Kết quả giáo dục Việt Nam được quốc tế đánh giá cao

GD&TĐ - Sáng nay (7/3), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi tiếp đoàn Nghị sĩ thuộc Nghị viện các quốc gia cổ đông của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp đoàn Nghị sĩ thuộc Nghị viện các quốc gia cổ đông của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ thế giới Ảnh: Bá Hải
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp đoàn Nghị sĩ thuộc Nghị viện các quốc gia cổ đông của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ thế giới Ảnh: Bá Hải

Tại buổi làm việc, từ sự quan tâm của các nghị sĩ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và lãnh đạo các cục, vụ, viện, đơn vị thuộc Bộ đã chia sẻ những thông tin về giáo dục Việt Nam với kết quả đạt được, khó khăn thách thức và định hướng chính sách trong thời gian tới.

Cho đến nay, quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục tại Việt Nam phát triển nhanh, hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh, thống nhất, đa dạng và phủ kín cả nước với 23,5 triệu người đi học. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của hệ thống GD&ĐT được tăng cường và hiện đại hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, chất lượng được nâng cao. Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có tiến bộ. Công bằng xã hội trong giáo dục có tiến bộ rõ rệt, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, nữ học sinh, sinh viên, con em các gia đình nghèo và các đối tượng bị thiệt thòi...

Thành tựu đã đạt được cho phép giáo dục Việt Nam chuyển từ phát triển theo mục tiêu số lượng là chính sang phát triển theo mục tiêu chất lượng và hiệu quả trong giai đoạn tới.

Về tài chính cho giáo dục, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, từ 15,3% năm 2001 lên 20% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2008. Từ năm 2010 đến nay, nhà nước vẫn ưu tiên duy trì mức chi 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước còn có các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế và cá nhân ở nước ngoài vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) qua các dự án phát triển giáo dục ở các cấp, ngành học... Công tác xã hội hoá giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, mở trường và đóng góp kinh phí cho giáo dục...

Định hướng từ nay đến 2020 và tầm nhìn 2030, quán triệt Nghị quyết về đổi mới căn bản GD&ĐT đáp ứng hội nhập quốc tế, thực hiện thành công Chiến lược 2011-2020, tạo đà xây dựng Chiến lược mới 2021-2030, Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, kèm theo là 5 nhóm giải pháp.

Tại buổi làm việc, các nghị sĩ thuộc Nghị viện các quốc gia cổ đông của WB và IMF đánh giá cao kết quả giáo dục mà Việt Nam đạt được trong bối cảnh còn nhiều khó khăn; đặc biệt đánh giá cao sự quan tâm lớn của Việt Nam đối với giáo dục, một trong những thể hiện là con số ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục lên tới 20% tổng chi ngân sách – đó là “con số đáng ngưỡng mộ”. Bên cạnh tìm hiểu về giáo dục Việt Nam, đoàn Nghị sĩ chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển giáo dục của các nước trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ