỗ – nói cách khác, mỗi môn chỉ cần 4 điểm, với mức này thì các em cố gắng là đạt được.

Thứ ba là đề thi. Theo nhận xét của thầy và trò chúng tôi, đề thi năm nay không lắt léo, lại rất đúng vào trọng tâm của chương trình. Mà kiến thức trọng tâm của chương trình thì các em đã được ôn luyện rất kỹ. Có lẽ cũng vì thế mà trong số 444 em của Trường dự thi, đã có 4 em được xếp loại giỏi và 27 em loại khá.

Ông Nguyễn Hoàng Nhi
Ông Nguyễn Hoàng Nhi

Ông Nguyễn Hoàng Nhi- GĐ Sở GD& ĐT tỉnh Đồng Tháp: Kết quả của cả quá trình

Tỉnh Đồng Tháp có tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT là 94,6%, hệ GDTX đạt 81,13%.

Để đạt kết quả như trên, đó là cả quá trình nỗ lực của các cấp, ngành GD, đặc biệt là sự phấn đấu của thầy trò. Phải nói rằng chúng tôi ghi nhận công tác dạy của thầy và sự nỗ lực của trò, ngoài ra còn có sự hỗ trợ tích cực của Ban đại diện cha mẹ HS, phụ huynh HS trong công tác nâng cao chất lượng GD.

Chính vì những nguyên nhân và sự nỗ lực không ngừng nghỉ đó đã góp phần làm chất lượng GD của vùng được nâng lên đáng kể. Tôi nghĩ rằng làm GD trước hết là vì lợi ích và quyền lợi của HS. Kết quả tốt nghiệp là tín hiệu đáng mừng vì trước giờ ĐBSCL thường xuyên được nhắc đến là “vùng trũng về GD”.

Ông Lê Ngọc Bữu- GĐ Sở GD& ĐT tỉnh Bến Tre: tỷ lệ tăng này là hợp lý

Năm nay tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Bến Tre hệ THPT đạt 84,15%, hệ GDTX đạt tỷ lệ 53,02%. Có thể thấy rằng kết quả năm nay có tăng và tỷ lệ tăng này là hợp lý.

Đây là kết quả của cả quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng GD và sự cố gắng của ngành GD Bến Tre. Kết quả này là khách quan, không có chuyện lỏng lẽo, thả nổi khâu chấm thi, coi thi ở địa phương.

Ngành đã tổ chức cho GV dạy khối lớp 12 hội thảo, triển khai kế hoạch giảng dạy, ôn tập thi tốt nghiệp. Từ đó tổ chức biên soạn nội dung ôn tập thống nhất cho toàn tỉnh, mỗi GV tổ chức lên kế hoạch cụ thể cho việc giảng dạy và hướng dẫn học trò ôn thi.

Những trường nào HS còn yếu nhiều hay những trường có tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm còn thấp thì ngành cử GV từ những trường khác đến hỗ trợ trong giảng dạy và ôn thi...

Ông Nguyễn Thanh Bình
Ông Nguyễn Thanh Bình

Ông Nguyễn Thanh Bình- GĐ Sở GD&ĐT tỉnh An Giang: Kết quả đạt được phản ánh đúng thực tế

Kết quả tốt nghiệp năm nay của tỉnh An Giang ở hệ THPT là 89,32%, ở hệ GDTX là 32,9%. So với năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp năm nay của tỉnh An Giang tăng khoảng 7%, đây là con số tăng bình thường và đó là kết quả thực tế, phản ánh quá trình nỗ lực của thầy và trò suốt thời gian qua.

Bên cạnh sự nỗ lực của thầy và trò và có thể thấy rằng thái độ học hành của các em HS ngày nay rất tốt, phụ huynh và các đoàn thể xã hội đã chung tay chăm lo tốt cho sự nghiệp GD. Để đảm bảo chất lượng, ngành GD An Giang chăm lo cho việc dạy, học, ôn thi tốt nghiệp cho HS từ rất sớm. Đặc biệt quan tâm đến đối tượng HS yếu kém ngay từ đầu năm học vì đây là đối tượng có nguy cơ không đỗ kỳ thi tốt nghiệp. Mỗi môn thi tốt nghiệp đều có kế hoạch ôn tập cụ thể, sát sườn.

Ông Nguyễn văn Khoát
Ông Nguyễn Văn Khoát

Ông Nguyễn Văn Khoát- GĐ Sở GD-ĐT Hà Nam: Kết quả cao là tất yếu

Thứ nhất, đó là sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, yêu cầu rất cao của tỉnh cũng như của ngành. Thứ hai, đó là việc thực hiện tốt nề nếp, kỷ cương. Cũng như những năm trước, kết quả thi tốt nghiệp của Hà Nam rất ổn định. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của HS THPT là 99,7%, bằng với kết quả năm trước; với GDTX tỉ lệ tốt nghiệp đạt 98,9% (năm trước là 96,5%).

Đây là thành quả dạy học của thầy cô giáo và việc học tập  của các em HS. Đây cũng là kết qủa tất yếu khi toàn ngành GD đã thực hiện 4 năm cuộc vận động Hai không. Bởi chính cuộc vận động này đã tác động tốt đến đội ngũ thầy cô về kiến thức cũng như phương pháp rèn cho HS cách  học, cách làm bài hiệu quả.

Thứ ba, thuận lợi của Hà Nam là tỉnh nằm trong vùng “đất học, có truyền thống hiếu học”. Người dân quan tâm,lo lắng, đầu tư cho việc học hành của con. Bản thân các cháu HS cũng thừa hưởng truyền thống đất học nên chịu khó học hành. Kết quả thi tốt nghiệp năm nay, tỉ lệ đỗ của GDTX tăng hơn một chút so với năm trước là do các trung tâm được chỉ đạo từ đầu năm tập trung hướng dẫn kỹ năng làm bài cho HS, nhất là bài thi trắc nghiệm.

Đồng thời ngay từ đầu năm xác định đối với HS GDTX các môn thi tự nhiên như toán, lý, hoá là khó, vì thế chúng tôi đã phân công GV dạy, tổ chức hội thảo, thảo luận cách dạy, họp các trung tâm GDTX toàn tỉnh để thống nhất cách dạy, kỹ năng làm bài cho HS. Vì thế, đã đem lại kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua.

Theo tôi, kết quả thi tốt nghiệp năm nay cao hơn năm trước hoàn toàn không có sự “thả lỏng” vì yêu cầu chặt chẽ, yêu cầu rất cao từ các khâu. Đề ra vừa phải, bám sát chương trình, yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng nên HS làm bài mang lại kết quả cao là tất yếu.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, GĐ Sở GD- ĐT Nam Định: Trong kỳ thi vừa qua, các tỉnh Vùng 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bộ ra đề thi chuẩn kỹ năng, có sáng tạo, đặc biệt là phân loại được HS. Tuy nhiên, một số báo chí, dư luận xã hội đôi lúc lại hiểu sai. Kết quả năm nay là bình thường. Chính xã hội sẽ là người sàng lọc bởi nếu không có trình độ, chắc chắn không có xí nghiệp hay doanh nghiệp nào tuyển dụng. Nên chăng ngành GD nên có cách làm để báo chí chia sẻ với chúng ta.

Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 99,89% ở hệ THPT, 99,92% ở hệ GDTX, Nam Định giữ vị trí quán quân về có tỷ lệ thí sinh thi đỗ cao nhất cả nước. Có tới 38/54 trường THPT có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp 100%. Có 4 thí sinh đồng thủ khoa với điểm thi đạt 55,5 điểm. Năm ngoái, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2010 là 99,78%, hệ GDTX đạt trên 97%, Nam Định cũng là tỉnh dẫn đầu.

Thầy Đào Như Văn (Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Trần Hưng Đạo - Hà Nam): Với cách ra đề có những đổi mới và chú trọng vào chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với đối tượng học sinh nên có thể thấy kết quả thi tốt nghiệp của các em khả quan hơn năm trước. Tỷ lệ đỗ Tốt nghiệp của nhà trường năm nay là 99,06% .

Ngay từ những ngày đầu của năm học, GV bộ môn đã kết hợp với GV chủ nhiệm để kiểm tra, đánh giá và phân loại HS. Những HS yếu đều được tập hợp và được phụ đạo bồi dưỡng bổ sung kiến thức kịp thời. Chính vì vậy trong suốt quá trình của năm học bên cạnh việc lĩnh hội những kiến thức mới các em HS còn được đầu tư ôn luyện các kiểu bài các kỹ năng của các môn học nên kỳ thi tốt nghiệp đã được chuẩn bị khá chu đáo.

Vũ Kim Phượng (GV văn Trường THPT Nguyễn Gia Thiều Hà Nội): Là một trường có bề dầy về chất lượng dạy và học. Vì vậy không chỉ năm nay mà nhiều năm gần đây tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường khá cao.

Bắt đầu từ tháng tư khi thông báo môn thi tốt nghiệp, nhà trường đã chủ động đầu tư trong việc ôn luyện các kiến thức cơ bản đối với các môn thi cho HS.

Đặc biệt các dạng đề, kết cấu đề đều được các GV hướng dẫn và định hướng cách giải. Chính vì vậy trước khi bước vào kỳ thi các em đều rất tự tin về tâm lý và kiến thức.

Nhóm PV Đà Nẵng - Hoàng Oanh - Quốc Ngữ - Vũ Kiên-Phương Linh (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ