Những dòng họ xứ Nghệ làm khuyến học

GD&TĐ - Nghệ An là địa phương có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Ngày nay, truyền thống này được nhân lên trong mỗi gia đình, dòng họ, thành phong trào khuyến học rộng khắp.

Hội đồng gia tộc họ Ngô trao phần thưởng Ngô Trí Hòa cho gia đình có con cháu đỗ đạt, có thành tích cao trong học tập.
Hội đồng gia tộc họ Ngô trao phần thưởng Ngô Trí Hòa cho gia đình có con cháu đỗ đạt, có thành tích cao trong học tập.

Khuyến học ở dòng họ “phụ tử đồng khoa”

Lịch sử ghi lại, trong gần 1.000 năm khoa bảng của triều đình phong kiến Việt Nam, chỉ một lần cả cha và con cùng đỗ đại khoa trong một khoa thi. Đó là khoa thi năm Nhâm Thìn 1592, triều đình lấy 3 người, trong đó, có 2 cha con: Ngô Trí Tri đỗ Tiến sĩ, con trai Ngô Trí Hòa đỗ Hoàng Giáp, người Phủ Diễn Châu (nay thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An).

Lúc vinh quy bái tổ, vua Lê Thế Tông đã ban tặng Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa bức gấm thêu 10 chữ vàng: “Khoa danh thiên hạ hữu, Phụ tử thế gian vô”. Nghĩa là, khoa danh trong thiên hạ thì ai cũng có thể có, nhưng hai cha con cùng đỗ một khoa thì thế gian chưa từng. Về sau, con trai thứ của Ngô Trí Hòa là Ngô Sĩ Vinh cũng đỗ Tiến sĩ xuất thân. Ba cha con, ông cháu cùng đỗ Tiến sĩ đã được nhà vua tặng bảng vàng “Tam đại Tiến sĩ”, đều ra làm quan, nổi tiếng thanh liêm, thương dân và góp phần cho quê hương, đất nước thời bấy giờ hưng thịnh.

Qua thời gian, dòng họ Ngô ngày một lớn mạnh, con cháu sinh sống ở nhiều nơi trong, ngoài nước. Ông Ngô Sĩ Công – Trưởng Hội đồng gia tộc cho biết: Câu chuyện phụ tử đồng khoa luôn được ghi nhớ, không chỉ với niềm tự hào, vinh quang, mà còn được đưa ra để giáo dục con cháu về truyền thống khoa bảng, hiếu học của dòng họ. Cụ Ngô Trí Tri ở tuổi 53 vẫn đi thi và đỗ Tiến sĩ là tấm gương lớn về sự học suốt đời, học mãi, không kể tuổi tác, không bao giờ là muộn.

Tiếp nối truyền thống hiếu học, học giỏi của dòng họ, Quỹ Khuyến học dòng họ Ngô được thành lập năm 1992. Hằng năm, tổ chức trao thưởng vào ngày giỗ cụ Ngô Trí Hòa. Nguồn quỹ được huy động từ mỗi gia đình đóng góp 5 nghìn đồng/năm. Số tiền không nhiều, không tạo gánh nặng cho con cháu, mà để ai cũng có trách nhiệm trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Với hàng nghìn gia đình góp lại, quỹ khuyến học luôn kịp thời hỗ trợ, động viên con cháu. Phần thưởng là giấy chứng nhận và một số dụng cụ học tập như sách vở, bút giấy và một khoản tiền nhỏ. Điều đặc biệt là phần thưởng Ngô Trí Hòa chỉ dành cho con cháu đạt HS giỏi cấp tỉnh trở lên, đỗ ĐH và đạt thành tích xuất sắc trong công tác. Vì vậy, những gia đình, con cháu được trao “giấy chứng nhận phần thưởng Ngô Trí Hòa” là niềm vinh dự lớn lao, tạo động lực để tiếp tục phấn đấu, được gia tộc ghi nhận. 

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An trao học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số huyện Con Cuông.
Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An trao học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số huyện Con Cuông.

Dòng họ vùng cao đóng góp vào sự học

Họ Lang Vi (dân tộc Thái) ở Nghệ An cũng có một quá khứ vàng son, ghi dấu ấn trong lịch sử khi có 3 thế hệ nối tiếp nhau giữ chức Tri phủ Tương Dương. Phủ Tương Dương nay gồm 3 huyện rộng lớn: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Năm xưa, ông Lang Vi Bằng (xã Đôn Phục, huyện Con Cuông) cầm đầu nhóm người đi đánh giặc Phò Khăm, có công lớn được triều Nguyễn đặc cách bổ nhiệm làm tri phủ. Người kế tục cai quản vùng núi Tây Nghệ là ông Lang Vi Tài, rồi đến Lang Vi Năng (con trai ông Lang Vi Bằng) cho đến khi cách mạng tháng 8/1945 thành công.

Trong khoảng thời gian đương nhiệm, Thổ tri phủ Tương Dương cũng đứng ra tổ chức nhiều cuộc khai phá đất hoang hóa, trồng lúa nước, mở mang thêm làng bản. Nhờ đó, cuộc sống bà con khấm khá và ổn định hơn trước. Những việc làm này được triều đình ghi nhận, ban tặng sắc chế.

Ông Lang Vi Nguyệt (con thứ 7 của cụ Năng) năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết: Năm 1945, dòng họ Lang Vi có nhiều đóng góp cho nước nhà. Trong đó, có người giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - Hành chính huyện Con Cuông.

Nối tiếp truyền thống, dòng họ Lang Vi có nhiều đóng góp vào bản sắc văn hóa chung của dân tộc Thái. Người trong dòng họ sống đoàn kết, yêu thương nhau và đặc biệt có truyền thống khuyến học… Đây là một trong những dòng họ có số lượng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Riêng tại xã Đôn Phục, họ Lang Vi có gần 20 người vào đại học, 30 người người đang học cao đẳng, lập nghiệp nhiều vùng miền cả nước.

Ở vùng cao Nghệ An, mỗi bản làng thường là nơi sinh sống quây quần của một dòng họ. Xóm Hòa Thành, xã Châu Quang, Quỳ Hợp có hơn 20 hộ dân với 80 nhân khẩu của nhánh trưởng, dòng họ Hủn Vi (cũng của dân tộc Thái). Cư dân ít, nhưng cách đây 18 năm, dòng họ ở vùng núi cao này đã thành lập ban khuyến học, để khích lệ tinh thần vươn lên trong học tập của con cháu. Mỗi hộ gia đình tình nguyện trích ra một khoản tiền nhỏ, góp quỹ hội.

Đầu năm học mới, dòng họ sẽ trao thưởng cho học sinh khá, giỏi và đậu đại học, cao đẳng. Ông Hủn Vi Thảy là một trong những gia đình đầu tiên nuôi con vào đại học của Hòa Thành chia sẻ: Các con được nhận thưởng của dòng họ, vinh dự lắm. Gia đình càng có ý thức nghe theo lời trưởng bản, già làng để rèn luyện học tập. Bây giờ trong xóm thi đua nhau, nhà nào cũng cho con cái đi học đầy đủ và phấn đấu học giỏi.

Đến nay, dòng họ Hủn Vi có khoảng 20 em con cháu đậu đại học, cao đẳng, chiếm tới 30% người dân trong họ. Đặc biệt 100% gia đình của xóm đều được xã Châu Quang công nhận đạt gia đình học tập. Không có tình trạng con em bỏ học giữa chừng. Dòng họ này còn được tham dự thi đua khen thưởng của huyện, tỉnh, trở thành niềm tự hào cả các con cháu. Sự tiến bộ của mỗi dòng họ, góp lại, làm nên phát triển chung của một ngôi trường và cả ngành Giáo dục địa phương. 

Trong 5 năm (2016 – 2020) phong trào khuyến học ở Nghệ An đã đẩy mạnh và duy trì được các phong trào thi đua khuyến học như: Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Quỹ Khuyến học các cấp đã vận động được 63 - 65 tỷ đồng/năm và trao thưởng gần 200.000 lượt suất phần thưởng khuyến học, học bổng cho học sinh. Qua đó, kịp thời hỗ trợ học sinh vượt khó khăn, vươn lên trong học tập, góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học của học trò xứ Nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.