Thành công từ những việc nhỏ
Năm nay, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội lần đầu tiên tham gia phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Đây là một kỳ thi thành công về mọi mặt. Từ khâu tổ chức cho đến công tác coi thi. “Tôi đặc biệt ấn tượng và ghi nhận về khâu coi thi, rất nghiêm túc và an toàn. Từ việc đánh số báo danh, số lượng thí sinh trên một hàng ngang trong một phòng thi… rất khoa học” – TS Hoàng Xuân Hiệp bộc bạch, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào kỳ thi có đủ “sức nặng” để các trường tuyển sinh. TS Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh: “Chỉ nhìn cách thức tổ chức cũng đã tạo được niềm tin cho chúng tôi và cho xã hội. Và đó chính là thành công của kỳ thi năm nay”.
Khẳng định Kỳ thi THPT quốc gia năm nay thành công trên nhiều phương diện, TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội – phân tích: Năm 2018, Kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản không thay đổi cách thức tổ chức và vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho thí sinh, một số thay đổi nhỏ về kỹ thuật để đáp ứng các mục tiêu mà kỳ thi hướng tới. Đây cũng là kỳ thi mà ngành Giáo dục đã thể hiện được vai trò chủ đạo, trách nhiệm của mình trước Chính phủ, nhân dân khi mà Thủ tướng không cần các chỉ đạo đặc biệt, thí sinh được chăm lo chu đáo.
“Từ cụm thi đến kết quả chung toàn quốc, theo tôi năm 2018 là năm có Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức an toàn, kết quả tốt. Năm nay chúng ta có áp dụng các kỹ thuật mới như: Đề thi có độ phân hoá cao, công tác coi thi cũng có một số cải tiến, khâu niêm phong bài thi cũng rất chặt chẽ. Những điểm mới này đã có tác động tích cực trong thực tế tại các điểm thi” - TS Trương Tiến Tùng nhấn mạnh.
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2018 |
Thuận lợi để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh
GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – nhận xét: Một trong những thành công của Kỳ thi năm nay đó khâu ra đề thi. Đề thi có tính phân hóa cao, đảm bảo đạt được hai mục đích là: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. “Trên cơ sở chất lượng của đề thi năm nay và với phổ điểm đã được công bố, các trường đại học có thể lựa chọn những thí sinh theo mục đích tuyển sinh. Và ngược lại, thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn để theo học trường đại học phù hợp với mình. Có thể nói, chúng tôi đã được thụ hưởng kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia” - GS.TS Nguyễn Văn Minh trao đổi.
“Từ khâu chuẩn bị, coi thi đến chấm thi và đặc biệt là sự phân hoá về điểm thi như năm nay, thì các trường đại học, cao đẳng, nhất là các trường sử dụng kết quả thi Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, sẽ có đủ căn cứ và yên tâm để lựa chọn cho mình những sinh viên đủ năng lực theo nhu cầu đào tạo của nhà trường”.
Còn theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), năm nay, khâu coi thi và chấm thi có nhiều điểm mới về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như: Điểm số được làm tròn đến 2 số thập phân, điểm ưu tiên giảm 50%... cũng là một yếu tố tích cực để đánh giá, phân loại thí sinh đến từng chi tiết. Đề thi năm nay có tính phân hóa cao và tốt hơn năm 2017. Do đó, phổ điểm năm nay có sự phân hóa. Đặc biệt phổ điểm đã tiệm cận đến phân phối chuẩn, tốt hơn trước; do đó các trường đại học, cao đẳng sẽ thuận lợi cho việc tuyển sinh. Điều quan trọng là thí sinh và trường đại học dễ đến được với nhau và không bị ảo.
“Vì vậy, các trường top trên và các trường top dưới sẽ không gặp khó khăn gì trong tuyển sinh. Điểm năm nay phù hợp với tất cả các trường để đạt được mục đích tuyển sinh của mình” – PGS.TS Bùi Đức Triệu khẳng định.
Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), với việc tổ chức các điểm thi tại các huyện đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và gia đình các em, các em đi thi như đi học. Kỳ thi ngày càng nhẹ nhàng, thân thiện hơn nhưng tính nghiêm túc thì vẫn đảm bảo. Năm nay có sự thay đổi trong việc ra đề thi, đề thi phân hóa hơn. Đặc biệt kết quả của kỳ thi bảo đảm độ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng trong tuyển sinh, bằng chứng là phổ điểm có sự phân hóa rõ nét.