Tự chủ giáo dục nghề nghiệp không chỉ để hút người “có tiền”

GD&TĐ - Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được công bố lấy ý kiến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một số chuyên gia cho rằng, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, vì vậy, quy mô đào tạo phải gắn liền với chất lượng.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp

TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được công bố và lấy ý kiến. Dự thảo này được xây dựng trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tới đây sẽ có nhiều sự thay đổi, nhất là quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực thông qua việc ký kết các hiệp định thế hệ mới (CPTPP, EVFTA….). Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho GDNN tiếp cận với những kiến thức, công nghệ mới, mô hình đào tạo và mô hình quản lý tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, tạo ra những dòng chuyển dịch các nguồn lực, tạo nhiều cơ hội việc làm cũng như dịch chuyển lao động giữa các quốc gia.

Cùng với đó, ông Dũng thông tin thêm rằng, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước ta 10 năm tới và các năm tiếp theo là: “Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, đặc biệt là lao động qua đào tạo chất lượng cao. Hơn nữa, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo còn bất hợp lý. Mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong giai đoạn trước, nhưng với bối cảnh thời kỳ dân số vàng của chúng ta đang dần trôi qua, cùng với các yêu cầu rất cao trong giai đoạn tới.

Câu hỏi đặt ra cho GDNN hiện nay là có thể làm gì để phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng và Chính phủ.

Góp ý về Dự thảo chiến lược, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nếu định hướng đúng và trúng, chiến lược này sẽ rất quan trọng cho đất nước, làm thay đổi diện mạo, thay đổi đẳng cấp hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên đặc biệt lưu ý, chiến lược phải dự báo được cấu trúc nghề nghiệp trong tương lai. Công nghệ và kinh tế số đang phát triển chóng mặt đòi hỏi định hướng nghề nghiệp, định hướng phát triển khác hẳn. “Nếu không chuẩn bị tốt cho tương lai thì chúng ta sẽ là người có tội khiến cho đất nước phát triển chậm lại trong khi thế giới tiến lên”, ông Thiên nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, trong tương lai cần phải gắn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn với các tập đoàn lớn và hướng tới đào tạo nghề nghiệp sáng tạo.

Quy mô đào tạo phải gắn liền với chất lượng

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Và để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp phải giải quyết 2 vấn đề: Quy mô và hiện đại hóa.

Bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khiến cho năng suất lao động thay đổi hoàn toàn khác so với thời kỳ lao động thủ công. Phải cấu trúc lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề. Quy mô đào tạo phải gắn liền với chất lượng, với việc làm và với thị thường lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đặc biệt lưu ý, việc đẩy mạnh tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có nghĩa là chỉ quan tâm thu hút người học “có tiền” mà phải quan tâm đặc biệt đến nhóm lao động nghèo. Nhóm lao động này phải được đầu tư đào tạo. Đồng thời, để không mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định cần phải làm tốt công tác phân luồng.

Ông Bùi Văn Phương - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ cấp bách.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi trình độ phát triển xã hội đòi hỏi một nguồn nhân lực phù hợp. Khi đó, nhiệm vụ cấp bách là đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập như có kỹ năng, giỏi nghề, đảm nhận vai trò chế tạo, sử dụng được công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có thực tiễn khác biệt, có những điểm không đồng đều giữa chỉ số phát triển nguồn nhân lực với chỉ số phát triển kinh tế của các địa phương.

Nêu giải pháp, ông Phương cho rằng muốn được hưởng lợi thì phải đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo của các trường là 2 đơn vị phải đi đầu trong vấn đề này. Việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý thì trước hết phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Cần phát huy tối đa các nguồn lực, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo trong nhà trường, phát triển trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng.

Đồng thời, muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải thông qua công tác quy hoạch, bổ nhiệm, thi tuyển và đãi ngộ. Chính điều này sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, bền vững về mặt số lượng và chất lượng cũng như sự phân bổ hợp lý nguồn nhân lực này. Để thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đãi ngộ là một nội dung cần được chú trọng bởi việc sắp xếp cán bộ đúng chuyên môn, phát huy được khả năng của cá nhân, có chế độ lương thưởng thỏa đáng sẽ giúp họ có thể yên tâm, có điều kiện toàn tâm, toàn ý cho công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ