Kết quả PISA - dữ liệu quan trọng phục vụ xây dựng, thực thi chính sách

GD&TĐ - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định giá trị việc tham gia đánh giá PISA đối với xây dựng và thực thi chính sách giáo dục.

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (Quận 8, TPHCM). Ảnh: INT
Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (Quận 8, TPHCM). Ảnh: INT

Chia sẻ về những thông tin liên quan đến kết quả đánh giá PISA của Việt Nam năm 2022, PGS.TS Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đồng thời khẳng định giá trị việc tham gia đánh giá PISA đối với xây dựng và thực thi chính sách giáo dục.

Nhóm quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN

- Ông có nhận định gì về vị trí của Việt Nam trong kết quả khảo sát PISA vừa được công bố cuối năm qua?

- Việt Nam tham gia PISA từ 2012. Năm 2022, tham gia khảo sát PISA có 81 quốc gia, bao gồm 36 quốc gia OECD và các quốc gia quan tâm khác như Việt Nam. Việt Nam đã thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm ngặt mọi quy trình của OECD khi triển khai PISA 2022.

Kết quả PISA 2022 đã được công bố. Theo đó, học sinh Việt Nam đạt điểm gần với mức trung bình của OECD ở cả môn Toán, Đọc và Khoa học (điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia).

Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore, vị trí này cũng phù hợp với với Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM). Học sinh Việt Nam có điểm Toán thuộc nhóm cao nhất, chỉ sau Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế - xã hội. Kết quả này phù hợp những thông tin OECD phân tích về các nhân tố tác động tới kết quả trong báo cáo công bố.

Các chu kỳ khảo sát của PISA cũng có biến động xếp hạng quốc gia, do đó Việt Nam có sự thay đổi về kết quả xếp hạng. Chúng ta rất quan tâm đến các phân tích, đánh giá chuyên sâu để phục vụ xây dựng, thực thi chính sách. Hiện, Việt Nam tích cực xây dựng báo cáo quốc gia để phân tích và đối sánh kết quả PISA 2022.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh. Ảnh: ITN

PGS.TS Phạm Quốc Khánh. Ảnh: ITN

- Kết quả PISA 2022 có sự chuyển biến thế nào so với những lần Việt Nam tham gia trước đây?

- Chuyển biến chung của kết quả PISA qua các chu kỳ là điểm trung bình các môn có sự thay đổi do việc bổ sung, cập nhật nội dung đánh giá phục vụ mục tiêu đặt ra từng giai đoạn.

Như các chu kỳ khác, kết quả PISA 2022 cho thấy Việt Nam luôn ở nhóm quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN, ở vị trí cao của nhóm các nước có thu nhập trung bình và quanh mức trung bình các nước OECD.

Về xếp hạng chung giảm trong kết quả PISA 2022, chúng tôi bước đầu đánh giá một số nguyên nhân, đó là: Dạy học trực tuyến là việc còn mới mẻ với nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh khi Việt Nam thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” trong thời gian dịch bệnh Covid-19 - điều không mới với nhiều quốc gia phát triển; Bộ GD&ĐT có các chỉ đạo tinh giản nội dung, chỉ giữ phần cốt lõi ở Công văn 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30/3/2020 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 và Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT. Hướng dẫn nhiệm vụ đánh giá học sinh cũng điều chỉnh giảm liên quan đến các nội dung vận dụng; việc thực hiện các giờ học bổ trợ cũng giảm.

Điển hình về kết quả học tập cao khi đầu tư giáo dục khiêm tốn

- Theo kết quả PISA 2022, Việt Nam là ví dụ điển hình về học sinh đạt kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn ở mức khiêm tốn. Theo ông nguyên do là gì?

- Chi tiêu giáo dục cho mỗi học sinh Việt Nam từ 6 - 15 tuổi chỉ khoảng 13.800 USD, trong khi các quốc gia trong nền kinh tế OECD ở mức 75.000 USD. Nhưng điểm trung bình môn Toán của học sinh Việt Nam đạt 438 điểm - một trong những mức cao nhất dành cho học sinh có nền tảng kinh tế - xã hội tương tự.

OECD chỉ công bố đối sánh này ở môn Toán vì PISA 2022 có trọng tâm là môn Toán. Tôi cho rằng, nhận định Việt Nam là ví dụ điển hình về kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn khiêm tốn được Ban Thư ký OECD nhắc trong buổi công bố ngày 5/12/2023 là xác đáng. Nguyên nhân của kết quả này đến từ nhiều phía.

Thứ nhất, giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu, Nhà nước và người dân, gia đình quan tâm. Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Cơ hội học tập cho các em thông qua mạng lưới trường học rộng khắp cả nước. Ví dụ, 97% học sinh cho biết đã theo học giáo dục mầm non từ một năm trở lên (trung bình OECD: 94%).

Thứ hai, chương trình học tập được thiết kế để cung cấp cho học sinh THCS kiến thức nền tảng vững chắc trong các môn học cơ bản như Toán, Khoa học, Ngữ văn, nên học sinh Việt Nam đạt điểm quanh điểm trung bình của OECD.

Thứ ba, môn Toán được đánh giá là thế mạnh của học sinh Việt Nam qua các kỳ đánh giá khác và nhiều kỳ thi Olympic quốc tế. Cho nên, kết quả môn Toán của Việt Nam trong kỳ PISA 2022 cơ bản phản ánh đúng chất lượng dạy học môn này của chúng ta so với các nước trong khu vực, thế giới.

Thứ tư, giáo viên Việt Nam thường chú trọng rèn luyện tư duy logic cho học sinh trong quá trình giảng dạy môn Toán và khuyến khích phương pháp giải toán đa dạng. Học sinh được tiếp cận với nhiều phương pháp giải toán khác nhau, giúp phát triển khả năng sáng tạo, tư duy độc lập.

Thứ năm, Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất từ năm học 2017 - 2018 giúp học sinh làm quen, chủ động.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

- Ông có nhận xét gì về khoảng cách giữa học sinh có điều kiện học tập tốt và khó khăn nhất của chúng ta. Phải chăng, còn nhiều điều cần phải làm để thu hẹp khoảng cách này?

- Đúng là học sinh có điều kiện thuận lợi vượt trội so với học sinh hoàn cảnh khó khăn ở lĩnh vực Toán. Mức chênh lệch trung bình giữa hai nhóm là 78 điểm so với 93 điểm ở các nước OECD. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác. Tuy nhiên, khoảng 13% học sinh Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao trong tốp 25% (trung bình ở các quốc gia OECD là 10%).

Bên cạnh điều kiện kinh tế - xã hội, còn có các nhân tố khác tác động đến kết quả học tập như khảo sát PISA đề cập. Do đó, giải pháp đồng bộ, có hệ thống là cần thiết ở Việt Nam, phù hợp với từng vùng miền được Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai. Thông tin từ PISA, bởi vậy giúp chúng ta củng cố thêm về chính sách.

Phục vụ xây dựng, thực thi chính sách

- Theo ông, tham gia khảo sát PISA có ý nghĩa như thế nào trong đổi mới giáo dục Việt Nam? Sau các năm tham gia khảo sát PISA, chúng ta đã vận dụng mô hình đánh giá của OECD vào việc đánh giá học sinh Việt Nam ra sao?

- PISA 2022 gồm 81 quốc gia tham gia (36 quốc gia OECD) với ít nhất 81 chương trình THCS khác nhau, sử dụng nhiều bộ sách/tài liệu học tập. Tất cả học sinh tham gia PISA 2022 được áp dụng một bài thi đánh giá năng lực trong 120 phút và 35 phút hỏi các thông tin liên quan. Với cách tổ chức khoa học và nghiêm túc, kết quả PISA bởi vậy cung cấp dữ liệu quan trọng cho đối sánh và phục vụ xây dựng, thực thi chính sách.

Năm 2022, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án 468 ngày 13/2/2023 với nhiệm vụ Phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia nhằm định kỳ cung cấp các thông tin khách quan, tin cậy về chất lượng GDPT, làm cơ sở đề xuất các chính sách, giải pháp đổi mới hoạt động dạy - học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng GDPT và hội nhập quốc tế.

Vận dụng mô hình đánh giá PISA, Việt Nam đã tập huấn giáo viên trong mỗi chu kỳ đánh giá. Hiện, Cục Quản lý chất lượng vẫn triển khai tập huấn vận dụng cách đánh giá PISA nhằm nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, giáo viên. Các đợt tập huấn này giúp cán bộ quản lý, giáo viên vận dụng được cách đánh giá PISA tại địa phương; đổi mới công tác xây dựng đề kiểm tra theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Các kỹ thuật, phương pháp đánh giá của PISA có nhiều ưu điểm nổi bật, phù hợp với xu hướng đánh giá năng lực người học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của Chương trình GDPT năm 2018. Năm 2022, tập huấn được triển khai tại 16 tỉnh/thành phố với kết quả sản phẩm cụ thể, giáo viên có thể vận dụng các đánh giá của PISA.

Cùng đó, ngày 27/4, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm “Hướng tiếp cận và kỹ thuật đánh giá kết quả học tập học sinh của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA”. Tọa đàm đã tiếp nhận các kiến nghị ứng dụng cách đánh giá của PISA phù hợp, hiệu quả.

Kết quả điểm Toán của PISA 2022 theo chỉ số điều kiện kinh tế - xã hội.
Kết quả điểm Toán của PISA 2022 theo chỉ số điều kiện kinh tế - xã hội.

- Dù sao OECD cũng là các nước có thu nhập cao/trung bình cao. Một nước đang phát triển như chúng ta tham gia, giá trị tham khảo của kết quả này phải chăng sẽ có giới hạn?

- Tôi cho rằng, đầu tư cho giáo dục, việc bảo đảm nguồn lực là một nhân tố quan trọng để nâng cao kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục.

PISA đưa ra 6 mục tiêu cụ thể. Một là đánh giá theo các mức độ đối với năng lực của học sinh ở độ tuổi 15 qua lĩnh vực Toán học, Khoa học và Đọc hiểu. Hai là nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách đến kết quả học tập của học sinh. Ba là nghiên cứu hệ thống các điều kiện giảng dạy, học tập có ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Bốn là so sánh kết quả giáo dục của các nước tham gia PISA. Năm là xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia và quốc tế. Sáu là hỗ trợ các quốc gia thấy được sự phát triển giáo dục của quốc gia mình qua các chu kỳ đánh giá.

Thực tế cho thấy, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển hoặc có thu nhập thấp đã nỗ lực tham gia PISA qua các chu kỳ và được OECD đánh giá cao.

Về giá trị tham khảo của kết quả PISA 2022, theo tôi, kết quả xếp hạng là một phần; phần quan trọng là phân tích thông tin để có chính sách, giải pháp ngắn hạn và dài hạn; đặc biệt liên quan đến giáo dục phổ cập, cơ hội học tập, các giải pháp cho việc nâng cao mặt bằng chất lượng giáo dục cả nước; việc sử dụng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong điều hành.

Ngoài PISA, các kỳ đánh giá cấp quốc gia khác cũng đóng góp quan trọng như SEA-PLM, TALIS... Như tôi đã thông tin, Việt Nam đang tích cực xây dựng báo cáo quốc gia để phân tích và đối sánh kết quả PISA 2022, từ đó đưa ra khuyến nghị tin cậy về chính sách.

- Có những khác biệt nhất định về mô hình đánh giá của chúng ta so với các nước OECD. Vậy mục tiêu Việt Nam tham gia bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của OECD là gì?

- Tiếp cận của PISA và Việt Nam, nhất là khi triển khai Chương trình GDPT 2018, có sự tương đồng cao về phát triển năng lực, phẩm chất. Tham gia bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của OECD nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng GDPT và hội nhập quốc tế. Cụ thể, kết quả PISA giúp chúng ta so sánh “mặt bằng” giáo dục quốc gia với giáo dục quốc tế.

Đây cũng là chỉ số đáng tin cậy, chất lượng về kết quả đầu ra của hệ thống giáo dục, có thể so sánh giữa các quốc gia/nền kinh tế để thúc đẩy, cải tiến và cải cách. Tham gia PISA, chúng ta đồng thời được OECD đưa ra kết quả phân tích và đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia, đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia...

Việc Việt Nam tiếp tục tham gia PISA 2025 thể hiện cam kết và nhất quán về mục tiêu, ý nghĩa tham gia các kỳ đánh giá diện rộng quốc gia, quốc tế tại Đề án 468 năm 2023 về phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 - 2030.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cách đặt vấn đề của PISA là đánh giá mức độ chuẩn bị để đáp ứng các thách thức trong cuộc sống sau này của học sinh khi đến độ tuổi hoàn thành giai đoạn giáo dục bắt buộc (Việt Nam là giáo dục phổ cập với cấp THCS). Từ đó, mỗi kỳ khảo sát đo lường khả năng của học sinh tuổi 15 trong sử dụng kiến thức và kỹ năng Đọc, Toán, Khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Với PISA 2022, bài thi môn Toán chỉ có 25% về lý thuyết; còn lại 75% về ứng dụng Toán trong giải quyết vấn đề. Các bài thi Đọc, Khoa học cũng dựa trên cách đặt vấn đề của PISA. Vì vậy, việc nói rằng PISA “nhấn mạnh quá mức về thước đo định lượng” là không chính xác. - PGS.TS Phạm Quốc Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ